MENU

Thứ Bảy, 17 tháng 3, 2012

Tây du ký - Và một Trư Ngộ Năng ( Trư Bát Giới)

      Nói đến một bộ phim thần thoại Trung Quốc làm say lòng bao nhiêu thế hệ người xem truyền hình Việt Nam, ai cũng nghĩ ngay đến bộ phim Tây Du Ký. Bị lôi cuốn bởi cốt truyện hấp dẫn, người xem ít ai kịp suy ngẫm những triết lý nhân sinh mà tác giả gửi gắm trong câu truyện. 
     Trư Bát Giới nguyên là Thiên Bồng nguyên soái chỉ huy thủy quân thiên đình, xét về danh hiệu tuy không to bằng Tề Thiên Đại Thánh (Thánh lớn ngang trời) nhưng cái chức của Ngộ Không là hữu danh vô thực, còn cái chức của Bát Giới là “hàng xịn”.

Đọc tiếp>>
      Về pháp thuật, tính ra Trư Bát Giới có học vấn về phép không thua gì Tôn Ngộ Không. Nhưng học vấn ngang nhau là một chuyện, trong đấu phép với yêu quái hay thậm chí là đánh với nhau, chưa bao giờ sư đệ Ngộ Năng thắng nổi ông anh Hành Giả một hiệp gọi là an ủi cả.

     Mở đường trừ yêu không xong; công việc lặt vặt như khiêng hành lý, đánh ngựa thì từ khi có Ngộ Tịnh, Bát Giới đã không phải nhúng tay vào; chưa kể cái tính tham ăn, mau đói quả là một chướng ngại trên con đường thỉnh kinh xa xôi lương thực thiếu thốn. Tóm lại, Trư Bát Giới phải chăng chỉ là một người thừa trong truyện Tây Du?

      Ngô Thừa Ân khi sáng tạo ra 4 học trò của Đường Tam Tạng (là một nhân vật có thật) đã khéo léo lồng vào đó hình ảnh tâm thức một con người. 5 thầy trò tượng trưng cho 5 thuộc tính của tâm hồn: Đường Tăng tiêu biểu cho vị tha, nhân ái; Ngộ Không đại diện cho sức mạnh, trí tuệ; Sa Tăng thể hiện tính nhẫn nại; Tiểu Bạch Long cần cù; còn Trư Bát Giới điển hình cho dục vọng.

    Cái dục vọng của Bát Giới đôi khi làm thầy trò Đường Tăng khốn khổ, thậm chí có rất nhiều lần vị nhị sư huynh này đã góp phần giúp yêu quái thành công trong việc tóm được Đường Tăng (tiêu biểu như vụ Bạch cốt tinh). Tuy nhiên, cái đáng sợ nhất thực ra không phải là yêu quái vì dù có thua thì vẫn có sự giúp đỡ khắp nơi trong vũ trụ.

     Cái đáng lo nhất trong chuyến hành trình 17 năm chính là sự nổi loạn của sức mạnh, trí tuệ mà Ngộ Không làm đại diện. Đã không dưới 2 lần Ngộ Không bỏ đi, xấp xỉ chừng đó lần chống lệnh sư phụ. Thực chất, người mà Ngộ Không sợ nhất trong đoàn chính là Trư Bát Giới, vì hầu hết những lần Đường Tăng niệm chú xiết vòng kim cô đều có sự đâm thọc của Ngộ Năng.

    Ở đây ta thấy được một phép ẩn dụ đầy thâm ý: sức mạnh và trí tuệ khi quá thịnh dễ dẫn đến kiêu ngạo, chỉ có lòng khoan dung, nhân ái mới kìm chế lại được và để biết khi nào kìm chế lại thì phải cần một chút dục vọng mách bảo.

     Cuộc hành trình đi thỉnh kinh thực chất là một quá trình tự hoàn thiện của con người qua thử thách. Đường Tăng giác ngộ, Ngộ Không đã được thỏa mãn làm Đấu chiến thắng Phật, Sa tăng làm La hán, Bạch Long về lại lốt rồng.

      Riêng trường hợp của Trư Bát Giới lại hơi đặc biệt, theo lý thì Phật tổ phải cải tạo Bát Giới bỏ bớt dục vọng nhưng ngược lại, chức danh Tịnh đàn sứ giả, phụ trách việc tiếp nhận đồ ăn thức uống của tín đồ đối với Bát Giới chẳng khác nào mỡ treo miệng mèo. Thậm chí khi nghe phong chức Bát Giới tỏ vẻ thất vọng, Phật tổ phải nhấn mạnh là chức này “có ăn” lắm, bác Trư nhà ta mới tươi lên lại.

      Ở đây thâm ý của tác giả quá rõ ràng, hoàn thiện một con người không phải là xóa bỏ cái tâm dục vọng mà hướng cái tâm đó vào con đường lành mạnh.

     Vậy rốt lại, Trư Bát Giới có vai trò gì trong đoàn thỉnh kinh? Cứ thử tưởng tượng con người có nhân ái, có sức mạnh, có nhẫn nại, có cần cù nhưng lại chẳng có chút dục vọng nào, chẳng có lấy một ham muốn nào. Đó có thể là một cái gì cao cả, vĩ đại, rất siêu nhưng chắc chắn không phải là con người như ta thường thấy. Chính vì thế, ở một khía cạnh nào đó có thể khẳng định Trư Bát Giới là nhân vật đã đem lại tính người, tính gần gũi cho câu chuyện thần thoại Tây Du.



                                                                                           ( Theo TÂN TƯỜNG- SGGP)

Không có nhận xét nào: