MENU

Thứ Bảy, 30 tháng 6, 2012

Tiểu thuyết: Tuổi Thơ - Kỳ 4



Tiểu thuyết: Tuổi Thơ
Tác giả: Bình minh (Bùi Văn Thạch)

Kỳ 4: Con Míc

          Giống như rất nhiều nhà khác ở thôn quê Việt Nam, Chó luôn là con vật thân thiết với gia đình tôi. Cứ chuẩn bị bán con này thì lại nuôi con khác, vì vậy chẳng lúc nào nhà tôi lại không có chó cả. Con chó vừa là con vật nuôi để trông coi nhà cửa, vừa là con vật nuôi để đem lại chút thu nhập nho nhỏ cho gia đình. Cho đến bây giờ tôi không thể nhớ được nhà mình đã nuôi bao nhiêu con chó nhưng cho đến tận bây giờ có một điều tôi không hiểu tại sao ấy là khu đất nhà tôi chỉ thích hợp cho những con chó vàng. Cũng có mấy lần nhà tôi nuôi con chó đen hoặc trắng nhưng chẳng được bao lâu thì nó tự nhiên lăn ra chết hoặc biến mất đi đâu không bao giờ trở về. Có lẽ cũng vì thế mà tôi luôn luôn có cảm giác rất thân thiện khi gặp bất kể chú chó vàng nào dù quen hay không quen.
Đọc thêm >>
          Tuổi thơ của tôi trôi đi êm đêm bên cánh đồng xanh mướt, bên lũy tre làng cổ kính chứ không như bây giờ mỗi lần về quê tôi cố tìm cho ra một góc “bụi” tre mượt mà nhưng mỏi mắt chẳng thấy mà chỉ thấy những tường bao được xây kiên cố với lởm chởm những mảnh sành chai dán lên trên! Những chú chó ngày nào tha hồ nghịch ngợm nơi gốc tre, bụi chuối khắp làng thì giờ đây chúng chỉ quanh quẩn bên hiên nhà, hoặc là bị xích hoặc là do nhà đóng kín cổng thì chẳng có đường nào mà chạy ra ngoài được.
          Con Míc mà tôi nói tới là một con chó vàng thật đẹp, nó đẹp từ ánh mắt đến bộ lông vàng óng. Mỗi lần tôi gọi nó bằng một điệu huýt sáo quen thuộc, dù ở bất kể đâu ngoài đường hay sau nhà thậm chí bên nhà hàng xóm nếu nó nghe thấy là lập tức vụt chạy như bay về diện kiến tôi. Nó vẫy vẫy đuôi mừng cuống quýt rồi chốm lên bám lấy châm tôi, cái mũi cứ dúi dúi vào tay tôi với vẻ mừng vui khôn xiết. Mỗi khi có người lạ nó sủa rất to, tiếng sửa lanh lảnh, nhưng một điều đặc biệt là nó không bao giờ cắn người nếu như người đó không lấy hoặc cầm cái gì từ nhà ra ngoài. Không giống như các con chó khác nếu thấy người lạ vào nhà là lao ra sủa, dậm giục đòi cắn, con Míc rất hiền nó chỉ đứng giữa sân sủa rất lớn như báo hiệu có người lạ vào rồi nếu có người ra quát một tiếng là nó im ngay. Nhưng nếu như ai vào nhà mà lấy bất kể một vật gì đi ra ngoài, nếu không có người nhà ở đó nó sủa rất lớn và dậm giục đứng ngay trước đầu ngõ như thể không cho người đó ra khỏi ngõ.
          Rồi ngày tháng cứ thế trôi đi, một hôm cả nhà tôi đang ăn cơm thì một người làng bên vào nhà gặp bố tôi có việc trao đổi. Thấy người lạ vào, con Míc chạy ra giữa sân sủa mấy tiếng thì bố tôi quát, nó im re, cúp đuôi vào góc hiên nằm yên. Lúc ông khách ra về con Míc vẫn nằm yên nhìn theo người khách lạ mà không sủa một tiếng nào, ra đến đầu ngõ thấy mấy cây rau Đay tốt, ông dừng lại hái mấy ngọn về nấu canh, lập tức con chó chồm dậy rồi lao thẳng ra đầu ngõ sủa dồn dập làm ông khách giật mình hoảng sợ. Bố tôi lập tức chạy ra đe vài câu thì nó im rồi quay vào giữa sân đứng sủa.
-         Ối trời! Thấy mấy ngọn rau ngon định hái về nấu bát canh. Thế mà con chó này ghê thật, sủa dữ  thế chứ! – Ông khách vừa định thần lại sau pha “dọa nạt” của con chó.
-         Nó chỉ sủa dọa thôi chứ nó có cắn ai đâu ông – Bố tôi phân trần – Khách vào nhà nếu không lấy thứ gì trong nhà nó không bao giờ cắn sủa gì hết à!
-         Thế chứ! Hay ông bán cho tôi con chó này đi – Ông khách bắt đầu ấn tượng với con chó và gạ bố tôi bán –  Tháng sau tôi thả Ba Ba có con chó khôn cũng an tâm ông à!
-         Tôi nuôi nó cũng để coi nhà chứ bán chác gì hả ông – Bố tôi vừa cười vừa nói nghĩ rằng ông bạn hỏi chơi cho vui.
          Thế rồi ông khách ra về. Câu chuyện tưởng như đã kết thúc ở đấy, nhưng khoảng nửa tháng sau ông ta lại đến, lần này đến ông nài nỉ bố tối rất nhiều:
-         Nhà ông không nuôi Ba Ba, ông để lại cho tôi con Míc đi! Nhà ông thì không cần trông ao thì cần con chó bình thường cũng được. Để cho tôi là không phí cái khôn của con chó ông à! Tôi đổi cho ông một con chó con rất đẹp, còn lại ông đòi giá bao nhiêu tôi trả.
-         Thế con chó con nhà ông màu gì? – Bố tôi thấy ông khách nói thế thì cũng đồng tình
-         Màu vàng như con chó này. Thế ông đòi thêm bao nhiêu nữa tôi sẽ trả - Ông khách vừa nói vừa rút trong túi áo ra một tập tiền mà dường như ông đã chuẩn bị sẵn.
-         Chỗ anh em thân thiết với nhau, thấy ông cần thì tôi để lại giúp ông có con chó coi nhà cho an tâm thôi chứ tôi cũng chẳng muốn bán đâu, gọi là giúp nhau chứ lấy đắt ông làm gì, tôi lấy đúng giá mà mấy thằng mua chó nó trả thôi! Tôi lấy  ba trăm ngàn
-         Thế thì quý hóa quá! Cảm ơn ông bà – Ông khách lập tức đếm tiền giao cho bố tôi như thể sợ bố tôi đổi ý rồi quay sang phía tôi vừa nói vừa rút tờ mười ngàn đỏ chót đưa cho tôi – Cháu gọi con Míc về đây rồi bắt nó giúp bác! Đây bác cho cháu vài đồng mua sách vở!
          Tôi chần chừ không nhận thì bố tôi giục: Ơ! Bình! Bác cho thì con xin chứ! Con ra gọi con Míc về đi!
          Thú thực lúc đó tôi chẳng muốn bán con chó chút nào bởi với tôi đó là con chó rất khôn mà kể từ khi sinh ra đến khi đó nhà tôi đã có biết bao nhiêu con chó nhưng tôi chưa thấy con chó nào khôn như thế và quả thực cũng chưa có con chó nào mà tôi thấy quý nó như con Míc này. Thấy tôi chần chừ bố tôi lại giục: Bình! Đi gọi con Míc về đi để bác Tường bắt.
          Ông khách tên Tường là người làng bên, cũng là người có mối quan hệ thân thiết với bố tôi nên có lẽ cũng vì thế bố tôi mới dễ dàng bán đi con chó rất khôn với mức giá thật bình thường như vậy!
          Tôi đứng ngoài sân huýt một hồi sáo, lập tức con Míc từ phía sau nhà chạy về quấn quýt lấy tôi mừng vui. Tôi vuốt bộ lông mượt mà của nó rồi lấy vòng cổ và dây xích mà ông Tường chuẩn bị sẵn để buộc vào cổ con chó. Dường như chính con Míc cũng cảm nhận được một sự việc lạ lẫm gì đó, nó nhìn tôi chằm chằm như muốn hỏi tại sao. Bố tôi cầm theo chiếc bao tải đen đưa cho tôi rồi bảo:  “Con cho con Míc vào bao rồi túm lại. Có như thế nó mới ở nhà bác Tường mà không biết đường về nhà mình nữa!”
          Tôi cho con Míc vào bao rồi túm lại, nó bắt đầu kêu ẳng! ẳng! ẳng! và giẫy dụa liên hồi trong bao. Giờ thì nó biết tôi lừa nó, tôi cho nó vào bao để người ta đem nó đi! Tôi nhìn cái bao đựng con chó được người ta đem đi mà lòng buồn khôn tả! Một nỗi buồn miên man chẳng biết diễn tả như thế nào. Tao xin lỗi mày nhé Míc ơi!
          Bữa cơm chiều đó cả nhà tôi ai cũng ăn ít hơn, tôi biết mọi người cũng như tôi có cảm giác thiếu thiếu một cái gì đó, rất trống vắng mà không phải lúc nào cũng có thể hiểu được tại sao! Rồi một ngày, một tuần cũng qua đi, cái cảm giác về việc thiếu đi con Míc cũng dần qua, nhà tôi lại chăm sóc con Míc con mới và nó cũng thật đáng yêu, nghịch ngợm!
          Một hôm tôi đang chăn trâu ở cánh đồng làng bên, vừa ngồi trên lưng trâu vừa huýt sáo rất vô tư hồn nhiên. Bỗng tôi nhìn thấy phía xa một con chó vàng đang chạy lại phía tôi. Míc! Míc! – tôi vừa nhảy xuống khỏi lưng trâu vừa reo lên!
          Con Míc gặp lại tôi thì cuống quýt mừng vui. Có lẽ nó đã quen với ngôi nhà mới nên bác Tường đã không xích nữa mà thả ra để nó được tự do chạy nhảy. Và trong lúc chạy nhảy chơi đùa ngoài cánh đồng nó đã nhận ra tiếng huýt sáo quen thuộc của tôi. Cả buổi đó con Míc cứ quanh quẩn đi theo tôi. Buổi tối trước khi đánh trâu về nhà tôi quay lại quát: Míc! Về ngay! Không theo tao nữa!
          Con Míc đang vẫy đuôi đi theo tôi bỗng dưng đứng lại, ánh mắt nó hiện lên một nỗi buồn man mác, ánh hoàng hôn vàng vọt in bóng trong mắt nó càng làm tôi thấy một nỗi buồn vô cùng sâu thẳm trong nó. Nó đứng lại nhìn theo tôi, rồi thấy tôi không nói gì nó lại chạy theo, lần này tôi quát lớn hơn thì nó quay đầu chạy về nhà! Tôi nhìn theo nó, cứ chạy được một đoạn nó lại ngoái nhìn tôi rồi thấy tay tôi chỉ chỉ như răn đe nên nó lại lững thững chạy tiếp về phía nhà mình!
          Thế rồi sau đó hàng ngày nó đều ra ngõ nhìn ra cánh đồng, thấy tôi là nó chạy ra, có khi chỉ là ra gặp tôi, nhìn tôi, quấn quýt tôi chốc lát rồi nó chạy về, cũng có khi nó quanh quẩn bên tôi rất lâu! Nhưng lần nào cũng vậy mỗi khi tôi dắt trâu về nhà tôi đều đuổi nó về nhà nó không cho nó đi theo tôi! Nhưng không hiểu tại sao nó vẫn biết đường về nhà cũ. Cứ thi thoảng nó lại về quanh quẩn nhà tôi một lúc rồi khi tôi hoặc mẹ tôi mắng là nó lại lủi thủi chạy về nhà nó. Có thể nó nhớ, cũng có thể nó muốn về thăm chúng tôi chăng?
          Một buổi chiều mùa hè khi tôi vừa đi chăn trâu về đến nhà thì thấy con Míc ở ngoài đường chạy vào quấn quýt bên tôi. Tôi gọi nó vào nhà rồi lấy cơm cho nó ăn, nó ăn một lèo hết sạch! Ăn xong nó quanh quẩn ở sân một lát rồi đi đâu đó. Tôi cứ ngỡ nó đã về nhà! Nhưng buổi tối khi cả nhà tôi đang ăn cơm con Míc lại xuất hiện! Mẹ tôi thấy nó thì bảo: Ơ! Sao hôm nay con Míc lại về đây buổi tối thế này nhỉ? Nói rồi mẹ tôi lấy cơm cho nó ăn. Nó ăn xong mẹ tôi mắng nó mà rằng: Về nhà ngay! Quanh quẩn ở đây làm gì!
          Tôi cũng ra quát nó: Về! Về ngay!
          Con Míc lủi thủi đi ra ngõ rồi nó lững thững đi về phía đầu làng!

          Chín giờ tối, khi nhà tôi đã bắt đầu tắt đèn đi ngủ bỗng phía ngoài cổng có tiếng người gọi: Ông Bình ơi! Ông Bình Ơi!
          Mẹ tôi đi ra thì hóa ra là bác Tường gái  xuống tìm con Míc: Từ trưa đến giờ chẳng thấy nó đâu bà à! – Bác Tường gái tâm sự - Lúc trưa con Míc nó tranh ăn với một con chó con tôi mới mua! Nó cắn con chó con một cái, ông nhà tôi thấy vậy thì cầm que đuổi vụt cho con Míc mấy cái. Nó chạy trốn từ đó đến giờ chưa về, tôi nghĩ nó xuống đây nên xuống xem có không à?
-         Có! Nó có xuống – Mẹ tôi trả lời – Nhưng tôi cho nó ăn xong đuổi nó về từ lúc tám giờ  rồi mà!
-         Thế nó đi đâu được nhỉ?
          Đúng lúc đó chị tôi chơi ở nhà chú họ ngay đầu làng về, thấy vậy chị liền bảo ngay:  Lúc vừa nãy con thấy một chiếc xe máy có hai người chạy ở cầu sông giây Sáu giữa cánh đồng đầu làng mình ấy, con thấy nó phóng nhanh lắm, rồi có tiếng chó kêu ẳng! ẳng! hai tiếng rồi im bặt mà! Có khi nào nó bị bọn trộm chó câu rồi không?
          Mọi người lập tức cầm đèn pin ra địa điểm chị tôi kể để xem xét. Một vệt máu dài còn chưa kịp khô hẳn vẫn còn hằn trên đoạn đường dài đến vài trăm mét rồi mất dấu. Thi thoảng vẫn có chỗ còn lại vài túm lông vàng óng dính vào vết máu đang dần khô!
          Thế là đã rõ! Trong tôi lúc đó và cho đến tận bây giờ mỗi lần nhớ đến cảnh đó đều bang khuâng một nỗi buồn lẫn lộn khôn tả! Míc ơi!

Không có nhận xét nào: