MENU

Thứ Tư, 9 tháng 10, 2013

Truyện tuổi đời - 10. Nhớ Tiến Hải!


TẬP TRUYỆN TUỔI ĐỜI

 
10. Nhớ Tiến Hải
        Dạo này trời mùa thu mát mẻ giấc ngủ cũng sâu, cứ nằm xuống một lát là y như rằng tôi đã ngủ ngon lành cành đào! Ấy thế mà đêm qua chả hiểu sao nửa đêm lại xuất hiện giấc mơ lạ, trong cơn mê ấy tôi thấy thằng bạn bị ngã xe máy, tiếng xe va chạm vào kêu cái đoàng, thế là giật hết cả mình. Tỉnh ngủ!. Tỉnh ngủ rồi mà tim vẫn còn đập! Bồi hồi nhớ lại giấc mơ, rồi giật mình cái thót! Trời! Người mà mình đang mơ tới chính là Hoàng Tiến Hải – người bạn đã đi vào cõi vĩnh hằng cách đây đúng ngày này, vừa chẵn ba năm. Thế là tỉnh hẳn ngủ, kí ức cứ thế dội về, miên man suy nghĩ. Sau đó tôi bật dậy ngồi bên bàn phím và gõ, những con chữ cứ thế hiện ra theo dòng kí ức tưởng như bất tận – Dòng kí ức về một cố nhân!
(Hoàng Tiến Hải ngồi ngoài cùng bên Trái trong dịp chúng tôi thăm Huế và giao lưu với các bạn ở ĐH Huế)
  
Tiến Hải là một trong số bẩy chàng trai của ngành học Việt Nam Học thuộc khoa Ngữ văn Đại học sư phạm Hà Nội, sau này thì tách ra làm khoa riêng lấy tên là khoa Việt Nam Học. Khoảng 2 năm đầu tôi chơi với Tiến Hải chỉ ở một mức độ bạn bè cùng khóa. Nhưng kể từ khi tôi chuyển đến ở trọ cùng xóm trọ với nó thì chúng tôi trở nên thân thiết, gắn bó hơn.Tôi ở tầng dưới cùng với thằng Đông, thằng Hải ở tầng trên cùng với thằng Dương, Tuân, anh Giang. Tất cả mấy thằng chúng tôi đều học cùng một lớp! Với Tiến Hải, ai cũng thân thiết và đáng quý nhưng tôi biết nó luôn e dè, ít khi tâm sự những chuyện riêng tư với bạn bè kể cả anh em cùng phòng. Nhưng sau một thời gian chơi, rồi chơi thân, và thân hơn với tôi thì mọi chuyện khó nói nó đều tìm tôi để trút bầu tâm sự, hoặc để tham khảo ý kiến nếu cần.
            Câu chuyện đầu tiên mà từ đó nó khiến cho tôi cảm thấy thằng Hải thực sự là một người bạn thân thiết chính là câu chuyện về cái bình ga mi-ni. Chả là thời đó chúng tôi ở trọ và phòng nào thì tự mua đồ về nấu cơm. Bếp nấu tiện nhất đối với sinh viên thời ấy là bếp ga mi-ni. Tiện vì nó nhỏ gọn không tốn diện tích và dễ dàng chuyển đồ khi phải chuyển phòng ở đến nơi khác. Cổng xóm trọ tôi ở có cô Thảo bán quán tạp hóa mi-ni, bữa đó tôi đang nấu cơm dở thì hết ga, liền vội đem một bình ga sang nhà cô Thảo đổi lấy bình mới. Tôi sang đến nơi thì thấy cô đang vội vàng chạy ra ngoài. Thấy tôi cô hỏi:
-         Cháu cần gì đấy?
-         Cháu đổi bình ga! – Nói rồi tôi đưa tiền cho cô
-         Ừ! Cô cầm tiền rồi! Cháu vào trong lấy một bình nhé! Cô phải chạy ra đầu ngõ đón đứa em vào chơi! Nó không biết nhà!
-         Vâng! – Tôi lúi húi vào trong nhà lấy bình ga mới, rồi đặt bình trống của mình vào giỏ cho cô!
-         Cô Thảo ơi! – Có tiếng con gái đứng ngoài gọi vào – Cháu đổi bình ga với!
-         Cô Thảo không có nhà! Em đổi bình ga thì vào đây! – Tôi vừa nói vừa quay ra xem ai đang gọi!
-         Cô Thảo đi đâu thế anh?
-         Là em à! – Tôi cười khi nhận ra đó là cô bé ở cùng xóm trọ của tôi – Riêng em thì cứ lấy đại một bình ga về! Không phải trả bình không đâu! Cô Thảo đi ra đầu ngõ rồi, không biết đâu!
            Tôi vừa nói vừa dúi vào tay cô bé một bình ga rồi giục – Về nhanh kẻo cô ấy về là hỏng bây giờ!
-         Ơ! – Cô bé đang ngớ ngác chưa hiểu gì thì tôi giục tiếp:
-         Anh cho em bình ga này đấy! Cứ đem về mà dùng! Cô ấy không biết đâu mà lo!
            Thế rồi tôi cũng đi về! Ai ngờ trưa hôm sau khi anh Giang đi học về qua cô Thảo gọi vào nhờ đánh tiếng:  Giang! Cháu về nhắn với Thạch là cô Thảo hỏi hôm qua Thạch có đổi  một bình ga, nhưng hình như chưa đem bình không sang cho cô đâu, nếu chưa đem bình không sang thì bảo Thạch đem sang gửi cô nhé!
            Ôi trời! Cứ tưởng cô ấy không biết, ai ngờ cô ấy đếm mới chết chứ! Lúc này thằng Hải cũng đang ngồi trong phòng tôi thấy anh Giang bảo thế thì nó hỏi chuyện, tôi kể câu chuyện cho nó nghe. Nghe xong nó vừa cười vừa lẩm bẩm: Dại gái! Dại gái!
            Hu! Hu!
            Nói thế rồi nó cũng bảo tôi: Thôi được rồi, bây giờ cậu cứ sang bảo với cô Thảo là “cháu không lấy nhầm bình ga của cô đâu! Cô cố nhớ lại xem có cho ai mượn bình nào không. Hay là cô đếm lại lần nữa xem đếm nhầm gì không”. Còn việc sau đó tớ sẽ lo!
            Tôi đi và làm đúng như nó bảo. Khi tôi và cô Thảo đang lúi húi đếm bình ga thì thằng Hải đứng ngoài cửa gọi với vào:
-         Cô Thảo ơi! Cháu đổi bình ga!
-         Cháu đổi mấy bình.
-         Cháu đổi một bình. Với lại hôm qua lúc trưa cháu sang mượn của cô một bình ga mà chẳng thấy cô ở nhà, cháu đứng đợi chẳng thấy cô đâu thế là cháu tự lấy về dùng, hôm nay cháu đem sang trả cô, và trả tiền cô luôn.
-         Mày đúng là! – Cô Thảo cười cười bảo nó – lấy không bảo gì cô. Làm cô nghĩ thằng Thạch cầm nhầm!
            Thế là hòa cả làng. Nhưng quan trọng hơn hết là nó đã cứu tôi một tình huống khó xử.  Thi thoảng khi ngồi cùng nhau mà nhìn thấy cô bé kia đi qua, thằng Hải lại tủm tỉm nhìn tôi cười đắc chí!
           
            Thằng Hải là một người sống rất trọng nghĩa, trọng tình và nhất là luôn có sự vị tha đối với bạn bè, anh em. Trong phòng trọ nó luôn là người nhẫn nhịn, chăm chỉ làm việc nhiều hơn, phục vụ anh em nhiều hơn. Nhiều hôm nó bảo với tôi: Mình làm hơn một chút để anh em nghỉ ngơi, vui vẻ cả nhà cũng là điều hay. Anh em cùng phòng cũng như anh em ruột thịt tính gì chuyện hơn thua hả Thạch. Mình nghe nó nói thì thực tâm thấy phục nó lắm. Mà quả đúng như thế, những cuộc rượu của nhóm con trai lớp tôi thì chúng tôi thằng nào thằng đấy say tê-lê-phê, cuối cùng chỉ còn có nó biết giữu mình, uống ít, tỉnh táo và  dọn dẹp sạch sẽ bãi chiến trường.
            Với mọi người, ai ai tiếp xúc với Tiến Hải cũng đều cảm thấy vui vui sảng khoái, và nhất là nó có cái cách khích lệ mang phong cách rất  riêng – phong cách khen Hoàng Tiến Hải. Ai nó cũng khen, nó thấy gì là khen đấy, những lời của nó luôn tạo cho người đối diện một cảm giác thật gần gũi và quý mến nó hơn. Có lần bước vào phòng tôi thấy tôi đang ngồi bàn đọc sách, nó hỏi:
-         Thạch đọc cái gì đấy?
-         Tớ đọc thơ! Mới làm bài thơ mà sửa mãi vẫn không đạt.
-         Đâu đưa tớ xem với?
-         Đây cậu đọc đi. Có gì sửa góp ý tớ với nhé!
-         Hay! Hay thế! – Nó cầm quyển thơ đọc được rất kỹ, rất lâu rồi cất lời khen – Thạch viết thơ quá hay! Hay thế này rồi cần gì pải sửa nữa!
           Tôi còn đang phổng mũi vì có thằng bạn khen thơ mình hay lại còn quá hay thì lúc này thằng Đông từ ngoài bước vào phòng, vừa đi vừa hát. Thằng Hải thấy thằng Đông bước vào thì ngước mắt nhìn rồi khen ngay:
            - Ối bạn Đông hôm nay đẹp trai, phong độ thế! Lại con hát nữa chứ! Giọng hát của Đông nghe như ca sĩ Trọng Tấn vậy!
            Ôi! Lậy trời! Khen thằng Đông đẹp trai, phong độ thì đúng, chứ bảo thằng Đông hát như ca sĩ Trọng Tấn thì rõ là khen kiểu xã giao rồi (Tôi vẫn thường trêu thằng Đông là giọng hát của mày là giọng hát của ca sĩ Tra Tấn chứ không phải Trọng Tấn! hehehe)! Tự nhiên nụ cười tự hào về bài thơ “Hay! Hay tuyệt”  trên môi tôi tắt hẳn! Mãi về sau, khi tiếp xúc nhiều thì tôi biết nó có nhiều kiểu khen với nhiều kiểu người. Nhưng dù khen kiểu gì thì cũng là cách làm hài hòa giữa con người với nhau! Có hôm tôi hỏi nó: sao Hải gặp ai cũng khen tới tấp kiểu xã giao thế? Nó bảo: sống ở trên đời được mấy lỗi, sao cứ phải đi ghen tỵ, sao không đổi những lời đay nghiến, chê bai nhau sang khen nhau cho nó nhẹ nhàng tình cảm có hơn không? Tôi gật gù thấy lời nó nói quả là rất có lý!
            Lại nhớ một hôm, không hiểu có một vài bất đồng gì đó giữa nó và thằng Dương mà hai thằng sau khi tàn cuộc rượu thì lời qua tiếng lại. Lúc sau tôi thấy có tiếng bước chân chạy, đuổi. Tôi chưa kịp hiểu gì thì thằng Hải chạy vào nhà tôi bảo: Dương nó tức với tớ, nó đuổi đánh tớ! Tớ trốn ở đây nhé! Thạch khép cửa tắt điện đi!
            - Không được! Kiểu gì thằng Dương chẳng vào đây nói huyên thuyên một lúc rồi nó mới lên nhà! Tớ đưa cậu sang phòng bên ngồi tạm. Bao giờ thằng Dương nó ngủ thì tớ sẽ gọi nhé!
            Đúng như tôi nói, lát sau thằng Dương chạy vào phòng tôi nói trong hơi men: Thạch! Có thấy thằng Hải chạy vào đây không? Tao đang tìm nó tính chuyện!
            Nó chạy ra ngoài rồi! – Tôi vừa nói vừa bật cười – Mày uống nhiều rượu rồi, đi ngủ đi, có gì mai gặp nhau nói chuyện cho tỉnh táo.
            Thằng Dương đứng ở phòng tôi huyên thuyên một hồi thì loạng choạng đi lên nhà. Tôi đưa nó lên nhà, vào giường nằm ngả lưng ra là nó ngủ ngay. Đúng là dân say rượu nó thế! Cứ tưởng tỉnh táo lắm, vừa nói như sáo, nhưng ngả lưng cái đã ngủ ngon lành!
            Tôi xuống gọi thằng Hải sang phòng ngồi chơi nói chuyện, hỏi nguyên nhân vì sao. Nó chỉ cười cười bảo: Có gì đâu, Dương nó uống say quá nên thế ý mà! Nó nói thế thì tôi hiểu thế! Tôi cũng hiểu rằng chuyện gì nó cần nói nó sẽ nói cho tôi nên tôi chẳng cố gặng hỏi.
-         Dương nó ngủ rồi đấy! Hải lên nhà mà ngủ, đừng lo gì! Ngủ lát tỉnh rượu là hết ngay ý mà!
-         Ừ! Cảm ơn Thạch nhé! Chúc ngủ ngon!
            Và quả đúng là như thế thật! Sáng hôm sau đã thấy nó với thằng Dương lại cười cười tung tăng đến trường như mọi hôm tựa như chẳng có chuyện gì xảy ra đêm trước. Tôi hỏi thằng Tuân thì nó kể: Sáng nay ông thánh Dương tỉnh dậy, anh Giang kể chuyện đêm qua, mắng thằng Dương. Thằng Dương chạy vội ra ngoài hiên tìm Hải xin lỗi ríu rít. Thằng Hải xua tay bảo: Úi dào! Tớ không để ý gì đâu! Say rượu ý mà!
            Vị tha, bao dung đến thế là cùng Hải ơi!
           Lại nhớ xóm trọ tôi có một chị giáo viên ngữ văn tên Giang, chị Giang có anh chồng làm bác sĩ ở viện quân y 103. Chẳng hiếu tỉ tê thế nào mà thằng Hải nhờ được anh chồng chị Giang đem đồ từ bệnh viện về để cắt mụn cơm giúp nó. Cái mụn cơm ở cạnh bàn tay phải, nó đã dùng đủ mọi cách, mọi mẹo dân gian nhưng chẳng thế nào chữa khỏi. Bữa đó anh bác sĩ đem đồ về, gọi thằng Hải vào trong phòng rồi khóa cửa không cho ai vào xem. Nó nằm ở giường, đặt tay vào ghế để bác sĩ phẫu thuật. Chẳng thuốc tê, thuốc ngủ gì hết, cứ thế để anh mổ xẻ, cắt sống cái mụn cơm đi rồi băng băng bó bó. Vừa làm, nó vừa nói chuyện với anh rất rôm rả! Ôi trời! Chịu đựng giỏi thế là cùng Hải ơi!
            Thằng Hải là người rất có chí tiến thủ, nó luôn là một trong những sinh viên dẫn đầu về điểm thi đua trong lớp. Nó cũng là lớp phó học tập của lớp tôi mấy năm liền. Sự khéo léo, tinh thần học hỏi không bền bỉ, cộng với phương pháp học tập nghiêm túc. Chính vì thế không chỉ khóa chúng tôi mà còn cả các thầy giáo, các anh chị , các em khóa trên khóa dưới biết mặt, biết tên. Các hoạt động đoàn, hội của trường của khoa nó đều tích cực tham gia một cách nhiệt tình và nghiêm túc! Tôi còn nhớ trong giờ văn hóa phương đông thầy giáo có cho cả lớp thảo luận. Đề tài thảo luận rất sôi nổi, cả lớp ai ai cũng hăng say phát biểu, đến gấn hết giờ mà vẫn chưa ngã ngũ. Nó đứng trên bục giảng trong vai trò người điều khiển, tổng kết buổi thảo luận mà nhanh thoăn thoắt. Lướt bên này, nhìn bên kia, mời bạn này, cảm ơn bạn kia rất chi là bài bản, khiến ai cũng hài lòng. Khi thấy chuẩn bị hết giờ mà tình hình vẫn còn nhiều ý kiến, nó bèn hắng giọng rồi cầm micro dõng giạc tuyên bố: “ Đây là một đề tài rất thú vị, tôi rất cảm ơn các bạn đã thảo luận sôi nổi, chúng ta cứ tiếp tục thảo luận tiếp đi rồi sau đó tôi sẽ tổng kết lại các ý kiến. Mới tất cả các bạn còn ý kiến cứ tiếp tục phát biểu, chúng ta còn những 5 phút nữa cơ mà!”
            Cả lớp cười ồ! Không khí trở nên vui vẻ thoải mái! Không còn một ai phát biểu nữa, mà tự nguyện dành thời gian còn lại cho nó tổng kết buổi thảo luận. Nó tổng kết vừa xong thì cũng là chuông báo hết giờ. Khéo léo, và chuẩn xác đến thế là cùng Hải ơi!
            Cũng vì chú tâm đến chuyện học hành nên thằng Hải không để tâm đến chuyện yêu đương. Không chỉ thế mà các cử chỉ, thậm chí cả giọng nói của nó cũng có đôi chút điệu đà, nữ tính thành ra nhiều người cứ nghi ngờ nó thuộc thành phần “nửa lạc nửa mỡ”. Một hôm thằng em phòng bên sang phòng tôi ngồi nói chuyện tếu, đang đà noi chuyện cu cậu phán một câu: Em thấy anh Hải cứ ái ái kiểu gì ý, có bị bê-đê không đấy anh?
            Tôi chưa kịp nói gì thì thằng Đông đang ngồi chơi cờ tướng trên máy tính quay ra bảo: “Bê – đê cái cục C! Bê – đê mà hôm qua tao mở cho nó xem phim Vàng Anh, vừa mới xem được một phút thì súng ống đại bác đã lập tức lên nòng, ngẩng cao chót vót rồi!”
            Ôi! Lậy trời! Hải ơi!
            Cuối thời sinh viên nó cũng có thời gian yêu đương ngắn ngủi. Mọi chuyện từ đầu đến kết thúc câu chuyện tình ngắn ngủi của nó tôi đều là người chỉ dẫn, đưa ra lời khuyên. Thời gian của cuộc tình ấy diễn ra chóng vánh và ngắn ngủi chỉ có thể coi như một cảm xúc thoáng qua mà thôi chứ chưa thể định hình đó là cuộc tình theo đúng nghĩa. Nhưng với những gì nó tâm sự với tôi để nhờ tôi tư vấn suốt thời gian dài thì tôi hiểu và tôi biết những xáo trộn tâm lý, tình cảm trong nó còn kéo dài mãi mãi về sau, theo nó tận đến lúc xuống mồ. Tôi cũng không nói nhiều về cái gọi là ngon gió thoẳng qua ấy để vừa tôn trọng người ở lại, mà cũng là giữ lời hữa với người ra đi rằng tôi sẽ không bao giờ nói cho ai biết những gì nó đã tâm sự! Chỉ biết rằng với thằng Hải, nó luôn sống vì mọi người, sống vì người khác hơn là vì mình, thậm chí có thể sẵn sàng hy sinh, chịu thiệt thòi, đau khổ nếu như những thứ đó có thể làm cho người khác không bao giờ phải buồn phiền, khổ đau!
            Những ngày nó vào học trong môi trường quân ngũ là những ngày tôi ít tiếp xúc hơn với nó, thông qua bạn bè, đồng chí, đồng đội và nhất là thông qua thằng Dương, anh Giang kể lại thì tôi hiểu hơn nghị lực của nó. Dù phải trị xạ trong bệnh viên quân y, dù sức khỏe mỗi ngày một yếu nhưng nó luôn tồn tại một nghị lực phi thường, không bao giờ gục ngã. Nó vẫn hoàn thành đầy đủ các chương trình học để rồi tốt nghiệp ra trường. Và chẳng bao lâu sau khi tốt nghiệp nó đã liệt giường. Đêm trước khi tiễn nó về với đất, chúng tôi - những người bạn cùng lớp Đại học Sư phạm, tâm tình cùng với các anh em, đồng chí của nó ở Trường Sĩ quan Chính trị, nghe mọi người kể về quãng thời gian vừa luyện tập, học tập, lại vừa phải trị xạ để chữa bệnh khi sức khỏe đã gần như cạn kiệt mà thấy cảm phục nó vô cùng. Nước mắt tôi đã trào ra nhiều lần hôm đó! Nó vĩnh viễn ra đi khi nhà trường vừa mới có quyết định phong quân hàm thiếu úy được mấy ngày! Nghị lực ấy, tinh thần ấy chỉ có thể là Hoàng Tiến Hải! Hải ơi!

                                                                           Bình Minh (BVT) 10/10/2013

Không có nhận xét nào: