MENU

Chủ Nhật, 24 tháng 6, 2012

Tiểu thuyết Tuổi Thơ - Kỳ 3


Tiểu thuyết Tuổi Thơ

Tác giả: Bình Minh ( Bùi Văn Thạch)

Kỳ 3: Lạc


Đó là vào năm tôi lên 4 tuổi, cái tuổi mà với những đứa trẻ thời hiện đại bây giờ thì chúng đã biết rất nhiều thứ, và biết rất nhiều nơi rồi nhưng với thời gian khoảng những năm cuối của thập kỷ chín mươi – thời kỳ mà hình ảnh lũy tre làng vẫn còn in đậm trong tâm thức người Việt thì những đứa trẻ tuổi đó vẫn chủ yếu quanh quẩn trong xóm làng mình mà thôi.
Một buổi sáng mùa hè, khi tôi đang nghịch ở sau nhà thì bố tôi gọi tôi rồi bảo:
-          Con vào mặc quần áo rồi đi chơi với bố!
-          Đi đâu thế bố?
-          Đi ra nhà bác Lễ giúp bác ấy lợp mái nhà con à
Bác Lễ là bạn than của bố tôi, nhà bác ấy và nhà tôi cùng trong một xã nhưng bác ấy ở  làng ngoài còn nhà tôi ở làng trong cách nhau một cánh đồng khá rộng. Nếu như thời bây giờ thì bọn trẻ con bốn tuổi nó có thể đi ra đó chơi rồi về nhà là bình thường, nhưng với tôi thời đó chẳng được đi đâu ngoài làng mình nên được đi đến đó tôi cảm tưởng thật là xa. Nhanh như cắt tôi vào trong nhà thay bộ quần áo mới, lấy chiếc mũ cói mẹ tôi mới mua rồi  leo lên ngồi sau xe để bố tôi đèo đi. Chiếc xe đạp Thống Nhất thời đó cũng là một phương tiện rất có giá trị với người dân quê tôi. Nhà nào sang giàu hơn thì mua hẳn xe Phượng Hoàng mà thời đó ai ai cũng bảo xe đó nhập khẩu mãi từ bên nước Đức về. còn với những chiếc xe máy Simson, và sau đó vài năm là chiếc DD thì chỉ những người đi làm nước ngoài về mới có thể mua.
Đọc thêm >>
Buổi trưa sau khi ăn cơm xong thì bố tôi bảo tôi ra chơi cùng con trai bác Lễ, anh hơn tôi 3 tuổi tên là Liêm mới đi học về, còn bố tôi thì vào làm việc cùng mọi người tiếp. Chơi với anh Liêm tôi thấy cái gì anh cũng biết, cái gì anh cũng chỉ cho tôi chơi, tôi thấy rất thích thú và chơi đủ mọi trò. Đang chơi quanh quẩn nhà thì anh Liêm bảo tôi:
-          Bình! Anh em mình đi ra trường học chơi đi!
-          Ra đấy có xa không anh?
-          Ngay ngoài kia thôi mà! Đi ra đấy rồi anh dẫn em đi tìm lớp của chị em cho mà xem
            Tôi vui vẻ chạy theo anh. Đây là lần đầu tiên tôi biết đến trường tiểu học của xã, chị gái tôi cũng đang học lớp 4 ở đây. Ngôi trường thật đơn sơ nhưng cũng thật vui nhộn vô cùng! Vào sân trường đúng lúc giờ ra chơi, tôi nhìn thấy rất nhiều anh chị trong làng đang chơi ở sân trường, nhìn thấy ai tôi cũng chỉ cho anh Liêm và bảo đấy là anh chị ở gần nhà tôi. Đang ngơ ngác trong sân trường vì có biết bao nhiêu thứ lạ lẫm mà lần đầu tôi được nhìn thấy thì bỗng tôi nghe tiếng chị tôi gọi:
-          Bình! Em đi đâu mà ra tận đây thế?
-          Ơ! Chị! – tôi thấy chị tôi thì vui sướng hét lên- Em đi chơi với anh Liêm.
-          Đâu! Anh Liêm đâu?
-          Anh Liêm vừa ở đây mà - Tôi nhìn loan quanh chẳng thấy anh Liêm đâu!
-          Thôi! Vào lớp học với chị, lát nữa chị dẫn về, không đi lang thang lạc đấy!
-          Không đâu! Em không vào đầu, em đi chơi cùng anh Liêm cơ!

            Đúng lúc đó nh Liêm từ phía cổng trường chạy vào kéo tôi đi và bảo: ra kia xem ô-tô đi, ngoài cổng có cái ô-tô to lắm.
            Nghe thấy ô-tô tôi thích quá vội chạy theo anh mà chẳng kịp nói với chị tôi câu nào nữa. Tôi chỉ nhớ mang máng đó là một chiếc ô-tô tải loại vừa đang bốc thóc từ một nhà làm nghề hàng xáo ở gần cổng trường tiểu học. Với lũ trẻ con chúng tôi thời đó, nhìn thấy ô-tô như là nhìn thấy một cái gì đó quý lắm, lạ lắm. Đứa nào cũng cố chen lại bám vào thành, leo lên trên xe một tí chút cho biết cái cảm giác thế nào là xe ô-tô. Lúc chúng tôi đến xem thì trống hết giờ chơi vang lên nhưng vẫn còn một số đứa trẻ lần chần không vào lớp mà vẫn đứng lại nhìn, ngắm, đợi xem nó nổ máy, bóp còi kêu to như thế nào! Bốc xong hàng, lái xe lên xe nổ máy, tiếng máy kêu “ì, ì” rồi anh ta bấm một tràng còi” tuýt, tuýt” vang lên hư để chứng minh cho thiên hạ thấy cái oai của một anh chàng được ngồi lái chiếc xe ô-tô mà cả làng, cả xã, thậm chí cả huyện chẳng mấy người có!
            Chiếc xe bắt đầu lăn bánh, ngay lập tức anh Liêm kéo tay tôi một cái thật mạnh rồi bảo: Nhảy lên!
            Như một phản xạ tự nhiên tôi nhảy tót lên bám vào phía sau thùng xe. ột cảm giác lâng lâng thật lạ! Chưa bao giờ tôi được ngồi lên chiếc ô-tô đang chạy cả! Nó rung rung, nẩy lên, hạ xuống theo từng đoạn đường đầy những ổ gà, ở voi. Tôi có cảm tưởng chiếc xe chạy nhanh phải gấp đến cả chục lần so với chiếc xe đạp mà nhiều lần bố tôi vẫn chở tôi đi chơi cùng ông.
            - Nhảy xuống thôi!  Đi xa rồi- Anh Liêm quay sang bảo tôi rồi nhảy cái vọt xuống đường
            Tôi nhún người toan nhảy xuống theo anh, nhưng khi nhìn xuống mặt đường thì chao ôi! Tôi sợ không dám nhảy! ngồi trên chiếc xe đạp tôi còn chẳng dám nhảy xuống huống chi là trên thùng chiếc xe to và đang chạy nhanh thế này! Anh Liêm chạy theo hét to: Nhảy xuống đi Bình! Cứ nhảy đi đừng sợ!
            Một lần nữa tôi nhùn người định nhảy xuống thì chiếc xe bỗng giật mạnh rồi phóng nhanh hơn trước. Đường sóc, xe chạy nhanh, nghiêng bên này, đảo bên kia làm tôi đứng chẳng vững, tôi chỉ còn biết lấy tay bám vào thành xe mà chẳng còn tâm trí nghĩ đến việc nhảy xuống nữa! Đii một đoạn khá xa bỗng chiếc xe chậm lại rồi dừng, tôi vội vàng nhảy xuống rồi chạy một mạch về phía xa để tìm anh Liêm. Lúc đó tôi nghĩ rằng mình mới bám vào xe có một lúc chắc là anh Liêm cũng chỉ quanh quẩn phía trước thôi mà không biết với tốc độ của một chiếc ô-tô chỉ cần mươi phút là có thể  chạy cả mấy ki-mét rồi!
            Chạy mệt, rồi lại đi, rồi lại lại chạy, tôi vẫn chẳng thấy bóng anh Liêm đâu! Lúc này tôi bắt đầu thấy sợ! Vừa mệt, vừa lo, vừa sợ, mồ hôi chảy nhễ nhãi. Không tìm thấy anh Liêm, tôi bắt đầu chuyển hướng tìm đường về nhà. Và tôi bắt đầu đi tìm một địa điểm đầu làng mà tôi luôn ghi nhớ ấy là cái nhà xay xát gạo của ông Quán!
            Cứ gặp đường làng nào là tôi rẽ vào, đi một đoạn thấy lạ lầm không quen thì tôi lại quạy lại. Đi ngược trở về một đoạn khá xa mà vẫn không tìm thấy  đường làng quen thuộc, tôi bắt đầu quay lại phía trước vì nghĩ đơn giản là chiếc ô-tô chắc chưa chạy đến đầu làng mình đâu!
            Tôi cứ thế đi, cứ thế tìm những vẫn chẳng thấy hình ảnh máy xát gạo quen thuộc đâu cả. Tôi loay hoay luống cuống đi, mắt rơm rớm nước mắt. Cảm giác lo và sợ cứ dần một lớn hơn.
            Trời đã bắt đầu chuyển dần về buổi tối, những ánh nắng hoàng hôn cũng đã tắt lịm đang chuyển dần nhường chỗ cho bóng đêm sà xuống. Lúc này tôi vô cùng sợ hãi, tôi bật khóc, vừa đi vừa khóc, vừa cố gắng tìm đường về làng tôi mà vẫn chẳng thấy.
-          Này! Cháu bé! – Bỗng có một người đàn ông đi để “lờ” để “đó” ở dưới cánh đồng thấy tôi có vẻ như lạc đường thì gọi lại và hỏi -  Cháu sao mà khóc thế? Bố mẹ đâu?
-          Cháu không biết – Tôi nói trong tiếng nấc
-          Thế nhà cháu ở xã nào?
-          Xã ta! – tôi trả lời
-          Thế cháu ở đội nào? 
-          Đội ta
-          Cháu có gần nhà thờ không?
-          Có ạ!
-          Nhà thờ nào thế?
-          Nhà thờ ta!
            Thế đấy! Từ khi sinh ra cho đến lúc đó tôi chỉ nghe và biết rằng bố mẹ, các anh chị hay nói đến xã ta năm nay thế này, đội ta năm nay thế kia. Hoặc mai có lễ ở nhà .thơ ta! Và cứ thế cái tiềm thức nhà thờ ta, đội ta, xã ta hay nhà ta đã đi vào tiềm thức của tôi như một cái tên. Đôi khi tôi cũng nghe tới nói đến tên nhà thờ là Lạc Nam hay Đội tôi là đội  13, nhưng không hiểu sao lúc đó tôi chẳng nhớ được bất kể một thứ gì khác, tôi đã bị  bao trùm bởi một nỗi sợ hãi vô cùng lớn! Cũng có thể do những cái tên đội tên xã hay tên nhà thờ đạo làng tôi rất ít khi được nhắc đến nên tôi chưa kịp ghi vào bộ nhở trong não bộ, hoặc cũng có thể do tôi chẳng bao giờ rời khỏi ngôi làng nhỏ bé mà hàng ngày tôi vẫn gọi là làng ta nên cái tên riêng chẳng có giá trị với những đứa trẻ còn quá bé như tôi! Và cho đến bây giờ mỗi lần nghĩ đến hay nghe đến điều đó tôi lại mỉm cười và chẳng thể ly giải được tại sao!
-          Thôi! Nín đi, đừng khóc nữa! – người đàn ông đó dỗ dành tôi – Để chú giúp cháu đi tìm đường về nhà!
            Tôi vừa đi theo người đàn ông đó và vừa khóc sụt sịt. Tiếng khóc và tiếng nấc trong nỗi sợ hãi của một đứa trẻ mới thảm thiết làm sao!
            Người đàn ông đó đưa tôi đến trụ sở úy ban nhân dân xã trình báo, họ lại hỏi tôi và cái tên Xã ta, làng ta, nhà thờ ta lại được tôi trả lời! Với những thong tin đó thì chỉ có trời mới biết tôi ở đâu! Ngẫm nghĩ một lát có một người hỏi tôi: Thế bố cháu tên là gì?
-          Bố cháu tên Minh
-          Thế tên các anh chị trong nhà là gì?
-          Chị Lý, chị Quý, Chị Hương, chị Ngát
            Lập tức đài truyền thanh xã được mở với một bản tin ngắn gọn mà sau đó tôi được mọi người nhắc lại và tôi thuộc từng câu từng chữ cho đến tận bây giờ:
            Thông báo trẻ lạc. Ủy ban nhân dân xã Hồng Thuận thông báo: hiện có một trẻ nhỏ 4 tuổi bị lạc, đặc điểm nhận dạng da ngăm đen, cao 92 cen-ti-mét, nặng 14 cân, đầu đội mũ cói, quần đùi màu đen, áo phông vàng.con ông Minh, nhà có các chị Lý, Quý, Hương, Ngát. Gia đình nào có con nhỏ bị lạc đề nghị về ngay trụ sở ủy ban xã Hồng Thuận để nhận cháu!
            Cứ năm phút là một lần thong báo như thế, và cũng thật may mắn khi bác Tảo – anh trai mẹ tôi hôm đó sang xã Hồng Thuận chơi với người thân đã nghe được những dòng thông báo này! Thế là bác thông báo cho bố tôi đến đón tôi về! Lúc bố tôi đến tôi vẫn đang khóc và nấc. Mọi người dỗ dành, đem cơm, canh xương sườn và cả thịt – những thứ mà ở nhà có khi cả năm tôi mới được ăn dăm ba lần thôi, nhưng lúc đó tôi chỉ thấy sợ và sợ chẳng them để ý, cũng chẳng muốn ăn những thứ đó!
           
             Đưa tôi về đến nhà, tôi thấy rất đông bà con lối xóm đã đợi sẵn ở nhà, người cười, kẻ nói như nhắc nhở tôi: “Lần sau thì đừng có bám xe bám cộ nữa nhé! Làm cả nhà lộn tung hết cả lên vì tìm mày đấy!”. Người thì lại động viên bố tôi: “Tìm thấy nó là vui rồi!”
            Rồi người thì quả chuối, người quả dưa chuột, thậm chí có người còn cho cả bát canh cá cho tôi ăn. Lúc đó tôi mới hết sợ và thấy đói vô cùng, vừa đói vừa mệt. Tôi làm một mạch 3 bát cơm, mấy quả chuối rồi lăn ra ngủ lúc nào chẳng hay! Và cũng kể từ đó cái biệt danh của tôi là Lạc có từ đó!

Không có nhận xét nào: