MENU

Chủ Nhật, 18 tháng 11, 2012

CHUYÊN ĐỀ TÌM HIỂU MỘT SỐ ĐIỀU VỀ ĐẠO CÔNG GIÁO Ở VIỆT NAM - PHẦN I


CHUYÊN ĐỀ TÌM HIỂU MỘT SỐ ĐIỀU
VỀ ĐẠO CÔNG GIÁO Ở VIỆT NAM

Tác giả: BÌNH MINH (Bùi Văn Thạch)


CHƯƠNG I
KIẾN GIẢI MỘT SỐ ĐIỀU VỀ KI-TÔ GIÁO


            Ki-tô giáo lấy bộ kinh thánh Cựu ước và Tân ước làm bộ sách thánh của mình. Một điều đắc biệt mà hôm nay ai cũng biết ấy là Kinh thánh Ki-tô giáo chính là bộ sách bán chạy nhất thế giới mọi thời đại. Có điều đó một phần cũng do người theo đạo Chúa Trời đứng hàng thứ 1 thế giới về số đông nhưng cũng một điều nữa là những vấn đề mà cuốn sách ấy đưa ra có sức hấp dẫn riêng của nó mà không phải chỉ những tín hữu mới mua mà rất nhiều người chẳng theo tín ngưỡng Ki-tô vẫn mua để tìm hiểu, luận giải nhiều điều của riêng họ.
            Nhiều người nói rằng “Cựu ước” nên đổi tên thành Giao ước thứ nhất, còn “Tân ước” nên đổi thành Giao ước thứ hai, tôi không phủ nhậ những suy luận logic của họ bởi điều đó cũng có phần đúng. Thực chất Cựu ước hiểu theo nguyên nghĩa của nó tức là Giao ước cũ (Cựu: cũ; Ước: Giao ước, hẹn ước), và Tân ước tức là Giao ước mới (Tân: mới; Ước: Giao ước, hẹn ước). Đạo Công giáo lấy cả Cựu ước và Tân ước làm hai bộ sách thánh và gọi là Kinh thánh trọn bộ. Theo một góc nhìn nào đó thì rõ ràng nếu có giao ước mới thì sẽ thay thế giao ước cũ là lẽ đương nhiên, tuy nhiên vấn đề ở đây chính là việc phát sinh giao ước mới lại dựa trên nền tảng giao ước cũ chính vì thế mà dù cho có gọi là giao ước thứ nhất, thứ hai hay là giao ước cũ mới thì chúng ta đều phải hiểu rằng hai cuốn giao ước lại thống nhất trong một vấn đề và phục vụ một vấn đề ấy chính là loan truyền về đấng cứu thế.
            Có thể nói nếu chúng ta chú tâm một chút chúng ta sẽ hiểu rằng Cựu ước là cuốn sách mà ở đó đức Giê-hô-va hay là Thiên chúa của Áp-ra-ham, của I-sa-ác… đã sáng tạo nên thế giới và loài người rồi ban cho họ những đặc ân được sống hạnh phúc ấm no trong vườn địa đàng. Nhưng con người vốn dĩ mang nhục thể thế gian chịu sự cám dỗ của con rắn xảo quyệt và Eva – Adam đã ăn trái cây đức chúa cấm để rồi mang vào mình tội lỗi gọi là tội tổ tong truyền cho muôn đời con cháu. Đó chính là nguồn cơn ban đầu để có một giao ước mang tính lịch sử chính là Đức chúa sẽ sai một đấng cứu tinh đến để cứu rỗi loài người khỏi tội lỗi. Xuyên suốt kinh thánh cựu ước chúng ta sẽ thấy đó là điều quan trọng nhất, còn các giao ước khác với các tổ phụ dân Ít-ra-en thì chỉ mang tính thời đại và mang tính giáo huấn cho những con dân Ít-ra-en mà thôi. Xin ví dụ như trong cựu ước có quy định rõ nếu con người phạm tỗi có thể giết một con Chiên, con Bê… để làm lễ tế và được tha tội. Nhưng tội tổ truyền thì vẫn chẳng được tha. Vậy nên phải cần đến một hy lễ đặc biệt để có thể được thiên chúa tha thứ trọng tội này? Hy lễ đó chỉ có thể được thiết lập khi Giê-Su( còn gọi là đấng Mết-si-a hay là đức Ki-tô) – chính là con chúa Trời là Ngôi lời nhập thể là Ngôi hai thiên chúa xuống thế và lập ra.
            Trong cuốn Cựu ước có rất nhiều sách như Sáng thế, Xuất hành, Lê-vi, Đệ nhị luật, Các vua…mô tả lịch sử của loài người từ khi thiên chúa sáng tạo thế giới muôn vật và loài người đến trước thời Giê-su sinh ra, chủ yếu viết về lịch sử phát triển vận động của người It-ra-en. Khi tìm nói về cuốn Cựu ước tôi có thể nói rằng đây thực chất là một cuốn sách mang tính sử thi, thần thoại (mà nó vốn dĩ là thần thoại bởi nó là cuốn sách của đạo Do thái giáo) đã diễn tả một cách hào hùng và hung tráng những bước thăng trầm có nước mắt bi ai, có chiến thắng lẫy lừng của một dân tộc “được chúa chọn”.
            Tuy nhiên chính trong cuốn sách này đã truyền tải nhiều nội dung mà cho đến ngày nay nhiều người không thể hiểu và cũng là nguyên lý để họ nói những điều trái ngược tinh thần ki-tô giáo thậm chí là xỉ nhục đạo công giáo. Ấy chính là: Tại sao đã là Thiên chúa mà lại phải sợ con người? Thiên chúa mà lại đi ghen ghét ganh tỵ với loài người rồi chia rẽ loài người ra nhiều thứ ngôn ngữ là sao? Tại sao Adam- Eva phạm tội ăn trái cấm mà lại bắt cả loài người về sau mang tội ( rõ ràng ai làm người ấy chịu chứ sao lại bawtst muôn đời sau phải gánh chịu)? ….
Đọc tiếp>>>

            Xin mời các bạn hãy đọc qua một đoạn trong chương 3 của sáng thế kí (St 3,1.4-7.11-15.21-24):
      3,3,1 Rắn là loài xảo quyệt nhất trong mọi giống vật ngoài đồng, mà Đức Chúa là Thiên Chúa đã làm ra…
      3,4 Rắn nói với người đàn bà: "Chẳng chết chóc gì đâu!
      3,5 Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác." 3,6 Người đàn bà thấy trái cây đó ăn thì ngon, trông thì đẹp mắt, và đáng quý vì làm cho mình được tinh khôn. Bà liền hái trái cây mà ăn, rồi đưa cho cả chồng đang ở đó với mình; ông cũng ăn.
      3,7 Bấy giờ mắt hai người mở ra, và họ thấy mình trần truồng: họ mới kết lá vả làm khố che thân. …
      3,11 Đức Chúa là Thiên Chúa hỏi: "Ai đã cho ngươi biết là ngươi trần truồng? Có phải ngươi đã ăn trái cây mà Ta đã cấm ngươi ăn không?" 3,12 Con người thưa: "Người đàn bà Ngài cho ở với con, đã cho con trái cây ấy, nên con ăn."
      3,13… Người đàn bà thưa: "Con rắn đã lừa dối con, nên con ăn."
      3,14 Đức Chúa là Thiên Chúa phán với con rắn:…
      3,15 Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó."
……
       3,21 Đức chúa là Thiên Chúa làm cho con người và vợ con người những chiếc áo bằng da và mặc cho họ.22 ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa nói: "Này con người đã trở thành như một kẻ trong chúng ta, biết điều thiện điều ác. Bây giờ, đừng để nó giơ tay hái cả trái cây trường sinh mà ăn và được sống mãi."23 ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa đuổi con người ra khỏi vườn Ê-đen để cày cấy đất đai, từ đó con người đã được lấy ra.24 Người trục xuất con người, và ở phía đông vườn Ê-đen, Người đặt các thần hộ giá với lưỡi gươm sáng loé, để canh giữ đường đến cây trường sinh.
Còn đây là đoạn nói về thiên chúa chia rẽ ngôn ngữ (St 11,1-8):

1 Thuở ấy, mọi người đều nói một thứ tiếng và dùng những từ như nhau.2 Trong khi di chuyển ở phía đông, họ tìm thấy một đồng bằng ở đất Sin-a và định cư tại đó.3 Họ bảo nhau: "Nào! Ta đúc gạch và lấy lửa mà nung! " Họ dùng gạch thay vì đá và lấy nhựa đen làm hồ.4 Họ nói: "Nào! Ta hãy xây cho mình một thành phố và một tháp có đỉnh cao chọc trời. Ta phải làm cho danh ta lẫy lừng, để khỏi bị phân tán trên khắp mặt đất."
5 ĐỨC CHÚA xuống xem thành và tháp con cái loài người đang xây.6 ĐỨC CHÚA phán: "Đây, tất cả chúng nó họp thành một dân, nói một thứ tiếng. Chúng mới khởi công mà đã như thế thì từ nay, chẳng có gì chúng định làm mà không làm được.7 Nào! Ta xuống và làm cho tiếng nói của chúng phải xáo trộn, khiến chúng không ai hiểu ai nữa."8 Thế là ĐỨC CHÚA phân tán họ từ chỗ đó ra khắp nơi trên mặt đất, và họ phải thôi không xây thành phố nữa.9 Bởi vậy, người ta đặt tên cho thành ấy là Ba-ben, vì tại đó, ĐỨC CHÚA đã làm xáo trộn tiếng nói của mọi người trên mặt đất, và cũng từ chỗ đó, ĐỨC CHÚA đã phân tán họ ra khắp nơi trên mặt đất.
            (….)
           
            Và còn nhiều điều khác nữa mà đâu đó rất nhiều người vin cớ vào đó để phản biện lại chân lý công giáo mà không phải ai cũng có thể hiểu kín kẽ vấn đề. Lần đầu tiên khi tôi tìm hiểu kinh thánh cựu ước tôi cũng có cảm giác sao cựu ước nhiều đoạn rất nghịch lý đến vậy. Rõ ràng đó là một vấn đề mà đa phần nhiều giáo dân công giáo chúng ta chẳng thể giải thích được và thậm chí cũng chẳng bao giờ đọc đến hoặc biết chi tiết về điều đó mà chỉ hiểu qua loa. Tại hội thảo những người công giáo tại Zhongli- Taoyan tôi đã hỏi rất nhiều người hầu như họ chỉ nói đại khái chứ khi mở sách thánh ra để đọc họ đều thể hiện sự ngạc nhiên vì những gì họ đọc được.
            Vấn đề ở đây chúng ta cần hiểu chính là việc Thiên chúa sáng tạo con người vì cớ gì? Có hiểu được điều này chúng ta mới lí giải được các vấn đề khác.
            Thật vậy thiên Chúa tuyệt đối không có lợi gì mà phải tạo dựng con người và mong muốn cho con người sống tốt  lành để được hạnh phúc .Ngài tạo dựng và mong muốn như vậy chỉ vì lợi ích của chính con người  và vì muốn chia sẻ đời sống  và hạnh phúc vĩnh cửu của Ngài cho con cái loài người mà thôi.Chúng ta phải tin chắc như vậy để không bao giờ  lầm tưởng rằng Thiên Chúa được lợi lộc gì  mà phải tạo dựng cũng như mong muốn cho con người sống theo đường lối của Người. Nhưng vì Thiên Chúa chỉ ban riêng cho con người hai quà tăng quí giá là lý trí và ý muốn tự do ( Free will) nên vấn đề thưởng phạt chỉ đặt ra cho con người mà thôi.Nghĩa là Thiên Chúa không phán đoán một tạo vật nào khác mà chỉ phán đoán riêng con người , vì con người có trí hiểu để nhận biết sự lành, sự  dữ, sự xấu, và nhất là có tự do để chọn lựa giữa sự lành, sự thiện hảo hay sự dữ, điều gian ác khi sống trên trần thế này. Thiên Chúa hoàn toàn tôn trọng tự do của con người.  Nghĩa là Ngài không áp đặt và bắt buộc con người phải sống theo ý Ngài . Vì thế,  mới  có  vấn đề thưởng  phạt  con người  về những việc mình làm khi sống trên đời này ... Và đó  cũng là lý do tại sao Giê-su đã đến trong trần gian để đền tội cho nhân loại qua khổ hình thập giá, vì Thiên Chúa còn yêu thương con người, mặc dù con người đã phạm tội , tự tách mình ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa. Tuy nhiên , đôi khi  Thiên Chúa đã bất đắc dĩ  phải  sửa phạt  con cái loài người như ta thấy trong suốt lịch sử sáng tạo và cứu độ.
            Còn về di truyền tội tổ tông thì có thể hiểu Di truyền là tiếp nhận từ tổ tiên và không cưỡng lại được, còn tội là hành vi cá nhân, có thể chống cưỡng. Và như thế, nếu là di truyền thì không có tội, và nếu là tội thì không do di truyền.Thực ra, chúng ta chỉ có thể hiểu được tội di truyền trong sự liên đới tập thể. Một khi sợi dây liên đới bị nhiễm trùng thì không ai thoát khỏi vết viêm nhiễm ấy. Dù trẻ em vô tội nhưng cũng bị ràng buộc với người lớn, và tội mang tính tập thể là như vậy.
            Và chúng ta cũng có thể hiểu rằng tội tổ tông ở đây giống như loại gien di truyền mà ngày nay khoa học đã chứng minh.
            Sự kiện trừng phạt về ngôn ngữ cũng vậy, khởi nguyên con người cũng có chung một ngôn ngữ nhưng chính con người đã đi chệch hướng Thiên chúa, đoàn kết lại làm những công trình nhưng lại để tôn vinh chính mình chứ không phải là tôn vinh thiên chúa. Mà với đức chúa chí tôn thì con người phải biết kính nể sợ phục tôn vinh người chứ không phải là tôn vinh bản thân mình mà bỏ qua đấng sáng tạo. Sự trừng phạt ở đây mang tính chia cắt tách ly nhằm điều hướng cho loài người biết đâu là phận sự của bản thân và đâu là phận sự với thiên chúa và cũng là nhằm tránh cho con người những tội lỗi lớn hơn khi họ càng ngày càng trở nên ngộ nhận về bản thân mình. Và sự chia tách như vậy đã làm diệt trừ những lỗi phạm sẽ xảy ra cho con người từ trong trứng nước bởi thiên chúa vốn thưởng phạt phân minh.
            Chúng ta có thể thấy với những người  mà Thiên Chúa  đã tạo dựng trong thời Cựu Ước, Ngài  đã đánh phạt họ vì những tội lớn lao họ đã phạm , sự dữ họ đã làm mà không biết ăn năn sám hối  để xin tha thứ, nên trước hết Thiên Chúa đã hủy diệt toàn bộ loài người trên mặt đất với  hình phạt “ Đại Hồng Thủy” trừ gia đình ông Nô-E và những sinh vật ông đem lên tầu trước khi mưa tuôn đổ xuống, cuốn  đi mọi loài mọi vật bên ngoài con tầu của ông  vào lòng đại dương. ( x St 6 & 7)
            Tiếp theo là hình phạt Thiên Chúa giáng xuống hai thành Xô-đôm và Gô-mô-ra, vì ông Ap-ra-ham đã không tìm được một người lành nào trong các thành đó để xin Thiên Chúa nguôn cơn thinh nộ tha trừng phạt dân tội lỗi sống trong hai thành này..Cho nên,   cuối cùngThiên  Chúa đã cho lửa và diêm sinh từ trời xuống thiêu rụi tất cà người và mọi sinh vật sống trong hai thành đó,  trừ gia đình ông Lót,  cháu ông Ap-ra ham,   đã ra khỏi thành . Riêng vợ  ông Lot đã biến thành cột  muối vì đã “ ngoái cổ lại đằng sau” (  cf St. 19).
            Nhưng nếu con người  làm sự dữ, sự tội mà biết ăn năn thống  hối , xin Chúa tha thứ, thì Người lại thứ tha như trường hợp dân thành Ni-ni-vê đã bị Thiên Chúa toan hủy diệt vì tội lỗi của họ. ,Nhưng vì họ đã  nghe lời Chúa cảnh cáo họ qua ngôn sứ Giô-na, nên Chúa đã tha không trừng phạt.
            Như thế đủ cho thấy là Thiên Chúa nhân từ và đầy lòng thương xót . Nhưng nếu con người ngoan cố, cứ bỏ ngoài tai tiếng nói của lương tâm phản ảnh tiếng nói của Thiên Chúa  trong tâm hồn của mỗi người  để ngày một lún  sâu vào con đường tội lỗi, gian ác , ô uế, thì  chắc chắn Chũa sẽ không thể dung tha được. Và hình phạt là hậu quả tất nhiên của tội lỗi mà có lí giải cách nào chúng ta cũng phải thừa nhận chỉ khi con người đi giáo huấn của chúa thì mới bị trừng phạt. Còn đôi khi sự trừng phạt của Thiên chúa sẽ vượt xa tầm nghĩ của loài người.
            Có thể nói thời Cựu ước con người phải sống theo lề luật tôn giáo, mọi việc đều theo sự “phải làm” và “cấm không được làm” còn tới  thời Tân ước loài người đến với Đức Chúa Trời một cách trực tiếp, bởi trái tim mỗi tín hữu là một đền thờ, mình tuơng giao với Chúa qua Đức Thánh Linh ngự trị trong lòng.., tín hữu sống bằng ân điển và niềm tin: Ân điển là ơn của Chúa: sức mạnh tình thương và sự khôn ngoan Chúa  ban, Niềm tin là tin chắc những điều mình sắp làm sẽ đẹp lòng Chúa, vẻ vang danh Chúa và có Chúa trợ giúp.
            Thời Cựu ước thì hầu việc Chúa trong sự sợ hãi, sau này thời Tân Ước thì hầu việc Chúa trong tấm lòng yêu mến và biết ơn.
            Vậy Tân ước hay bản giao ước mới do Giê-su lập ra có những điểm gì?
            Tân Ước cho chúng ta biết cuộc đời và công việc của Chúa Giê-su trên trần gian cách đây 2000 năm, về sự hi sinh và sự sống lại của Chúa, về sự thiết lập và tăng trưởng của Hội thánh, bắt đầu từ các môn đệ của Chúa sau lan đến các vùng và nước ngoại bang, các dân tộc, ngôn ngữ. Đạo Chúa tách được tách ra khỏi Do-thái giáo. Thay thế một hệ thống tôn giáo và lề luật phức tạp thời Cựu ước, Giê-su chỉ đưa hai điều răn như sau: “Hãy hết tấm lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức lực mà yêu mến Đức Chúa Trời người. Và hãy yêu thương người đồng loại như chính bản thân mình.”
            Nói tóm lại đạo Chúa được xây dựng trên hai điểm: Kính yêu Chúa, mến thương người.
            Một điều đặc biệt là trong Cựu ước có nhiều lời tiên tri về lịch sử dân Israel, các dân tộc phụ cận và thế giới. Sự ứng nghiệm của các tiên tri được lịch sử kiểm chứng ngay trước Công Nguyên. Tiên tri được ghi chép lại và được ứng nghiệm khiến chúng ta có thể tin cậy Kinh Thánh. Và còn vô cùng đặc biệt là trong Cựu ước có khoảng 300 tiên tri về một Đấng sẽ đến để cứu nhân loại. Những tiên tri ấy chỉ được ứng nghiệm trong Tân ước: Chúa Giê-su xuống trần gian, giảng dạy về Đức Chúa Trời với ngôn ngữ mà loài người hiểu được, sống cuộc đời vô tội làm gương cho chúng ta noi theo, làm phép lạ chứng tỏ Chúa là Thiên Thần trong thân xác người phàm, mà phép lạ lớn nhất là sống dậy từ cái chết. Sau đây là một ví dụ về tiên tri. Trong Cựu Ước sách Êsai chương 7 câu 14, viết khoảng 700 năm trước công nguyên: “Này một trinh nữ sẽ mang thai, sinh hạ con trai và đặt tên là Em-ma-nu-en” . Trong Tân Ước: Sau đây là sự giáng sinh của Chúa Cứu thế Giê-su: “Cô-Ma-ri đã đính hôn với Giô-sép, nhưng khi còn là trinh nữ, nàng đã chịu thai do Thánh Linh...” Sách Ma-thi-ơ chương 1 câu 18. Danh Em-ma-nu-en có nghĩa là “Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta, ở trong vòng loài người”. Đây cũng là một danh hiệu của Chúa Giê-su sau này.        
Có người nói Giê-su do hiểu biết được các tiên tri nên đã điều khiển cuộc sống mình đúng như một số lời tiên tri, Ví dụ trong Tân Ước, sách Lu-ca chương 4 câu 16 đến 21: “Đức Chúa Jêsus đến thành Na-xa-rét, là nơi dưỡng dục Ngài. Theo thói quen, nhằm ngày Sa-bát, Ngài vào nhà hội, đứng dậy và đọc. Có người trao sách tiên tri Ê-sai cho Ngài, Ngài dở ra, gặp chỗ có chép rằng:  Thần của Chúa ngự trên ta: Vì Ngài đã xức dầu cho ta đặng truyền Tin Lành cho kẻ nghèo; Ngài đã sai ta để rao cho kẻ bị cầm được tha, Kẻ mù được sáng, Kẻ bị hà hiếp được tự do; Và để đồn ra năm lành của Chúa. Đoạn, Ngài xếp sách, trả lại cho kẻ giúp việc, rồi ngồi xuống; mọi người trong nhà hội đều chăm chỉ ngó Ngài. Ngài bèn phán rằng: Hôm nay đã được ứng nghiệm lời Kinh Thánh mà các ngươi mới vừa nghe đó.  Sau đó Chúa đi giảng đạo và chữa bệnh, làm phép lạ...”. Ngày nay chúng ta có thể chứng kiến nhiều điều lạ lung có thể gọi là phép lạ được làm nên bởi người phàm tục có học, các ảo thuật gia,… nhưng ai có thể dự định cho mình sinh ra  thời điểm nào,  địa điểm nào, mẹ là ai đúng như lời tiên tri trong Cựu ước - Điều này đã được kiểm chứng trong kỳ kiểm kê dân số của hoàng đế La Mã Augustus. Rồi về cái chết. Người ta có thể lên kế hoạch tự vẫn nhưng không ai có thể lên kế hoạch cho kẻ phản bội và kẻ sát nhân mình. Chuyện Giu-đa bán Chúa lấy 30 đồng bạc được tiên tri, chuyện tổng trấn Pi-lát đóng Chúa trên cây gỗ được tiên tri, chuyện những tên lính chia nhau cái áo choàng tầm thường của Chúa, bằng cách bắt thăm thay vì xé nhỏ từng mảng cũng được tiên tri. Chuyện Chúa không bị họ đập gẫy xương ống chân như những tên tử tội bị đóng đinh bên cạnh cũng được tiên tri v.v... Và cuối cùng có ai lên kế hoạch bước ra khỏi mồ mả sau khi bị chôn ba ngày ... Không những các môn đồ được chứng kiến chuyện ấy, nhưng có trên 500 người được chứng kiến trong vòng bốn mươi ngày. Điều kỳ diệu này cũng được tiên tri trong Cựu Ứớc và ứng nghiệm trong Tân Ước trên Chúa Giê-su. Điều ấy chứng minh Giê-su không phải là người phàm, chỉ là một thầy giáo... mà là một Đấng từ Trời và Tân Ước, mặc dầu do các môn đồ của Chúa ghi lại, hoàn toàn được Đức Chúa Trời chấp nhận.
Tuy nhiên chúng ta cần hiểu việc Giê-su đến thế gian này lập ra giao ước mới. Vậy đó là những giao ước gi? Và Giê-su cứu độ nhưng cứu độ cái gì?
Câu hỏi tưởng như đơn giản nhưng thực chất có rất nhiều người công giáo lại chẳng thể nói cho rõ ràng tường tận chỉ biết Chúa Giê-su đến cứu độ loài người. Nhưng Việc ông Giê-su đến rồi rao giảng rồi chết thì có liên quan gì đến cứu độ người khác đâu. Ông ấy chết đi, thậm chí là sống lại thì là cho ông ấy chứ cho gì nhân loại và xóa tội tổ tong truyền?
Việc Giê-su giáng sinh như lời tiên báo rồi chấp nhận sống cuộc sống khó nghèo nơi trần thế, chịu mọi khổ cực cực hình trong cuộc sống để cho loài người biết rằng thiên chúa thấu hiểu mọi nỗi đau cùng cực của con người thậm chí là cái chết – vốn là cái đáng sợ nhất với loài người mọi thời đại thì thiên chúa cũng trải qua cùng loài người.
Giê-su chịu phép rửa trong nước từ sông Gio-đan do Gio-an làm phép để cho thấy người cũng hoàn thiện công việc của người tín hữu. Chúng ta thấy có sự khác nhau giữa phép rửa của Gioan và của Giêsu thiết lập sau này. Phép rửa của Gioan chỉ là dấu hiệu của sự ăn năn sám hối. Người Do thái đến cho Gioan làm phép rửa là để được ăn năn các tội mình để được ơn tha thứ. Còn Giêsu Kitô, con người vô tội,  không thể lãnh nhận Phép rửa với hướng đó. Vậy Ngài đến xin rửa không phải là cho mình, mà là cho người khác, vì người khác. Ngài chịu phép rửa là nói lên, từ nay, Ngài chung số phận với người tội lỗi và đó là tất cả ý nghĩa đời Ngài và cuộc đời này chỉ hoàn tất với phép rửa cuối cùng, của sự chết (Mc 10,38 ; Lc 12,50) vì chết là cùng chung số phận của con người tội lỗi, con người bị sa ngã, và là số phận bi đát nhất. Phép rửa của Chúa Giêsu là phép rửa “tái sinh”. Nó ban cho mọi người một đời sống toàn vẹn. Giải thích về đời sống mới này, thánh Phaolô đã viết cho các Kitô hữu vừa mới được rửa tội như sau :”Khi được rửa tội là anh em được mai táng với Đức Kitô, và trong phép rửa tội, anh em cũng được sống lại với Đức Kitô. Anh em đã bị chết về mặt tâm linh nhưng giờ đây Thiên Chúa đã mang anh em đến nguồn sống cùng với Đức Kitô”(Cl 2,12-13).
Như vậy có thể nói phép rửa hay bí tích rửa tội ngày nay chính là dấu chỉ do chính Giê-su kiện toàn theo giao ước mới là rửa nước và chúa thánh thần và làm cho con người nên sạch mọi tội lỗi kể cả tội tổ tông truyền.         Khi chúng ta lãnh nhận phép rửa tội, Chúa Giêsu cũng muốn chúng ta tham dự vào mầu nhiệm sự chết và sống lại của Ngài. Chúng ta vào đời khi được sinh ra và vào đạo của Thiên Chúa khi được rửa tội. Trong nghi thức rửa tội chúng ta được dìm trong nước hoặc đổ nước trên đầu để chỉ việc tẩy rửa khỏi tội tổ tông và mọi tội riêng, được tái sinh làm con cái của Chúa và gia nhập vào Giáo hội. Vì thế, Giáo hội coi bí tích rửa tội như một cuộc tái sinh, người được rửa tội trở thành một con người mới. Họ thấy đâu là ơn gọi và định mệnh của con người, đâu là ý nghĩa của cuộc đời.
            Khi Giê-su ra giảng ngài đã thiết lập nên một tư duy mới, một tinh thần thờ phượng mới. Ngài cho con người ngày hôm nay những chân lý sống đạo và thực hành đạo một cách sinh động nhất. Không còn quá nhiều sự rườm rà, phiền hà như thời cựu ước mà đã được kiện toàn trong một sự hoàn thiện giáo lý và chân lý Ki-Tô như chính lời người phán trong bài giảng trên núi với các môn đệ “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ  Luật Mô-sê hoặc lời các Ngôn sứ. Thầy đến khôn g phải để bãi bỏ nhưng là để kiện toàn” (Mt 5, 17). Mến chúa – Yêu người đã thực sự trở thành kim chỉ nam cho kinh thánh Tân ước và cho Giáo hội công giáo hôm nay.  Tuy nhiên đỉnh cao của giao ước mới cứu độ loài người ấy chính là sự chết của một con chiên vâng lời chúa cha đến chết và chết trên thập giá.
            Nhiều người hiểu đơn giản chúa chết để cứu độ loài người. Nhưng vì sao Giê-su bị người ta bắt và giết?
            Giêsu đã bị nhóm Pha-ri-sêu và phe Hê-rô-đê cùng với các Tư tế và kinh sư  liên kết với nhau để hại Ngài (x. Mc 3, 6). Dưới con mắt của họ, Giêsu là người có tội vì:
-  Đã chống lại luật Mô-sê (x. Mc 3, 1-6)
- Coi thường đền thờ Giê-ru-sa-lem, trung tâm đời sống phụng tự của dân Do Thái (x. Ga 2, 19).
- Phạm thượng dám cả gan coi mình ngang hàng với Thiên Chúa, (x. Ga 8, 59).
- Giê-su xưng mình là vua dân Do thái
Đó là những trọng tội thuộc lãnh vực tôn giáo, mà theo  Luật Mô-sê, phải bị xử tử  (x. Ga 8, 59; Lv 24, 16).
          Thực ra, với ba lý do đầu người Do Thái có thể bỏ qua tội phạm thượng vì đã có lần, người ta cho Ngài là kẻ quẫn trí, nói nhảm (Mc 3,20-21; Ga 10,19-21). Philatô đã có thể tha bổng Đức Giêsu vì ông biết rõ Giêsu vô tội, chỉ vì ghen tỵ mà người Do Thái đã nộp Ngài (Mc 15,8-11); song Philatô lo sợ quần chúng nổi loạn nên đã ra lệnh đóng đinh Đức Giêsu trên thập giá (Mt 27,19-26).
          Nhưng lịch sử lúc đó là dân Do thái đang sống trong một đất nước bị đô hộ, người Do Thái tuân phục chính quyền Rôma một cách miễn cưỡng, vì thế họ dành sự kính trọng cho giới lãnh đạo tôn giáo Do Thái. Đó là lý do tại sao quần chúng Do Thái trước kia có cảm tình với Chúa Giêsu (Mt 21,1-11), bây giờ lại ngả theo giới thượng tế đòi đóng đinh Đức Giêsu (Mt 27,20-25). Và còn một điều nữa là nếu không đóng đinh đức Giê-su thì người Rô-ma sẽ đến và họ sẽ hủy diệt cả thành này.

Đức Giêsu xuất hiện như một bậc thầy thông thạo về đạo lý, lại làm được những việc lạ lùng (Mt 6,17-19), nên đã thu hút được quần chúng tin theo (Mt 7,16-17). Giới lãnh đạo Do Thái giáo ghen tỵ và tìm cách loại trừ (Ga 11,45-57).
          Tuy nhiên, chúng ta không thể quy trách nhiệm sát hại Đức Giêsu cho dân Do Thái vì chính Chúa đã đến và sẵn sang chết vì tội lỗi của mọi người chúng ta (1Cr 15,3), và đó là ý định nhiệm mầu của Thiên Chúa. Ý định đó nằm trong một chuỗi logic nhằm chứng minh một mầu nhiệm cao siêu mà chỉ có thiên chúa mới làm được đó là chiến thắng cái chết còn gọi là sự phục sinh đem lại một niềm tin và hy vọng cho nhân loại bởi những luận cứ sau đây:
          1. Tin Mừng Phục Sinh khởi đi từ con đường thập giá :
          Tội lỗi đã vô hiệu hoá mọi khả năng sống đời đời và sống hạnh phúc của con người bằng cái chết vĩnh viễn. Chúa Giêsu đã chiến thắng tội lỗi và sự chết, chiến thắng của Ngài không còn là của riêng Ngài nữa, mà là gia tài của toàn thể nhân loại, của những ai là đồng loại với Ngài. Không thể có sự sống lại mà trước đó không đi vào cái chết. Cái chết vẫn cứ đến với mỗi người, song con người sẽ không bị quăng vào cõi tiêu diệt đời đời, nhưng như hạt lúa gieo vào lòng đất phải thối nát đi mới đâm mầm nảy mộng, mới hy vọng có ngày trổ sinh nhiều bông hạt.
          2. Chúa Phục Sinh là một biến cố lịch sử và siêu việt :
          Đức Giêsu sống lại từ cõi chết là một sự kiện có thực, vừa mang tính lịch sử, vừa mang tính siêu việt dựa vào ngôi mộ trống và những lần hiện ra.
          Ngôi mộ trống tự nó không chứng minh được việc Chúa Phục Sinh, vì có thể xảy ra trường hợp đánh cắp xác đi nơi khác; lúc đầu chính các môn đệ cũng nghĩ như vậy (Ga 20,1-2). Song căn cứ vào những lần Chúa Giêsu hiện ra (Ga 20,11-29), các môn đệ đã nhận ra Thầy của mình, người mà họ đã từng gặp gỡ, ăn uống, đi lại bây giờ đã sống lại thực. Rất nhiều người không tin chuyện Chúa Phục Sinh, riêng các môn đệ thì xác tín và rao giảng đức tin Phục Sinh bất chấp mọi nguy hiểm và cả cái chết. Rõ ràng đã có một sự thay đổi lớn lao nơi các tông đồ là những chứng nhân trực tiếp, và vẫn còn tác động trên các tín hữu mọi thời mọi nơi (1Cr 15,1-11).
          3. Chúa Phục Sinh mang lại Tin Mừng cho nhân loại
          Nếu không có sự sống lại thì cuộc đời này thật phi lý, vì cái chết sẽ cào bằng tất cả, kẻ gian ác cũng như người lành thánh. Nếu Đức Giêsu không sống lại từ cõi chết thì dù cái chết ấy có mang một ý nghĩa cao đẹp mấy đi nữa, cũng không có giá trị cứu độ con người (1Cr 15,14). Đã là người thì ai cũng phải chết, nhưng đã có một người trong số con cái loài người, sống lại từ cõi chết; điều đó lại chẳng làm cho chúng ta nuôi hy vọng hay sao ? Vì thế, việc Chúa Giêsu Phục Sinh từ cõi chết là một đại Tin Mừng mang hy vọng rực rỡ nhất (1Cr 15,16-24).
          4. Tin Mừng Phục Sinh sẽ hoàn tất vào ngày cánh chung :
          Chúa Kitô Phục Sinh sẽ chỉ trở lại trần gian này một lần nữa vào ngày tận cùng của thế giới này ‘để phán xét kẻ sống và kẻ chết’ (Quang Lâm). Thực ra Thiên Chúa muốn cho hết mọi người được hưởng hạnh phúc đời đời, và không muốn nghiêm phạt một ai. Ngài chỉ cản ngăn tội lỗi mà con người mang theo. Vì thế cần có sự thanh luyện trước khi về với Thiên Chúa là Đấng chí thánh, và ta thường gọi là ‘luyện tội’. Những ai không sống trong ân phúc của Chúa và tới giờ phút cuối cùng vẫn cố tình từ chối tình thương vô bờ của Chúa thì không thể tồn tại trong Chúa; và người ta gọi họ là những kẻ bị án phạt hoả ngục đời đời. Còn những ai được thanh luyện sẽ trở nên giống Thiên Chúa, chia sẻ sự sống và hạnh phúc của Thiên Chúa, và chúng ta quen gọi là Thiên Đàng.
          Thiên Đàng không phải là một nơi chốn mà chỉ là một tình trạng được hạnh phúc ở trong Thiên Chúa (thiên đàng). Chỉ có Thiên Chúa là tồn tại mãi mãi, nên ngoài Thiên Chúa thì chẳng còn gì nữa, mà chỉ là hư mất đời đời (hoả ngục).
          Theo niềm tin của người Công Giáo, chết là linh hồn lìa khỏi xác. Hồn bất tử vì do Thiên Chúa trực tiếp tạo dựng và phú ban cho con người khi đầu thai, song trước khi hồn trở về với Chúa phải được thanh luyện. Xác tan rã dưới lòng đất, chờ ngày tận thế sống lại kết hợp với hồn để có thể hưởng hạnh phúc đời đời.
          Từ những Luận cứ như trên chúng ta có thể hiểu được ý nghĩa của việc cứu độ mà chính đức Giê-su đã đem đến thế gian. Người đem đến thế gian một hình tượng sống động nhất về hình ảnh thiên chúa. Đem đến thế gian những giáo huấn được kiện toàn, thanh lọc những giáo huấn để cho cong người tập trung trong công việc phụng sự. Người cũng lập các phép thánh để qua đó thể hiện giao ước của thiên chúa với con người đó là phép rửa tội, bí tích giải tội và bí tích thánh thể…
          Sự việc bàn tiệc thánh với lời chúc tụng và phán truyền của chính đức Giê-su: “Các con hãy nhận lấy mà ăn. Này là Mình Thầy sẽ bị nộp vì các con… Này là máu Thầy, Máu giáo ước mới và vĩnh cửu, sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội. Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”.
            Thực chất của bí tích thánh thể chính là nghi thức của niềm tin công giáo. Người công giáo tin và chịu phép rửa; ai ăn thịt và uống máu tôi sẽ sống đời đời… là thể hiện niềm tin tuyệt đối vào chúa Giê-su chính là con thiên chúa đến thế gian để lập giao ước và ban sự sống lại cho loài người như chính người đã làm trong lịch sử. Ai không thực hiện giáo huấn của chúa và không tham gia các bí tích nhất là bí tích thánh thể tức là không tin vào đức Giê-su do vậy sẽ chẳng được ơn tha thứ, ơn sống lại để hưởng hạnh phúc đời đời như chính Người. Đó chính là ý nghĩa quan trọng nhất từ công cuộc cứu độ của đức Giê-su.
            (…….)
                                                                        Bình minh – Bùi Văn Thạch














Không có nhận xét nào: