MENU

Thứ Bảy, 4 tháng 5, 2013

Truyện dài kỳ: Hai Nửa nụ cười (Kỳ 2) - Bình minh (BVT)

       Mời đọc kỳ 1 ở đây

       Tóm tắt kỳ 1: Nó (Hằng) là một cô gái đẹp học trung học, đem lòng yêu Quang một chàng sinh viên đang học tại một trường cao đẳng tại địa phương. Quang chính là con ông quan đầu huyện nên được ưu ái giữ lại trường sau khi tốt nghiệp. Vì yêu Hằng, muốn được nâng đỡ cho Hằng nên Quang đã bố trí cho Hằng thi vào trường mà Quang chuẩn bị công tác. Ngày Hằng có giấy báo nhập học cũng là ngày Quang ngỏ lời làm đám cưới. Đám cưới linh đình của một gia đình danh giá, với những món quà tặng đắt giá (một suất đất có giá tại trung tâm huyện) và một tương lai được vẽ ra sáng lạng cho cặp vợ chồng trẻ. Trong khi đang đi trăng mật thì nó nhận được tin bố chồng nó bị bắt vì liên quan đến tham nhũng đất đai. Mọi thứ sẽ ra sao mời quý vị đọc tiếp kỳ 2:
                                                     HAI NỬA NỤ CƯỜI - KỲ 2


           Một tháng sau bố chồng nó bị đem ra xét xử với tội danh tham nhũng và gây thất thoát tài sản của nhà nước, ông phải vào trại cải tạo năm năm và đền bù một số tiền rất lớn. Mẹ chồng nó phải bán tất cả gia sản hiện có để lo tiền đền bù thiệt hại cho chồng.  Tất cả tài sản được hóa giá cũng vừa đủ trang trải cho việc đền bù, số dư ít ỏi còn lại bà đã bố trí xây cho hai vợ chồng nó một căn nhà mái bằng nho nhỏ làm chỗ ra vào trú ngụ mà làm ăn trên mảnh đất đứng tên Quang ở trung tâm huyện, còn phần bà thì lui về làng cũ để nghỉ ngơi tránh mọi điều tiếng thế gian. Ngày ra ở riêng mẹ chồng nó căn dặn cả hai vợ chồng rất nhiều, gia đình hai bên đều động viên vợ chồng nó cố gắng vượt qua thử thách của cuộc sống mà gắn bó bền lâu, duy trì hạnh phúc. Phần nó, nó cũng hiểu rằng kể từ đây nó sẽ hoàn toàn sống một đời sống tự lập, nó bước vào một bước ngoặt của cuộc sống gia đình với bộn bề lo toan. Ngày nhà chồng chưa xảy ra chuyện nó vô tư sống với ý nghĩ đơn giản như Quang đã từng nói: Nhà mình chẳng phải lo về kinh tế, anh thì chăm chỉ làm việc, còn em thì chịu khó học cho xong, kết thúc khóa học sẽ ổn định đâu vào đấy cả thôi. Nó cũng nghĩ thế và nó vẫn tin như thế. Nhưng … cuộc sống luôn xảy ra những điều bất ngờ mà con người ta chẳng bao giờ lường trước được sự việc. Nó đi từ ngỡ ngàng, bàng hoàng, thảng thốt rồi dần dần nó nhận ra sự thật phũ phàng đang đến qua từng giây từng phút. Nó còn quá trẻ cả về kinh nghiệm sống cũng như về kiến thức để có thể đảm đương một gia đình, làm một người vợ can trường đảm đang. Nhiều đêm nghĩ đến những ngày tháng mờ mịt sắp tới nó bất giác rùng mình sợ hãi. Tai biến xảy ra, cũng là lúc cánh cửa học tiếp, lời hứa sẽ bố trí cho nó vào làm cùng cơ quan với chồng nó của ông bố chồng giờ đã tan tành theo mây khói. Nó chưa va chạm gì trong cuộc sống xã hội cũng như chưa bao giờ phải bước chân đi làm kiếm đồng tiền bát gạo. Nó nghĩ  và nó khóc. Nó đã khóc thật nhiều đến nỗi bản thân nó chẳng nhớ nổi một ngày nó bất chợt nghĩ và bất chợt khóc bao nhiêu lần nữa.
            Phần Quang mặc dù đã có hợp đồng công tác và nhận việc tại trường cao đẳng từ mấy tháng trước, nhưng kể từ khi ông bố đầy quyền lực của anh phải vào biệt giam cũng là lúc mọi sự ưu ái dành cho anh cũng chấm dứt. Những lời hứa ngọt ngào về sự thăng tiến, về lương thưởng trong tương lai giờ đây cũng trở nên mù mịt. Hơn ai hết, chính Quang hiểu rằng uy quyền của ông bố đã chấm dứt thì anh phải tự đứng trên đôi bàn chân, một đôi bàn chân non nớt và thơ dại chưa thấm được đáng là bao kinh nghiệm của cuộc đời đầy sóng gió. Anh đã cố, cố gắng rất nhiều phần vì  muốn khẳng định mình trong công việc và cũng phần vì người vợ thân yêu đang chịu thiệt thòi vì anh. Nhưng với đồng lương ít ỏi của một anh công chức quèn, mà thật ra Quang cũng mới chỉ làm việc dưới dạng hợp đồng tạm thời chưa được vào biên chế chính thức nên vẫn chỉ là một anh công chức nửa vời. Mà lương hợp đồng lại làm trong lĩnh vực hành chính, quanh năm ngày tháng phải chạy vạy đó đây rồi các dịp lễ tết phải biếu sếp nọ, trưởng kia thành ra chẳng còn dư được đáng là bao tiền lương để mà phụ vợ chứ nói gì đến nuôi vợ. Nó hiểu điều đó, nhiều lúc nó thấy Quang không còn hay cười – một nụ cười hì hì thật hiền của ngày xưa nữa, thay vào đó là ánh mắt thâm quầng đầy lo lắng, vẻ mặt trầm tư hay ngẫm ngợi một mình rồi thở dài ngao ngán nhìn về phía xa xăm. Mà phía xa xôi ấy, nơi khoảng không mịt mù có gì khác ngoài những đám mây lúc trời quang thì sáng loáng nhưng khi chiều tàn, hoặc khi cơn mưa bất chợt kéo về thì lại đen mù xám xịt. Cuộc sống càng khó khăn, Quang càng trở nên lầm lũi và khó tính hẳn. Về nhà anh hay cáu gắt với nó, một việc làm đơn giản trước kia nó vẫn thường làm Quang chỉ cười xuề nhìn nó thì giờ đây anh lại có thể mắng nó, mắng một cách vô thức và vô lý. Nhiều hôm nó ấm ức đến phát khóc mà không biết làm gì, nói gì. Nó thương chồng bởi nó hiểu anh đang bị áp lực, nó cũng cố gắng nín nhịn như lời bố mẹ nó vẫn thường khuyên để bớt đi những cãi vã vợ chồng. Nhưng không phải vì thế mà cuộc sống vợ chồng nó suôn sẻ. Nó vốn dĩ là một đứa ương bướng, quen được chiều chuộng, có nhiều chuyện nó cũng không thể nhịn chồng mà cãi lại “nhát chả, nhát gừng” cho đỡ ấm ức. Nhưng cuối cùng dù thế nào thì sau mỗi cuộc đấu khẩu ấy là sự im lặng của cả hai. Một không khí im lặng đến rợn người. Nó vốn rất sợ sự im lặng, mà nhất là sự im lặng của người nó gọi bằng chồng, thành thử ra nó lại lân la làm hòa rồi vợ chồng lại ngọt ngào trong những cuộc giao hoan. Cứ như thế cuộc sống tiếp diễn, bữa rau, bữa cháo qua ngày trong cái nghèo đeo đẳng. Nó hiểu rằng từ một chàng công tử như Quang mà giờ đã thành một người thứ dân nghèo hèn tầm thường mà Quang vẫn cố gắng chịu được, đó là một sự cố gắng lớn lao. Nó luôn tìm cách động viên chồng và chính bản thân nó cũng không để chồng phải đơn phương lo lắng một mình mà nó cũng đi nộp hồ sơ xin việc ở một số công ty gần nhà. Cuối cùng nó được một công ty chuyên về may mặc nhận vào làm việc ở khâu kiểm tra chất lượng hàng thành phẩm (QC). Những cơ cực của cuộc sống, sự quay cuồng của đồng tiền đã làm cho vợ chồng nó quên đi tất cả những gì gọi là “sự lãng mạn” mà ngày xưa hai đứa hay làm.  
            Một năm trôi qua thật nhanh, Quang thi công chức nhưng bị đánh trượt, nó đã cố gắng động viên chồng nó thật nhiều. Nhưng nó biết trong con người Quang đã bắt đầu có sự chán nản. Nhiều lúc nó nghĩ nếu là nó thì nó cũng nản, mà có khi nản từ lâu rồi chứ không phải như chồng nó vẫn cố gắng mọi cách để tồn tại trong môi trường đầy khắc nghiệt ganh đua ấy. Lương Quang vẫn thế, mà cái bảng lương của một anh công chức nửa mùa dạng hợp đông thì làm sao đủ sống. Ấy thế mà vẫn phải sống, phải cố, phải tìm mọi cách để biếu bác nọ, anh kia mỗi dịp lễ tết để được “ưu ái” hơn. Thế rồi mùa thi công chức thứ hai cũng đến, lần này Quang làm rất tốt, nhìn vẻ mặt tươi tỉnh của chồng nó hiểu rằng anh đang hy vọng nhiều lắm. Không hy vọng sao được khi mà mọi cố gắng của cả một năm dồn về dịp thi này. Đó là bước ngoặt cuộc đời một cán bộ nhà nước đó chứ! Nhưng… cuối cùng anh vẫn bị đánh trượt. Một cú trượt dài đau đớn làm anh bừng tỉnh, Quang nhận ra cái gốc rễ của vấn đề không phải nằm ở chỗ thi ra sao. Anh bắt đầu lân la dò hỏi, và cuối cùng thì anh cũng hiểu đâu mới là cái giá, đâu mới là cái điểm “cộng” điểm “trừ” bên cạnh cái gọi là điểm thi để có kết quả được công bố trên bảng tin. Sáu ngàn đô - ấy chính là con số mà người thầy khả kính, một người đã hết lòng nâng đỡ anh khi ông bố quyền lực của anh còn tại chức. Cũng chính khi đó thầy đã hứa như đinh với bố anh rằng: “Giờ để cháu vào hợp đồng một năm, rồi năm sau cho thi công chức là ổn thôi anh, không phải lo chuyện tiền long gì đâu, anh em mình giúp nhau là chính”. Nhưng dòng đời là thế, vốn dĩ nó chỉ như những cơn gió lạc mùa, lúc thì nó thổi hướng đông lúc lại ngược về hướng tây. Nó cứ thay đổi bất thình lình như thế tùy theo dự vận chuyển luân hồi của không gian và thời gian.
            Cuối cùng thì Quang đã thực sự nản thật. Mà nản cũng là đúng thôi. Sáu ngàn mỹ kim nếu như ông bố uy quyền còn tại vị thì chỉ là một cái kim nhỏ nhoi, nhưng với vợ chồng nó bây giờ thì biết lấy đâu ra. Mà không lo thì không được. Có biết bao người tài giỏi hơn Quang, sẵn tiền hơn Quang muốn xin vào làm hợp đồng thôi cũng không được. Giờ đây Quang đã có chân trong hợp đồng chỉ còn chờ thi công chức. Nghĩ ngược nghĩ xuôi ngày này qua tháng nọ, cuối cùng nó đánh liều bàn bạc với chồng mà rằng:
             - Anh à! Em thấy hay là….
             - Hay là sao hả em?
             - Hay là anh đem sổ đỏ của mình đi thế chấp ngân hàng lấy tiền lo cho anh đỗ công chức đợt tới. Được không anh?
            - Cái này thì … … Nhưng anh sợ …
            - Anh sợ gì?
             - Vay rồi tiền lãi trả cũng khó lắm đấy. Mà rồi khi vay xong liệu một năm sau có đủ tiền để trả ngân hàng không?
            - Thì không đủ trả thì lại mượn tạm đâu đó rồi lại làm thủ tục vay tiếp. Giờ đành phải thế chứ biết sao anh.
            - Có lẽ phải thế thôi! Tại số mình đen quá. Giá mà …
            Giá mà …. Câu nói ngập ngừng nửa vời của Quang làm nó thấy nhói trong tim. Nó hiểu anh muốn nói gì. Nhưng sự thật vẫn là sự thật, ông bố quyền lực giờ đây đã trắng tay trong trại cải tạo. Còn vợ chồng nó thì từ danh gia vọng tộc bước xuống lớp người cùng đáy trong xã hội. Một trật tự, một thái cực đảo điên đến chóng mặt. Nhiều đêm nằm bên chồng nhưng nó không thể nào ngủ được. Nó nghĩ và lo sợ cho tương tai. Nó muốn có một đứa con để bầu bế nhưng nó sợ sinh con ra không đủ tiền để nuôi con. Nó nghĩ đến những ước mơ bình dị thuở đang yêu về những uổi đi chơi, đi dạo cùng Quang. Nó thèm lắm cái hơi ấm của những căn phòng Vip nơi nhà hàng đặc sản lẩu, nó nhớ lắm mùi sữa chua nơi góc trái của chợ huyện, nhớ mùi kem Tràng Tiền, nhớ lắm mùi nước hoa Pháp đắt tiền ngày xưa Quang hay mua tặng nó, nhớ lắm những con phố nơi thành phố tỉnh nhà mà hai đứa hay lượn xe đi dạo khi chiều về …  Nó nhớ ra rằng từ lâu nó đã quên đi những thói quen chải chuốt áo quần mỗi sáng thức giấc, quên cả những mùi phấn, mùi son môi tô điểm cho vẻ đẹp kiêu sa mỗi khi chuẩn bị ra đường, thay vào đó là những sự tất bật với bữa sáng, bữa tối cho chồng, rồi mặc vội bộ quần áo đồng phục đến công ty cho kịp giờ làm … Tất cả hiện về rất chân thực, sống động. Rồi nó lại thở dài ngáo ngán. Nhắm mắt để mặc cho những giọt nước mắt bất chợt trào ra nơi hai khóe mi rồi lăn xuống môi mặn chát. Nó hiểu cuộc sống không có quá nhiều sự lựa chọn cho nó. Nó chấp nhận và cố nén chặt những ước muốn một thời vào trong lòng như người ta gói ghém những kỉ vật của quá khứ trước một chuyến đi xa.
            Thế rồi chồng nó cũng đổ công chức, ngày chồng có quyết định công chức nó thấy Quang buồn, anh thông báo với nó qua dòng tin vội: “anh có quyết định biên chế rồi em à, vậy là từ nay mình bắt đầu bước vao giai đoạn kéo cầy trả nợ thôi! Cố gắng nghe em!”. Nhận tin nhắn của chồng mà nó thấy lòng đắng ngắt. Không đắng sao được khi mà đi cùng quyết định ấy là một con số không nhỏ: “sáu ngàn đô”.  Sáu ngàn đô ấy nếu cứ tính lương công chức của Quang thì biết bao giờ mới trả đủ được đây? Một tin vui mà cũng mở ra cả một thế giới mênh mênh mang mang buồn thiu trước mắt nó. Nó tặc lưỡi thở hắt ra rồi phán một câu gọn lỏn: kệ!
            Cuộc sống vợ chồng nó giờ đây thêm khoản tiền lãi ngân hàng hàng tháng. Lương của chồng nó cũng chỉ vừa đủ để trả số lãi ngân hàng. Tất cả cuộc sống gia đình đành chờ vào đồng lương công nhân của nó. Cuộc sống vẫn chẳng có gì đổi thay ngoài cái khoản nợ lãi ngân hàng cứ đến hẹn là cả hai vợ chồng lại cuống cuồng lo lắng. Nhưng rồi thì lo lắng nhiều nó cũng thành quen, sóng trong cái khổ, cái nghèo nhiều con người ta bỗng trở thành chai lì và mẫn cảm với nó. Vợ chồng nó cũng thế, cứ mặc kệ đến đâu thì hay đến đó! Mà chẳng như thế thì cũng biết làm sao!
            Một buổi chiều như mọi buổi chiều, tan ca nó vội vã trở về nhà, đang đi trên đường nó bỗng nghe có tiếng người gọi với từ phía sau:
-          Hằng!  Hằng!
-          Ai gọi thế nhỉ? – Nó vừa lẩm bẩm vừa ngoái lại phía sau xem xét
-          Tao đợi mày mãi
-          Ơ! – Nó ngớ ngác mãi mới nhận ra người đang nói chuyện với mình – Con Linh! Mày mới về nước à!
-          Ừ! Tao mới về. Tao sang hỏi thăm bố mẹ mày mới biết mày ở khu này.
Nó nhìn con Linh từ đầu tới châm rồi trầm trồ khen ngợi:
-          Mày dạo này nhìn sành điệu thế! Đẹp như tiên nữ thế này!
-          Thì mày bảo có tiền là phải sắm sửa cho chất tý chứ!
Con Linh cười, nó cũng cười theo. Con Linh là bạn cùng học với nó thời cấp ba, nó – Linh – Tâm là ba đứa chơi thân với nhau và cũng là ba đứa có vẻ đẹp khả ái nhất trường trong đó nó là đứa nổi bật hơn hẳn. Nhóm ba đứa nó thường được bạn bè gọi là nhóm hoa khôi. Nhưng giờ đây nhìn nó và con Linh nó bỗng nhận ra nhan sắc của nó sa sút nghiêm trọng mất rồi. Con Linh thì ngược lại hoàn toàn nhìn xinh đẹp sang trọng kiêu sa với một chiếc xe máy Liberty đắt tiền, bộ quần áo bó hàng hiệu làm nổi bạt lên thân hình nóng bỏng vốn đã quyến rũ của nó. Nó ngồi uống nước tán chuyện cùng con Linh mà không ngớt lời khen ngợi bạn. Sau khi học xong cấp ba con Linh và con Tâm  theo học tiếng Trung để đi xuất khẩu lao động sang Đài Loan chỉ mình nó là quyết định ôn thi đi học tiếp. Thời gian thấm thoắt trôi nhanh. Ấy vậy mà đã bốn năm kể từ khi ra trường nó mới gặp lại đứa bạn thân thời trung học. Mà gặp lại trong một hoàn cảnh thật éo le trái ngược. Ngày Linh và Tâm đi làm xa thì nó đang chuẩn bị tin mừng theo người chồng giàu sang về hưởng vinh hoa phú quý thế mà giờ khi con Linh trở về mua được nhà to đẹp nhất phố huyện, đi xe máy loại xịn, xinh đẹp cao sang còn nó lại học hành dang dở mà cuộc sống nghèo khốn đủ bề, vẻ đẹp xuống sắc. Nó chỉ biết thở dài mỗi khi con Linh hỏi han về chuyện cuộc sống. Một cảm giác nghẹn đắng, buồn tủi chợt trào dâng trong nó. Bất giác nó nấc lên liên hồi rồi vỡ òa trong tiếng khóc. Nó gục vào vai con Linh mà khóc. Những tiếng khóc bật ra thành tiếng nghe não lòng thê thảm. Những tiếng khóc của nỗi lòng đã bị đóng kín bây lâu giờ có dịp bật ra mạnh mẽ tựa như người ta đắp đập chặn dòng nước để rồi một ngày nào đó cơn lũ tràn về mạnh mẽ đã cuốn phăng con đập và đổ xuống phía sau một cách dữ dội. Chia tay con Linh mà lòng nó vẫn còn nao nao một nỗi buồn khôn tả.


Không có nhận xét nào: