MENU

Thứ Bảy, 21 tháng 7, 2012

Tiểu thuyết Tuổi Thơ - Kỳ 6


Tiểu thuyết Tuổi Thơ – Bình Minh ( Bùi Văn Thạch)



Kỳ 6:  Trường Béo


          Nó là một thằng bạn, một thằng bạn thân theo đúng nghĩa của sự gắn bó quê hương. Tôi và nó học với nhau hồi cấp một rồi lên cấp hai và cấp ba cũng học chung lớp chung trường. Nó có thân hình mập mạp, béo tròn nên bạn bè trong lớp tôi đặt cho nó cái biệt danh là “Trường béo”.
Đọc tiếp >>>
          Thời gian lớp năm lực học của tôi chỉ xếp loại trung bình còn nó học rất tốt, nhất là môn toán. Tôi và nó đứa bàn trước đứa bàn sau nên rất hay bầy trò và nói chuyện riêng.  Tôi còn nhớ rất rõ hôm đó là vào giờ làm bài kiểm tra. Tôi loay hoay mãi mà làm được có câu duy nhất, còn tới ba câu hỏi nữa mà chưa biết làm thế nào. Tôi giật áo nó rồi bảo cho tao xem bài với, tao không biết làm. Nó ngắc ngứ nhất quyết không cho tôi xem, đã thế nó còn bảo tôi: bài này dễ, tập trung làm đi! Tôi gọi nó mấy lần đều bị nó từ chối không cho xem. Hết cách, tôi đành tập trung nghĩ, nghĩ mãi vẫn chẳng ra. Thời gian thì cứ trôi, mà bài làm chẳng them được chữ nào. Tôi đang loay hoay thì nó quay xuống bảo tôi:
-         Thế nào? Làm được chưa?
-         Chưa! Khó lắm – tôi nhăn nhó trả lời – Còn câu hai, ba, bốn nữa!
-         Dễ thế mà không nghĩ ra à?
-         Mày cho tao xem đi! Tí nữa tao cho mày 10 viên bi màu! – Tôi chợt nhớ ra nó rất thích bi
-         Thật nhé – Thằng Trường hỏi lại như để xác nhận – mày phải cho tao đấy!
-         Ừ! Thật! Cho tao xem bài đi!
          Nó chép bài ra tờ giấy nháp, rồi thả rơi xuống phía sau lưng. Ngay lập tức tôi lấy chân đỡ lấy rồi nghiễm nhiên đặt lên mặt bàn như là bài nháp của mình và chép lại. Đúng như lời hứa, hết buổi học tôi móc ra 10 viên bi màu thật đẹp cho nó. Nó súng sính với vẻ mặt tươi vui. Thành quả mà nó xứng đáng được hưởng mà. Dù cho nó để xem được bài nhưng tôi vẫn thấy tiếc lắm! Chơi đánh bi có khi cả ngày hoặc vài ngày may ra mới “ăn” được của đám bạn trong làng chục viên bi, giờ phải cho nó hết, nhưng không cho không được, cho nó lần sau còn hy vọng xem bài tiếp chứ!  Tôi bỗng nghĩ ra cách lấy lại số bi đã cho nó, tôi bảo:
-         Trường! Tao với mày chơi bi đi
-         Chơi thì chơi - Trong túi có cả chục viên bi nên nó đồng ý ngay!
          Tôi vốn biết nó chơi bi rất dở nhưng lại rất thích bi và thích chơi bi nên tôi lừa cho nó thắng một vài ván rồi mới rủ tiếp: Chơi không thì không thích mấy! Tao với mày chơi ăn bi đi! Mỗi ván một viên.
          Thấy thắng tôi mấy ván dễ dàng nó cũng đồng ý ngay với hy vọng ăn tiếp của tôi mấy viên nữa. Thế là lần lượt từng viên, từng viên bi màu vốn dĩ là của tôi cho nó lại trở về lại túi của tôi. Chơi đến khi nó không còn viên bi nào nữa, lúc này tôi để ý thấy mặt nó buồn rười rượi, trông thấy mà thương lắm! Trên đường về nó buồn chẳng nói câu nào. Chắc do tiếc mấy viên bi màu đẹp đẽ kia đã chui hết vào túi tôi. Thấy vậy tôi móc túi ra hai viên bi đẹp đưa cho nó và bảo:
-         Đây! Tao cho mày hai viên bi đẹp về nhà mà chơi! Nhưng lần sau phải cho tao xem bài đấy!
-         Được! Bao giờ kiểm tra tao cho mày xem!
          Thế là nó vui trở lại, cả đoạn đường lại rộn rã tiếng cười vang!
          Nhưng thật chẳng may là bài kiểm tra đó không những tôi không được điểm cao mà tôi và nó còn bị cô giáo mắng một trận dài dài trước cả lớp. Số là trong bài thằng Trường làm có mấy lỗi sai hết sức “ngớ ngẩn”, mà tôi thì lại chép y nguyên. Thế là: “vải màn không che được mắt thánh” , cô giáo phát hiện ra ngay sự việc chép bài. Đáng lí  được điểm 7 thì cô giáo phạt cả hai chúng tôi xuống còn 2 điểm. Mỗi thằng một “con ngỗng” mà lòng buồn thiu! Tôi biết thằng Trường buồn lắm, lực học của nó khá giỏi, có bao giờ nó bị điểm 2 đâu. Cũng chỉ vì cho tôi chép bài nên mới thế. Và cũng kể từ đó nó nhất quyết không cho tôi chép bất cứ bài nào nữa cho dù tôi có “gạ gẫm” thế nào đi chăng nữa!
          Lến cấp 2, vốn dĩ lực học tốt thằng Trường được vào thẳng lớp chọn, còn tôi lực học trung bình nên chỉ vào lớp thường mà thôi! Lớp 6 rồi lớp 7 nó vẫn học tốt và học đều. Tôi thì sau những ngày tháng học hành lẹt đẹt, chẳng hiểu do đâu mà bỗng nhiên tôi học nhanh hơn, tiếp thu được bài nhiều hơn, lực học của tôi khá lên theo từng kỳ, từ trung bình rồi lên trung bình khá rồi lên khá. Đến năm học lớp 8 do có nhiều tiến bộ trong học tập nên tôi được nhà trường chuyển lên học lớp chọn. Thế là tôi và nó lại học cùng lớp với nhau. Rồi cũng như số phận sắp xếp, tôi và nó lại cùng tổ, thằng bàn trước đứa bàn sau. Nhưng chỉ khác “ ngày xưa” ở chỗ tôi không bao giờ gạ chép bài của nó nữa! Không những thế mà lực học của tôi càng về sau lại càng tốt, có lúc còn nhỉnh hơn hẳn nó nữa!
          Lên cấp 3, chúng tôi lại thi cùng trường rồi lại được xếp vào lớp chọn, thế là cái duyên gắn kết tình cảm bạn bè, quê hương ngày một thêm. Cái thuở cấp 1, cấp 2 chỉ là bạn bè chơi với nhau và biết nhau của một thời con trẻ thơ ngây chứ chưa thực sự hình thành cái gọi là: “tình bạn thân thiết” như khi lên cấp 3. Vào cấp ba chúng tôi bắt đầu hình thành và quen với việc chơi thân trong những “nhóm” riêng biệt. Tôi cũng vậy và nó cũng thế, bên cạnh “ nhóm” mà chúng tôi chơi với nhau, mỗi thằng còn chơi với một vài nhóm khác. Tuy nhiên “nhóm bạn” mà có cả nó và tôi là nhóm mà nó thấy thân nhất. Nó thường hay đến nhà tôi chơi, những ngày nghỉ không phải đi học nhóm chũng tôi cũng thường hay cưỡi xe đạp chạy lòng vòng khắp huyện lân la chơi hết nhà bạn này bạn kia. Nhà đứa nào nhiều cây ăn quả là y rằng chúng tôi rất hay mò đến! Một thời trẻ thật đáng nhớ và cũng có nhiều điều ngồ ngộ biết bao nhiêu!
          Một hôm tôi đang ngồi học bài, thằng Trường đem xuống một túi kem đá (loại nước có pha thêm nước cam hoặc xoài rồi cho vào tủ đá để cho nó đóng lại thành kem -  nó vẫn thường hay mua các đồ ăn vặt như kem, bim bim, lạc rang …. Rồi nó qua nhà thằng Tương (một thằng bạn trong nhóm tôi và nó) cùng xuống nhà tôi cùng “ nhâm nhi” sản phẩm!), khi tôi và nó ăn kem thì nó thở dài và bảo:
-         Dạo này tao thấy làm sao ấy! Thi thoảng tim đập loạn xạ nên mà!
-         Khà khà! – Tôi nhìn nó cười khoái chí – Mày béo tốt thế kia bệnh tật gì được
-         Không! Thật mà! – Nó cố giả thích – Tao thấy khác lắm! Thi thoảng tim đập nhanh,  có lúc lại nhói đau tim cả chục phút ấy. Chẳng làm gì mà mệt mỏi lắm, lại còn khó thở vô cùng.
          Lúc này tôi mới để ý kĩ, mặt nó nhìn qua rất béo nhưng da mặt xám lắm, không hồng hào như tôi. Ánh mắt nó lơ đơ di chuyển chứ không nhanh nhẹn như trước, nhìn mắt nó hiện rõ vẻ mệt mỏi!
-         Thế mày thấy hiện tượng này lâu chưa? – Tôi hỏi
-         Lâu rồi, từ cuối năm lớp 9 cơ – Nó giải thích - Nhưng trước kia thì nó chỉ hơi nhói thôi nên tao cũng chẳng quan tâm. Nhưng gần đây tao thấy càng ngày càng đau hơn.
-         Trời! Từ lớp 9 đến giờ là hết năm học lớp 10 rồi! Mày để bệnh hơn năm rồi á? Về bảo bố mày đưa đi khám đi!
-         Nhưng nếu đi khám, nhỡ có bệnh nó bắt phải nằm viện thì bỏ học à?
-         Mày yên tâm đi! Nếu phải nghỉ chữa bệnh thì tao giúp mày xin bảo lưu một năm rồi năm sau chữa khỏi thì đi học tiếp chứ nghỉ hẳn đâu mà lo.
-         Ừ! Có khi phải thế! – Nó còn dặn lại tôi cho chắc chắn – Nếu phải nghỉ học thì mày phải xin phép cho tao để năm sau tao học tiếp đấy!
-         Rồi! Ô-kê đi!
          Trời xẩm tối, nó ra lấy xe đạp về nhà, vẫn cái dáng người tròn tròn béo béo ngày nào nhưng hôm nay tôi nhìn nó có cảm giác thật lạ. Đằng sau cái vẻ béo tốt ấy dường như ẩn chứa điều gì đó bất thường chăng? Bóng chiều nhạt nhòa hòa tan vào bóng nó trên quãng đường hiu quạnh giữa cánh đồng làng.
          Hôm sau đi học tôi không thấy thằng Trường đến lớp, tôi nghĩ chắc là hôm nay bố nó dẫn nó đi khám bệnh nên khi về học tôi dẽ vào nhà nó hỏi thăm tình hình thế nào. Nhà nó vắng tanh, chỉ có đàn chó dậm giục sủa khi thấy người lạ vào nhà. Chưa kịp lên tiếng thì đứa em gái nó từ trong nhà chạy ra bảo tôi:
-         Tối qua anh Trường nhà e bị làm sao ấy anh ạ, đang ngồi mà a ấy cứ lả người ra mà, bố mẹ em đưa đi cấp cứu trong bệnh viện huyện! Họ bảo phải đưa lên bệnh viện thành phố anh ạ! Bố mẹ e giờ vẫn chưa về!
          Tôi đạp xe về mà đầu bâng khuâng những suy nghĩ viển vông vô định, chắc chắn là nó bệnh nặng lắm rồi nên mới phải đi bệnh viện tỉnh. Bẵng đi nửa tháng chẳng có tin tức, ngày nào khi về tôi cũng nhìn qua nhà nó xem nó về chưa để vào hỏi thăm xem tình hình của nó ra sao. Người nhà nó cho biết bệnh viện tỉnh đã giới thiệu chuyển lên Hà Nội khám và chữa. Nó để bệnh lâu quá, nặng lắm rồi! Hơn một tháng sau đó nó về nhà, tôi tổ chức cả lớp tôi đến hỏi thăm động viên nó, thấy nó vẫn tỉnh táo, cưới nói bình thường tôi mừng lắm, chắc là tình hình có tiến triển tốt! Và nó cũng bảo với chúng tôi là khi uống thuốc vào thì nó thấy người khỏe hơn rồi!
-         Mà thằng Bình – nó quay sang tôi nhắc lại – Bác sĩ bảo tao phải đi Hà Nội khám thường xuyên. Mai mày lên xin thầy hiệu trưởng giúp tao để năm sau khỏi bệnh tao về học tiếp nhé!
-         Ừ! Được rồi! Mày cứ yên tâm chữa khỏi đi! Việc đó tao lo! – Tôi quay sang phía bố mẹ nó rồi bảo – Sáng mai bác trai sang trường rồi cháu đưa bác lên gặp thầy hiệu trưởng xin cho Trường nghỉ chữa bệnh năm sau đi học tiếp ạ!
          Các ngày sau đó cứ chiều đến dợi tôi đi học về là nó lại một mình đạp xe xuống nhà tôi để gặp tôi với thằng Tương hàn huyên tán gẫu. Tôi cũng cố gắng tìm mọi cách làm cho nó vui cho nó có niềm tin để chiến thắng bệnh tật! Có lần tôi tổ chức lớp đi tham quan, mặc dù nó nghỉ chữa bệnh rồi nhưng tôi vẫn bố trí cho nó một suất đi cùng lớp, thấy nó vui vẻ tôi cũng thấy lòng thật vui! Nhiều hôm tôi đi chơi sang các huyện bên tôi cũng rủ nó đi cùng để nó đỡ buồn. Cả làng, các bạn cùng tuổi đi học hết, nó phải nghỉ ở nhà chắc buồn và cô đơn lắm! Nghĩ vậy và biết vậy nên tôi luôn tìm mọi cách để nó được khuay khỏa khi có điều kiện.
          Nhưng rồi chuyện gì đến cũng phải đến, bệnh tình của nó sau vài tháng có vẻ tiến triển thì bắt đầu chuyển biến sang nặng hơn. Bệnh viện trung ương cũng từ chối điều trị tiếp vì lí do đã quá nặng! Biết được điều đó nó buồn lắm, ánh mắt nó miên man một nỗi buồn vô vọng. Cả gia đình nó, và cả chúng tôi nữa đều cố gắng dành cho nó những lời động viên tốt đẹp nhất về tương lai tươi sáng. Nó cũng hy vọng và không ngừng hi vọng vào điều kì diệu ấy! Điều đặc biệt nhất trong con người nó ấy là dù cho đến hoàn cảnh nào vẫn giữ một niềm tin chiến thắng hoàn cảnh bệnh tật để tiếp tục thực hiện ước mơ đến trường còn dang giở. Nhưng cuốn sách, cuốn vở được nó cất giữ cẩn thận và khi em nó dung đến thì nó luôn dặn phải dùng cẩn thận, học xong phải đưa cho nó cất đi để khi khỏi bệnh nó còn đi học tiếp! Nghĩ mà thương! Nghĩ mà đau! Ở đời mấy ai ham học đến thế chăng? Dù cho hoàn cảnh nghiệt ngã vẫn kiên định một tinh thần như nó!
          Bất kể lời đồn đại về danh y nào ở nơi đâu trên khắp dải chũ S Việt Nam có thể chữa khỏi bệnh thì gia đình nó đều cố gắng đưa nó đến thăm khám. Mỗi lần đi là một lần hy vọng rồi trở về trong thất vọng vì kết quả thu được chẳng thể khá hơn. Một năm rồi hai năm trôi qua. Nó càng ngày càng yếu, yếu đến độ chẳng thể đi được nữa dù cho có nghe tới một vị danh y nào. Có lẽ lúc này đây nó đã an phận với sô phận chăng? Không phải thế đâu, nó vẫn uống thuốc đều đặn của một vị danh y bốc cho, nó bảo tôi: “uống thuốc này lâu mới phát tác dụng, thuốc nam mà!”. Những ngày tháng cuối đời dù nằm trên giường bệnh nhưng nó vẫn giữ những cuốn sách kê đầu giường, thi thoảng nó bỏ ra đọc, rồi vẫn còn không ngừng dặn dò phải giữ lại, không được bán để nó còn đi học tiếp!
          Một ngày đầu tháng 6, khi tôi đang ôn thi môn cuối cùng của năm thứ nhất đại học sư phạm, bỗng có tiếng điện thoại rồi nhân viên trực điện thoại gọi tên tôi xuống nghe điện. Tôi rụng rời chân tay, đầu óc choáng váng khi đầu dây bên kia là giọng nói của bạn tôi: Alo! Bình à! Thằng Trường đi rồi! Chiều mai đưa nó ra đồng đấy! Bố trí về đưa tang nó nhé!
          Quá bất ngờ, tôi nghẹn ngào không nói được một lời nào, cứ cầm ống nghe đến mấy phút rồi khi đầu dây bên kia có tiếng Tút! Tút! Tút! Thì tôi mới sực tỉnh và dập ống nghe.
          Thế là hết Trường ơi! Khi đi xa, nó vẫn còn cầm và nhắc phải giữ những cuốn sách ở đầu giường!
















Không có nhận xét nào: