MENU

Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2012

Hồng Lâu Mộng - Bảo Ngọc là đồng tính?

Như tôi đã đề cập trong phần giới thiệu, ngay từ phần đầu, cuốn sách đã hé mở rất nhiều chi tiết hữu ích cho việc phân tích giới tính. Chi tiết quan trọng nhất chứng tỏ việc Bảo Ngọc đã ‘lầm lẫn’ ưa con gái hơn con trai và nữ tính hơn nam tính, được thể hiện qua lời Lãnh Tử Hưng tả lại sinh nhật tròn năm của Bảo Ngọc (xem chương 2): “Khi đầy năm, Giả Chính muốn thử chí hướng con về sau thế nào, mới đem những đồ chơi bày ra trước mặt để xem nó quờ lấy cái gì. Ngờ đâu nó chẳng lấy cái gì, mà chỉ quờ lấy phấn sáp, trâm vòng.” Giả Chính được tả là rất không vui về việc cậu con không chọn bút, nghiên hay giấy, mực, và kể từ đó “không yêu quý lắm”. Bi kịch tâm lý của Bảo Ngọc đã được thể hiện rõ ràng ngay trong ngày sinh nhật đầu tiên của cậu ta: bị bắt ép phải tự xác định ‘thiên hướng’ của mình hoặc theo nữ tính, hoặc theo nam tính, và bị mặc định chối bỏ lựa chọn lưỡng tính dung hòa trong biện chứng giới tính.
Đọc tiếp >>

                                                                  Hồng lâu mộng
                                                                       紅樓夢

                                               (Hình ảnh: trang đầu tiên trong bản gốc HLM))


Chân Bảo Ngọc, nhân vật giống y hệt Giả Bảo Ngọc, cũng có sự ưu ái tương tự dành cho nữ nhi. Cậu ta nằng nặc đòi được “ngồi học cạnh hai bạn gái bé” và cũng kêu lên “chị em ơi” để không thấy đau khi bị đòn (xem chương 2). Giả Vũ Thôn kể về quan niệm của Chân Bảo Ngọc về nữ giới “Hai chữ “nữ nhi” đối với tôi rất tôn quý, rất trong sạch, không gì sánh kịp, hơn cả phật Di Đà và Ngọc Đế. Các người là hạng thối mồm thối miệng, chớ có nông nổi coi thường hai chữ ấy. Khi nào cần nói đến phải lấy nước chế thơm súc miệng kỹ đã rồi mới được nói; nếu mà nói bậy, sẽ bị bẻ răng khoét mắt”.
Sự mơ hồ trong xu hướng giới tính của Bảo Ngọc được miêu tả rất thống nhất xuyên suốt tác phẩm. Trong phần đầu, Bảo Ngọc được miêu tả như một cậu bé đặc biệt hiếm có: cử chỉ duyên dáng, thần sắc thanh tú, tính tình nhã nhặn và tâm hồn yêu thơ ca sâu sắc. Nhận xét của Vưu Tam Thư là chứng cứ giá trị nhất trong phân tích này: “Xem cách ăn nói, cách xử sự của cậu ấy có vẻ hơi giống con gái. Đó là vì ngày nào cậu ấy cũng ở chung trong đám chị em, thành ra thói quen, chứ hồ đồ chỗ nào?” (xem chương 66)

Vẻ bề ngoài của Bảo Ngọc rất nhiều lần được nhắc tới với những nét của một người con gái, từ khi xuất hiện và lặp lại suốt truyện: “Mặt như trăng rằm mùa thu, sắc như hoa xuân buổi sớm, mái tóc như dao xén, lông mày rõ như mực kẻ, má như cánh hoa đào, mắt như làn sóng gợn.” (toàn những lời lẽ dùng để tả nữ nhi – xem chương 3); “Từ khi Tần Chung, Bảo Ngọc đến trường, xem ra dáng điệu tươi đẹp như hoa” (xem chương 9); Bắc Tĩnh vương xem thấy Bảo Ngọc “mặt tươi như hoa, mắt đen nhanh nhánh”. Đây toàn là những câu chữ dành riêng để miêu tả nữ giới, đối ngược hẳn lại với phong thái “râu hùm hàm én mày ngài” của các bậc tu mi. Bảo Ngọc đã bị Linh Quan nhìn lầm là “chị a hoàn nào”, vì nét mặt của cậu ta xinh đẹp, lại núp dưới cành hoa (xem chương 30).

Không những có vẻ bề ngoài giống con gái, Bảo Ngọc mang trong người nhiều tính cách được coi là của nữ giới trong xã hội đương thời. Hơn thế nữa, cậu ta cũng rất thông thạo và thích thú với những việc thường ngày chỉ dành cho con gái. Kiến thức của cậu ta về những thành phần mỹ phẩm phức tạp, cùng với ý muốn phục dịch cho a hoàn (xem chương 44, Bảo Ngọc quan tâm đến việc giặt là quần áo cho Bình Nhi trang điểm, và chương 20, Bảo Ngọc chải đầu cho Xạ Nguyệt), chải bị coi là lập dị và không nên có ở một bậc nam tử. Trong một vài chương, Bảo Ngọc bị các chị em chỉ trích vì thói quen ăn phấn sáp. Tuy cùng một vấn đề, hai người em họ Lâm Đại Ngọc và Sử Tương Vân lại biểu hiện hai thái độ khác nhau. Tương Vân “ở đằng sau giơ tay hất một cái, hộp sáp rơi xuống đất” và mắng “Chứng nào tật ấy, đến bao giờ anh mới chừa?” (xem chương 21), còn Đại Ngọc khi thấy má bên trái của Bảo Ngọc khi lọc sáp có giọt bắn vào, thì “lại gần đưa tay xoa kỹ” rồi nói “Anh lại làm những trò ấy à? Làm thì đã đành rồi, nhưng cũng cần phải giấu đi. Dù cậu không thấy, nhưng nếu người khác thấy thì họ cho là một việc lạ lùng quái gở, sẽ kháo ầm lên, đến tai cậu thì chẳng ai yên được đâu.” (xem chương 19) Thông qua sự phủ nhận những hành vi xã hội được coi là ‘đúng đắn’ và hành động ăn son phấn, nam tính và nữ tính của Bảo Ngọc tiến tới xung đột có biểu hiện, và tất cả các các làn ranh giới phân chia giới tính bị xé toạc.

Thật ra Bảo Ngọc luôn được nhắc tới như thể cậu ta đáng lẽ ra phải là một tiểu thư mới đúng. Tên hầu thân thiết nhất của Bảo Ngọc là Dính Yên đã khấn với hương hồn Kim Xuyến: “Người ở cõi âm, phù hộ cho cậu Hai tôi kiếp sau sinh làm con gái, để cùng chị em các người vui đùa một nơi, không còn là hạng mày râu nhơ bẩn nữa.” (xem chương 43) Giả Mẫu cũng hết sức băn khoăn về giới tính khác thường của Bảo Ngọc: “Chắc là người lớn thì tính tình cũng lớn, đã biết chuyện trai gái, nên mới gần gụi bọn chúng. Nhưng dò xét kỹ, lại hóa không phải. Thế mới lạ chứ? Có lẽ nó là một con a hoàn đầu thai lầm cũng nên.” (xem chương 78) Vương Hy Phượng cũng coi Bảo Ngọc tương đương với một bậc nữ nhi “Em ơi, em là bậc tôn quý, cũng như các vị thiên kim tiểu thư, đừng bắt chước họ ngồi chồm hỗm trên ngựa như con khỉ ấy. Hãy xuống đây, chị em ta ngồi một xem chẳng hơn ư?” (xem chương 15)

Khi than vãn về việc không thể đi viếng mộ Tần Chung, Bảo Ngọc đã tâm sự với Liễu Tương Liên về việc không được tự do ra khỏi phủ: “Tiếc rằng ngày nào tôi cũng bị giữ rịt ở nhà không được đi đâu, hơi làm việc gì người ta cũng biết, không người này ngăn thì người khác khuyên, chỉ nói được chứ không làm được! Dù có tiền đấy, tôi cũng không được tiêu.” (xem chương 47) Kiểu ràng buộc đi lại như thế này thường chỉ dành cho các tiểu thư chứ không phải các công tử. Sự bất lực của Bảo Ngọc trong phương diện này là một biểu hiện cụ thể của sự nữ tính hóa.

Có hai trường hợp phòng riêng của Bảo Ngọc bị lầm tưởng là của một tiểu thư. Cả cách bài trí lẫn bầu không khí của khuê phòng đều đậm chất nữ tính, khiến cho cả già Lưu và thầy thuốc họ Vương đều bị nhầm lẫn. Vị thái y được gọi vào xem bệnh cho Tình Văn đã kinh ngạc thốt lên: “Vừa rồi không phải là cô, mà là cậu à? Nhà ấy là buồng thêu, buông màn xuống để xem mạch, sao lại bảo là cậu.” (xem chương 51) Tương tự, già Lưu say rượu ngủ trong viện Di Hồng, khi tỉnh lại đã hỏi Tập Nhân: “Chỗ ấy là buồng thêu của cô nào mà lịch sự thế?” (xem chương 41)

Nếu tính cách và sở thích của Bảo Ngọc đều ẩn chứa những giá trị của một người con gái, thì Tiết Bàn lại là hình tượng đối nghịch về mặt nam tính cực đoan. Sự tương phản giữa bản chất các mối quan hệ xã hội của hai nhân vật này đã khắc họa rõ nét xu hướng giới tính của hai người. Trong trường học của họ Giả, Bảo Ngọc thích giao thiệp với những người con trai có nữ tính khác là vì cậu ta bị phong thái nhu mì nhã nhặn của họ cuốn hút. Còn Tiết Bàn với bản ngã phóng túng, lại chỉ coi họ như ‘vật sở hữu’ của mình, và canh giữ họ không cho những ‘kẻ săn mồi’ khác tiến đến gần. Quan hệ của Bảo Ngọc và Tần Chung bị soi mói ở trường học: “Từ khi Tần Chung, Bảo Ngọc đến trường, xem ra dáng điệu tươi đẹp như hoa; Tần Chung thì bẽn lẽn nhu mì, chưa nói đã đỏ mặt, ngượng nghịu như con gái; Bảo Ngọc thì nhũn nhặn dịu dàng, nói năng hòa nhã. Vì hai người thân mật với nhau như thế nên tránh sao khỏi sự ngừ vực của một số học trò. Lúc vắng mặt thì người nói thế này, kẻ nói thế khác, giễu cợt, gièm pha khắp cả trong và ngoài lớp học.” Sau khi Bảo Ngọc bắt gặp Tần Chung ngủ với Trí Năng, đêm hôm đó “Bảo Ngọc kể tội Tần Chung thế nào chưa biết rõ, đó còn là một nghi án, nên không dám viết vào đây.” (xem chương 15) Đây là ngụ ý của tác giả ám chỉ việc Bảo Ngọc và Tần Chung có quan hệ xác thịt với nhau. Và sau đó là việc hai người tìm dịp làm thân với hai cậu bạn đồng tính luyến ái là Ngọc Ái và Hương Liên bị phát giác, dẫn tới náo loạn trong trường học: “Có hai đứa không biết con cái nhà ai, tên tuổi là gì, chỉ vì thấy chúng có vẻ lẳng lơ, nên cả trường đặt tên cho một đứa là Hương Lân, một đứa là Ngọc ái. Có nhưng người mến thích chúng, định đem lòng không tốt đối với lũ trẻ nhưng lại sợ uy thế Tiết Bàn, nên không ai dám vương vào. Từ khi Tần Chung, Bảo Ngọc đến trường, thấy hai đứa ấy trong bụng cũng vấn vương trìu mến, nhưng biết là bạn tương tri của Tiết Bàn, nên cũng không dám động chạm đến. Hai đứa Hương Lân, Ngọc ái đều để ý đến Tần Chung và Bảo Ngọc. Bốn người sẵn có tình ý với nhau, nhưng chưa dám lộ ra ngoài. Mỗi khi vào học, họ ngồi riêng bốn chỗ, nhưng tám mắt vẫn liếc nhau, hoặc đặt lời mượn ý, vịnh dâu ngắm liễu, xa tỏ nỗi lòng. Ngoài mặt họ lại muốn che mắt mọi người. Không ngờ có mấy đứa láu lỉnh, thấy bộ dạng ấy, thường ở sau lưng chế giễu hoặc nháy mắt đưa mày, hoặc đằng hắng lên tiếng. Việc này xảy ra đã từ lâu rồi.” (xem chương 9)

Tất cả những người bạn nam giới của Bảo Ngọc đều xoay quanh một điểm chung, đó là ‘nữ tính’. Học giả Ping-leung chan đã tiết lộ điều này trong bài nghiên cứu “Bí ẩn và Tâm hồn trong Hồng lâu mộng”: “Siêu bản ngã của Bảo Ngọc cũng được thể hiện qua Tần Chung, Liễu Tương Liên, và Bắc Tĩnh Vương. Ở cả ba nhân vật nam này và ở cả Giả Bảo Ngọc, có một điểm chung, đó là nữ tính. Đây cũng chính là cơ sở để Bảo Ngọc làm thân với họ.” Tần Chung được miêu tả “mặt mũi sáng sủa, môi son, má phấn, dáng người tuấn tú, đi đứng phong nhã, hơn hẳn Bảo Ngọc, chỉ có điều nhút nhát như con gái”, và do đó Bảo Ngọc không coi cậu ta là con trai “Trong thiên hạ lại có người như thế! Bây giờ xem ra, ta thành như lợn bùn, chó ghẻ vậy!” (xem chương 7) Bắc Tĩnh vương Thủy Dung “chưa đầy hai mươi tuổi, tuấn tú khác thường, tính tình nhũn nhặn”, “mặt như ngọc, mắt như sao, thực là một bậc tuấn tú”. (xem chương 14, 15 – miêu tả về vị vương này không được nữ tính bằng Bảo Ngọc, Tần Chung là vì y phục mũ mão của anh ta đều là của vua ban, đậm chất nam tử, không được tự tiện thay đổi) Còn Liễu Tương Liên thì thích đóng vai nữ trong các vở tuồng hát. Hơn nữa, cả ba nhận vật này đều sở hữu xu hướng mà học giả Chan gọi là đồng tính luyến ái ‘tàng ẩn’. Thực ra chính xác hơn thì xu hướng này có thể được đặt tên ‘lưỡng tính luyến ái cổ điển’, vì mỗi nhân vật này đều được miêu tả, hoặc ám chỉ, là có cả quan hệ với nữ giới. (Những nhân vật nam khác, tuy cũng sáng sủa đạp trai nhưng không có nữ tính, nên không được Bảo Ngọc coi trọng và bị thẳng thừng đánh đồng vào hạng “con trai hôi hám”, danh sách này bao gồm Giả Tường, Giả Dung, Giả Liễn, Tiết Khoa, v.v…)

Sự nổi trội của nam tính ở những nhân vật như Tiết Bàn là biểu hiện của việc ‘khách thể-Nữ’ chỉ là một mục tiêu cho những ham muốn tình dục của ‘bản thể-Nam’. Ham muốn tình dục của nam tính với những gì thuộc nữ tính được thể hiện xuyên suốt Hồng lâu mộng và phát triển đến mức ham muốn tình dục ‘tiền áp chế’các mối quan hệ nam nữ. Đối với nam giới, quan hệ duy nhất có thế được thiết lập với nữ giới là thông qua ham muốn tình dục. Phản ứng của Giả Chính và Tiết Bàn với phần nữ tính trong tính cách Bảo Ngọc hoàn toàn chỉ dựa trên suy nghĩ cậu ta có những ham muốn xác thịt với nữ giới. Ví dụ, khi thấy Bảo Ngọc chỉ quơ sáp phấn trâm vòng khi sinh nhật đầy năm, Giả Chính than thở nói cậu ta “sau này chỉ là đồ tửu sắc”, Lãnh Tử Hưng cũng tán thành mà cho rằng “Chắc sau này cậu ta sẽ là con quỷ hiếu sắc!” (xem chương 2)

Việc Bảo Ngọc bị bố đánh (xem chương 33) đã khẳng định quan điểm ‘khách thể Nữ’ là một ham muốn tình dục của ‘bản thể Nam’. Bảo Ngọc được con hát Tưởng Ngọc Hàm (Kỳ Quan) tặng sợi dây đeo lưng như một vật kỷ niệm bằng hữu, và cả hai đều hài lòng vì đã được gặp một người có tính dịu dàng mềm mại giống mình (Bảo Ngọc “thấy hắn mềm mại nhu mì, liền nắm lấy tay” - xem chương 28). Sau này khi Kỳ Quan biến mất, người yêu đầy quyền lực của anh ta là Trung Thuận Vương, đã cử người tìm kiếm và tra hỏi Bảo Ngọc. Giả Chính tức giận đánh Bảo Ngọc vì nhiều tội, trong đó có tội bị nghi ngờ quan hệ đồng tính luyến ái với Kỳ Quan. Người cha đánh con không phải vì quan hệ này là đồng tính luyến ái, mà là vì Kỳ Quan đã ‘thuộc về’ một người khác có địa vị xã hội cao hơn. Quan hệ đồng tính luyến ái được Giả Chính chấp nhận vì những người đóng vai con hát được coi như thuộc về thế giới ‘khách thể’ của nữ tính, và quan hệ duy nhất giữa hai thế giới, nhìn từ con mắt của một nhân vật mang nam tính (Giả Chính), là quan hệ tình dục.

Vì trí không minh bạch của Bảo Ngọc trên ranh giới ‘khách thể’ – ‘bản thể được thế hiên khi cậu ta thăm Tình Văn trên giường bệnh sắp chết (xem chương 77). Khi hai người thổ lộ giao tình bằng việc đổi áo cho nhau, người chị dâu lẳng lơ của Tình Văn quay về nhà và tưởng rằng đã bắt quả tang được hai người có quan hệ bất chính. Sau đó chị ta quay ra tán tỉnh Bảo Ngọc, lúc này hoàn toàn bị động. “Bảo Ngọc xưa nay chưa thấy thế bao giờ, tim đập thình thịch, người thấy rạo rực, cuống quá, mặt đỏ bừng, vừa thẹn vừa nói: “
Chị ơi, đừng đùa thế!”” Chị ta phản ứng với việc này bằng thái độ hết sức nghi ngờ: “Hừ! Ngày thường, nghe nói cậu vẫn quen sống trong trường trăng gió, sao hôm nay lại nhút nhát thế?” Chị ta có một suy nghĩ mặc định là một người nam sẽ phản ứng theo đúng như những quy luật xã hội thông thường. Trên thực tế, bảo Ngọc đã bị đặt vào vị trí ngược lại với những gì chị ta tiên đoán – vị trí của ‘khách thể Nữ’ chứ không phải ‘bản thể Nam’.

Thực ra trong truyện đề cập không rõ ràng lắm về việc “quen sống trong trường trăng gió” của Bảo Ngọc. Kinh nghiệm của cậu ta với Tập Nhân là lần đề cập duy nhất về này, mặc dù truyện có ám chỉ một vài lần khác. Việc cuốn tiểu thuyết mang tính cách mạng về đạo đức và tình dục này tránh nhắc tới những quan hệ tình dục của Bảo Ngọc và các a hoàn hoàn toàn không phải là ngẫu nhiên. Thay vào đó, cuốn sách lại tập trung miêu tả việc cậu ta đối xử tốt và tôn trọng nữ giới. Chính những nhân vật nữ này có lòng ham muốn với Bảo Ngọc, mặc dù kém lộ liễu hơn nhưng nhân vật nam, như những gì ta thấy qua ví dụ về nhân vật con Năm sốt sắng tìm cơ hội hầu hạ Bảo Ngọc. Tác giả đã thách thức những tư tưởng chính thống về đạo đức tình dục khi đặt chữ “Ngọc” – biểu tượng của bảo vật, ham muốn, đam mê – vào tên một nhân vật nam có ham muốn khác hẳn với số đông các nhân vật nam khác. Không giống như Tiết Bàn, Bảo Ngọc là kết hợp của cả nam tính và nữ tính – cậu ta vừa là một bản thể Nam chủ động đầy ham muốn, đồng thời vừa là một khách thể Nữ bị động và là mục tiêu của ham muốn. Nhưng điều quan trọng nhất là cậu ta đã không trở thành một mục tiêu cho ham muốn của nam tính. Khác với những nhân vật nam được nữ tính hóa khác, Bảo Ngọc không bị theo đuổi bởi Tiết Bàn và bạn bè của anh ta. Địa vị xã hội của cậu ta là một thiếu gia danh giá đã cân bằng lại việc cậu ta đánh mất quyền lực tình dục khi lựa chọn những xu hướng nữ tính.

Liễu Tương Liên, vốn chỉ là con nhà thế gia hạng thường, đã không được may mắn như Bảo Ngọc. Tiết Bàn nghe rằng Tương Liên là một con hát (một biểu hiện của khách thể Nữ), và do đó có thể là một mục tiêu đúng đắn cho ham muốn tình dục của mình “Vì hắn trẻ tuổi xinh trai, những người không biết rõ tung tích, đều nhận nhầm là hạng phường chèo con hát” (xem chương 47). Tiết Bàn bị đánh một trận nên thân, không phải vì xu hướng tình dục của anh ta, mà đơn giản là vì việc anh ta lầm tưởng Tương Liên cũng là hạng gió trăng như mình.

Trong nghiên cứu của mình về Hồng Lâu Mộng, L. và V. Sychov đã phân tích tầm quan trọng của miêu tả y phục trong tác phẩm. Những thống kê rất thuyết phục của họ đã chứng minh tài năng văn học vượt trội của Tuyết Cần so với Cao Ngạc, và đồng thời cũng giúp đào sâu tư tưởng giới tính trong Hồng Lâu Mộng và đặc tả vị trí đứng giữa của Bảo Ngọc trên nấc thang giới tính. Nếu để ý, ta sẽ thấy tất cả các đoạn văn tả chi tiết về y phục của các nhân vật nam đều dành cho Bảo Ngọc và ba nhân vật nam cậu ta làm thân - Tần Chung, Tưởng Ngọc Hàm, và Liễu Tương Liên (Bắc Tĩnh vương – giống Bảo Ngọc, do có địa vị cao nên không bị coi như một mục tiêu của bản thể Nam). Lý do cho việc này là vì một trong những đặc điểm của nữ tính là có con mắt thẩm mỹ được đánh giá cao. Rõ ràng việc miêu tả tỉ mỉ y phục của bốn nhân vật này đã khéo léo chuyển họ sang thế giới của khách thể Nữ. Các nhân vật này được coi như nữ giới (đặc biệt nữ giới chưa lấy chồng) và do đó, được coi như những mục tiêu bị động của của ham muốn bản thể Nam. Giả mẫu cũng là một phần của sự sắp xếp tinh vi này khi bà ta ngắm Bảo Ngọc choàng áo đỏ đi trên tuyết từ đằng sau và nhầm lẫn: “Lại cô ả nào nữa đấy?” (xem chương 51)

Miêu tả của Tuyết Cần về những sở thích trí tuệ của Bảo Ngọc cũng một lần nữa tiết lộ về bi kịch của Bảo Ngọc trong việc bị bắt buộc điều chỉnh bản thân cho phù hợp với vai trò của một nam nhân mà cậu ta được mong đợi. Nghịch lý này được biểu hiện qua lựa chọn khách thể Nữ – sáng tạo và bản thể Nam – sự nghiệp. Với vai trò là con trai lớn trong gia đình, Bảo Ngọc được kỳ vọng sẽ giữ gìn được thanh danh gia tộc bằng con đường quan lộ, bằng cách nghiền ngẫm sách Khổng và đi thi làm quan. Nhưng ngược lại, Bảo Ngọc lại ưa thích con đường thơ ca sáng tạo chứ không phải con đường làm quan nam tính. Mặc dù mỗi người con trai đều nên có khả năng sáng tạo, đặc biệt là thơ phú, kỹ năng này không được coi trọng như khả năng làm luận bát cú trong kỳ thi tuyển quan. Khi bị ép buộc, Bảo Ngọc đã thất bại trong việc rũ bỏ phần nữ tính của mình.

Quan hệ giữa Giả Chính với Bảo Ngọc đã trở thành một sự chịu đựng bất đắc dĩ khi ông ta cố gắng uốn Bảo Ngọc theo con đường Khổng Mạnh. Mâu thuẫn này được bộc lộ khi ông ta cảnh cáo Bảo Ngọc trước mặt đám gia khách: “Dù có học ba mươi quyển kinh Thi, cũng là câu chuyện “bịt tai ăn trộm chuông” để lòe người ta thôi. Mày đến trường hỏi thăm sức khỏe tôn sư và trình lại lời của tao: “Không nên dạy theo lối cũ, cho nó đọc kinh Thi hay cổ văn, trước nhất phải giảng cho nó rõ nghĩa và học thuộc lòng Tứ thư đã.” (xem chương 9). Sau đó, khi nhận được lời khen từ thầy Giả Đại Nho “Bảo Ngọc làm câu đối khá; tuy không thích học, nhưng có tài vặt”, Giả Chính đã bắt cậu ta làm câu đối đặt tên cho các nơi ở trong vườn Đại Quan. Mặc dù sau đó Bảo Ngọc thể hiện tài năng vượt trội hơn hẳn những người gia khách nam nhân (cũng như việc Bảo Ngọc luôn kém tài chị em trong việc làm thơ), Giả Chính cũng không lấy đó làm vui, vì ông ta luôn kỳ vọng những kỹ năng của một học giả nam nhân với Bảo Ngọc (xem chương 17).


                                      Nguồn: www.tvbvnfc.net

Không có nhận xét nào: