MENU

Thứ Sáu, 3 tháng 5, 2013

Nỗi đau mang tên "Nghèo" !

             Xót xa rơi nước mắt!
            Xã hội có muôn hình vạn trạng kiểu người, muôn ngàn hoàn cảnh cho những cảnh đời bất hạnh thê lương. Một người mẹ- người vợ đã treo cổ tự tử vì bản thân đang mang bệnh không muốn chồng con phải tốn tiền vì mình mà dành tiền đó cho chồng nuôi con ăn học, người mẹ ấy tự tử còn vì để khẳng định rằng mọi hy vọng về việc vay ngân hàng chính sách đã bị đóng kín khi không được thôn xóm, địa phương công nhận là hộ nghèo. Và hôm nay lại là hai cô gái đã tự tử vì không có hai triệu năm trăm ngàn nộp phạt cho công an để chuộc xe đem về trả cho người bà con đã cho mượn xe. 
                                                  ( Ảnh: Bàn thờ em Phụng)
            Hoàn cảnh quá nghèo, nên hai em Thủy và Phụng cùng tai xã An Phú, TP Pleiku, Gia Lai đã phải nghỉ học từ sớm (lớp 6) để phụ giúp cha mẹ. Sự tần tảo của cả gia đình cộng thêm các con quanh năm ngày tháng mà đâu có thể khá lên được đâu. Thế rồi qua người mai mối, hai em đã mượn xe người bà con rồi đi kiếm việc. Chưa đủ tuổi lái xe (16 tuổi), không bằng lái, không mũ bảo hiểm các em đã bị công an giữ xe hẹn nộp phạt mới được lấy xe về. 2,5 triệu – Một con số có lẽ chỉ bằng một chầu nhậu nhẹ nhàng của lớp người trung lưu, hoăc bằng một cái áo, cái quần của các bà các cô giàu sang khá giả. Nó cũng chỉ bằng một buổi hát karaoke của những nhóm thanh niên làm ăn xa nhà hứng chí vui chơi. 2,5 triệu - ấy vậy mà mất cả tháng trời cho hai cô bé làm lụng tần tảo cũng không đủ để đem nộp phạt cho công an mà lấy xe.
              người nói các em quá dại. Vâng! Các em quá dại khi tìm đến cái chết!
            Có người nói các em túng quẩn, nghĩ quẩn! Vâng! Các em đã nghĩ quẩn thật sự!
            Nhưng có ai đã ở trong hoàn cảnh như các em thì sẽ hiểu cái con số 2,5 triệu nó lớn đến mức nào. Hai phẩy năm triệu bằng cả một con xe dream tầu mua về làm cần câu cơm (xe ôm) cho cả gia đình nhờ vả. 2,5 triệu là cả mồ hôi và công sức của mấy nhân công chính trong suốt một vụ lúa từ khi cấy cho đến khi thu hoạch mà phải 2 xào ruộng mới đủ. Và cũng con số ấy chính hai em đã phải ngậm đắng cay làm thuê cả tháng trời mà có đủ đâu. Những mảnh đời túng quẫn, đường cùng đến đáng thương và đau xót.
            Túng quẫn sinh đường cùng hai em không có mặt mũi nào dám về và cuối cùng thì uống thuốc chuột tự tử. Một cái kết không có gì dại dột hơn. Nhưng lại là một cái kết rất dễ xảy ra trong tư duy logic về tâm sinh lý lứa tuổi các em. Phụng – trước khi ra đi khỏi cõi đời vẫn không thể nói được câu nào, có lẽ do thuốc chuột đã đốt cháy vòm họng làm mất khả năng phát âm, nhưng em vẫn còn kịp lấy điện thoại của người anh để ghi lại những lời cuối cùng, những lời trăn trối mà đọc lên nước mắt tôi cũng chực trào ra vì thương cảm và xúc động: “Em gửi cha mẹ lại cho anh chị, gắng phụng dưỡng cha mẹ, chăm sóc em gái, em bất hiếu…” rồi em trút hơi thở cuối cùng!
            Một đứa con đúng nghĩa. Một tâm tình chí hiếu. Dù khi sắp lìa đời vẫn không nguôi trách nhiệm của một đứa con với cha mẹ và em gái! Nhưng … ngần ấy trách nhiệm là chưa đủ. Con người ta cần phải có “tiền” có “gạo” mới trọn trách nhiệm được hay sao? Thảm kịch của cái nghèo, nỗi đau khôn tả của những số phận “cùng đáy” trong xã hội. Một nỗi đau mang tên “bước đường cùng” của một số phận con người. Phụng – đã ra đi!  Cánh cửa cuộc đời đã khép lại. Nhưng nỗi đau ấy còn dai dẳng khôn nguôi trong lòng người cha, người mẹ. và cũng chính vì nghèo mà người cha người mẹ của me không có đủ tiền để đến nơi đưa con về, phải nhờ bà con hàng xóm giúp đỡ vay mượn ngược xuôi mới đủ tiền để chi trả viện phí, thuốc thang cho con, khi con ra đi thì lo cho con một “đám tang” đưa con về với đất. Số tiền này biết bao giờ mới trả được? Câu nói của bà nội Thủy ( người cùng tự tử với Phụng vẫn đang trong cơn thập tử nhất sinh vẫn phải chạy chữa mỗi ngày một triêu đồng) mà thấy thắt tim gan.
            Cuộc sống có những bất công đến nghẹn ngào. Có những kẻ “ngồi mát ăn bát vàng”, đi một bước là phong bì tiền triệu, … nhưng đâu đó trong cuộc sống trên khắp dải chữ S thân yêu cũng còn có quá nhiều những tấm thân đang còng lưng thành chử S để cố kiếm lấy cho đủ cái ăn, đủ chi phí mà sống qua ngày. Có những nơi cả cô và trò đều phải bắt chuột để làm thịt ăn cho có cái gọi là “chất thịt”.  Có những nơi các em nhỏ phải đu dây để đi học, có những nơi lại có những tấm thân mong manh một mảnh áo vải giữa cái rét cắt da, cắt thịt đến trường… Kể sao cho hết những mảnh đời đang ngày đêm quần quật chẳng quản nắng mưa gió rét chỉ đến kiếm cho đủ miếng cơm manh áo cho gia đình, con cái. Trong khi xây dựng các công trình kiến trúc đồ sộ này nọ hàng trăm tỷ, trong khi quy hoạch các dự án hàng nghìn tỷ, trong khi để mặc sức cho các ông lớn tập đoàn sai phạm, lãng phí, tham ô, tham nhũng hàng mấy ngàn tỷ tiền thuế của dân…. Và trong khi các vị đưa ra hết phí này phí nọ nhằm đổ đên lên đầu nhân dân thì quý vị hãy nhớ rằng trên khắp đất nước thân yêu lại đang có rất nhiều những thân phận, những “nỗi đau mang tên cái nghèo thời hiện đại” diễn ra. Và trong khi nghĩ đến bất kể việc gì to tát, hoành tráng như vậy xin các vị làm “đầy tớ của nhân dân” hãy nhớ đến những thân phận bọt bèo đến thảm kịch như thế vẫn còn nhiều lắm trên khắp đất nước này trước đã các vị à!
            Hu! Hu! Hu

Không có nhận xét nào: