MENU

Chủ Nhật, 25 tháng 11, 2012

Chuyên đề tìm hiểu về đạo công giáo Việt Nam- Phần II


CHƯƠNG II
Ý NGHĨA THÁNH LỄ CÔNG GIÁO VIỆT NAM

      Trong đời sống Ki-tô hữu thì cầu nguyện là một hành động thường xuyên cần làm và được giáo hội khuyến khích thực hiên. Còn việc tham dự thánh lễ là một điều bắt buộc mỗi tín hữu phải hiệp thông ít nhất một tuần một lần vào ngày chủ nhật và các ngày lễ trọng khác theo lịch. Tìm hiểu thánh lễ của người công giáo tại Việt Nam cũng mang những nét chung cơ bản của các thánh lễ công giáo trên thế giới. Tuy nhiên đôi chỗ cũng có những nét riêng để phù hợp với khuân khổ và hoàn cảnh văn hóa xã hội của Việt Nam. Dưới đây tôi xin được luận giải ý nghĩa chi tiết từng phần, từng nghi thức của thánh lễ công giáo tại Việt Nam theo nguyên tắc tôn trọng và phản ánh đúng, đầy đủ tiến trình từ đầu đến cuối của một buổi lễ. Giá trị đích thực của việc dâng thánh lễ với người Công giáo chủ yếu nằm ở hai vấn đề chính yếu sau:
1.      Việc thể hiện niềm tin tôn giáo - suy ngẫm lời chúa để củng cố thêm niềm tin tôn giáo;
2.       Tưởng niệm lại những hy lễ mà Giêsu đã truyền dậy (còn gọi là phép thánh thể) qua đó biến những bánh và rượu thành vật tế lễ mà loài người dâng lên thiên chúa để xin ơn hiệp thông và ơn tha tội ngõ hầu được an bình trong chúa.
Thánh lễ công giáo bao gồm bốn phần cơ bản là:
1. Nhập lễ (Từ đầu đến lời nguyện nhập lễ)
2. Phụng vụ Lời Chúa (Từ khi đọc bài đọc 1 đến hết lời nguyện giáo dân)
3. Phụng vụ Thánh Thể (Từ dâng lễ vật cho đến hết phần rước mình thánh chúa)
4. Kết lễ (Phần còn lại)

PHẦN I: NHẬP LỄ
            Nghi thức nhập lễ chỉ là phần khởi đầu của thánh lễ để dẫn nhập vào phần quan trọng sau đó là phụng vụ lời chúa. Cũng chính vì thế mà tùy những trường hợp dâng lễ cụ thể mà linh mục có thể cắt bớt một vài khâu ở nghi thức đầu lễ để thánh lễ diễn ra nhanh, gọn phù hợp với hoàn cảnh. Sau đây chúng ta sẽ đi tìm hiểu trình tự từng nghi thức trong phần nhập lễ trong một thánh lễ hoàn chỉnh:
            1. Hát Nhập lễ:
            Trong bất kỳ một giáo họ, giáo xứ nào cũng đều có một hội những người hát lễ gọi là ca đoàn. Việc thực hiện các bài hát ca tụng được ca đoàn phụ trách và cộng đoàn cùng với ca đoàn hòa một nhịp tạo nên một “cộng đoàn ca” trong thánh lễ. Có những nơi thì trước thánh lễ ca đoàn đã chuẩn bị sẵn tất cả các bài hát trong thánh lễ in ra giấy để ộng đoàn học trước và hát cùng ca đoàn trong thánh lễ. Tuy nhiên có nhiều nơi thì ca đoàn phụ trách hát (những bài hát theo khuân khổ quy định trong sách phụng vụ thánh lễ, hoặc những bài hát thánh ca có ý nghĩa tương tự như chủ đề thánh lễ) và khi ca đoàn hát thì cộng đoàn ai thuộc sẽ hát theo, ai không thuộc thì nghiêm trang lắng nghe và hiệp thông sốt sắng. Trong khi ca đoàn hát thì Linh mục (chủ tế) cùng đoàn lễ nghi sẽ bước ra trước bàn thờ để làm thủ tục tiến lên bàn thờ chuẩn bị dâng thánh lễ.
            Thông thường các bài hát đầu lễ sẽ thể hiện được chủ đề của ngày lễ đó là lễ mừng hay lễ phụng vụ, chủ đề của tin mừng hôm đó hướng tới vấn đề gì…. Tuy nhiên mục đích cơ bản nhất của bài hát đầu lễ là tạo nên một không khí hiệp nhất cho cộng đoàn khi tất cả mọi người cùng đứng trước bàn thờ ca vang lời ca đầu lễ, cũng là bài hát để lấp đầy khoảng thời gian trống trong lúc đoàn lễ nghi từ phòng chuẩn bị tiến ra bàn thờ chuẩn bị bắt đầu thánh lễ.
            Sau khi chủ tế đã tiến lên bàn thờ, chủ tế  sẽ tiến lại hôn bàn thờ, đoàn lễ nghĩ (những người giúp việc thánh lễ) sẽ tiến về vị trí của mình thì ca đoàn và cộng đoàn sẽ ngưng hát ca khúc nhập lễ. Nghi thức hôn bàn thờ (có những thánh lễ quan trọng còn có cả xông hương bàn thờ) nhằm thể hiện sự tôn vinh thiên chúa mà cụ thể ở đây chính là đức Giê-su vì chính ngài là trung tâm của thánh lễ, chính ngài ngự nơi bàn thờ và cũng chính ngài là bàn thờ và là vật tế lễ của bàn thờ để con người dâng lên chúa cha. Nếu có xông hương cũng nhằm tạo thêm phần long trọng, thêm sự ấm cúng trong nghi thức.
            2. Làm dấu thánh giá và lời đầu lễ
            Việc làm dấu thánh giá như một khởi đầu bắt buộc với mọi giáo dân khi cầu nguyện hoặc dâng thánh lễ. Đó là câu nhân danh thiên chúa thể hiện lên mầu nhiệm một chúa ba ngôi: “Nhân danh thiên chúa cha và chúa con và chúa thánh thần”. Việc làm dấu được đánh trên trán tới trái tim rồi hai vai và kết thúc bằng Amen tạo nên một nét vẽ hình thánh giá trên cơ thể mỗi giáo dân cũng nhắc nhở giáo dân nhớ tới cây thập giá mà chính Giê-su đã chịu chết để cứu nhân loại. Và không chỉ trong thánh lễ mà ở bất kì đâu khi làm dấu thì đó cũng là hành động đặc thù nhất để  người công giáo khẳng định cho mọi người biết họ chính là người mang niềm tin công giáo và tự hào là con cái thiên chúa.
            Câu kết Amen chính là ngôn ngữ của người Do-thái. Đạo công giáo lấy nguyên văn câu kết đó để thể hiện đúng, đầy đủ bản chất và ý nghĩa của một lời nguyện kết mà con người dâng lên thiên chúa. Có thể hiểu đại ý của từ Amen dịch từ tiếng Do-thái sang tiếng Việt có nghĩa là “vâng”, “đúng như vậy”, “ước như vậy” hoặc “tin như vậy”. Nói chung tùy ngữ cảnh của lời nguyện mà chúng ta có thể hiểu theo một chiều hướng nào đó dễ nghe và dễ hiểu nhưng tựu chung lại thì đó là câu kết khẳng định niềm tin vào những gì mà người công giáo đã tuyên xưng trước đó, hoặc xin trước đó.
Đọc tiếp>>>
            3. Phần sám hối
            Sau những phần đầu tiên, người công giáo cùng chủ tế nghiêm trang chuẩn bị tinh thần, cúi đầu sám hối, nhìn nhận lỗi lầm trước bàn thờ thiên chúa và trước cộng đoàn để ăn năn và xin chúa thương xót tha tội để mình được tham dự thánh lễ một cách thánh thiện nhất.
            Chủ tế hướng dẫm mọi người sám hối đọc hai kinh: Kinh sám hối và kinh thương xót. Trong khi đọc kinh sám hối cộng đoàn cùng chủ tế đấm ngực ăn năn ba lần khi đọc đến đoạn: “Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng”. Một điểm đáng chú ý khi đọc kinh này là có một câu nói về “và những điều sót” mà nhiều người cứ tự hỏi những điều thiếu sót là tội gì? Chúng ta có thể hiểu những điều thiếu sót này có thể coi là những tội rất nhẹ mà người công giáo dễ bỏ qua như có thể giúp người khác mà lại lờ đi không giúp, thấy người ta phạm lỗi mà mặc kệ không nhắc… Chiếu theo lời kinh thì đây chỉ là “những điều” chứ không phải “tội” như những câu trước đó: “tôi thú nhận cùng thiên chúa toàn năng và cùng anh chị em, tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói, việc làm”.
            4. Phần vinh danh
            Chủ tế tiếp tục dẫn hướng cộng đoàn sau khi đã sám hối ăn năn và cầu xin chúa tha thứ thì bước vào đọc kinh vinh danh để ngợi ca, chúc tụng vinh danh thiên chúa là chúa trời đất là đấng sáng tạo, qua đó xin người thương đoái đến cộng đoàn dân chúa, đến loài người dương thế và tha thứ lỗi lầm nhân loại. Có thể tóm gọn kinh vinh danh gồm ba ý cơ bản như sau:
  • Một là lời ca của các thiên thần trong đêm Giáng sinh: “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời…”
  • Hai là lời tôn vinh Thiên Chúa (Chúng con ca ngợi Chúa, chúng con chúc tụng Chúa…)
  • Ba là lời kêu cầu với Chúa Giê-su (Chúa xóa tội trần gian, xin thương xót chúng con…)
            5. Lời nguyện ngập lễ
            Có thể hiểu ý nghĩa của phần lời nguyện nhập lễ một cách rõ ràng qua đoạn sách sau: “Lời nguyện Nhập lễ (còn gọi là kinh Tổng nguyện) nói lên đặc tính của buổi lễ, và qua tiếng nói của Linh Mục, lời kêu xin hướng về Chúa Cha, qua Đức Ki-Tô, trong Chúa Thánh Thần” (QC 32).

PHẦN II: PHỤNG VỤ LỜI CHÚA
            Hết phần lời nguyện nhập lễ là kết thúc phần nhập lễ, giáo dân bắt đầu chuyển sang phần phụng vụ lời chúa. Quy trình này diễn ra một cách liên tục không có ngắt đoạn, đứt mạch nên để tôn trọng đúng trình tự tác giả xin tiếp tục các phần tiếp theo theo đúng trình tự trên thực tế.
            6. Bài đọc một và bài đọc hai
            Hai bài đọc thường do giáo dân thực hiện. Ban phục vụ thánh lễ sẽ chọn người đọc các bài đọc, chiếu theo lịch phụng vụ công giáo để định vị cho người thực hiện sẽ đọc ở sách nào, câu nào đến câu nào.
            Bài đọc 1: Ngoại trừ mùa phục sinh thì bài đọc 1 sẽ được giáo hội hướng dẫn đọc các bio đọc trong sách Công vụ tong đồ còn các mùa khác trong năm thì bài đọc 1 thường trích sách Cựu Ước. Bài đọc trích trong Cựu Ước kể lại những công trình của Thiên Chúa trước khi Chúa Giê-su giáng trần. Bài đọc này sẽ có ít nhiều liên quan đến bài tin mừng mà linh mục sẽ thực hiện ở phần sau.
            Kết thúc bài đọc 1 người đọc sẽ kết hợp cùng ca đoàn hoặc là trực tiếp ca đoàn sẽ hát thánh vịnh đáp ca. Phần hát thánh vịnh đáp ca cũng được giáo hội quy định rõ ràng trong sách, lịch phụng vụ và ca đoàn phải hát đúng thứ tự từng câu theo quy định đó. Những câu thánh vịnh đáp ca phải phù hợp với ý của bài đọc 1.
            Bài đọc 2: Thường đọc các trích đoạn thư thánh Phao-lô hay của một tông đồ khác. Nội dung của bài đọc 2 cũng giống bài đọc một phải nhằm một mục đích phục vụ đúng chủ đề ngày lễ và có ý hướng tới phục vụ cho bài tin mừng mà linh mục chủ tế sẽ thực hiên ở phần sau.
            7. Đọc phúc âm
            Phần này do linh mục chủ tế hoặc một linh mục trong lễ đồng tế trực tiếp thực hiện. Khi chủ tế tiến đến bàn đọc sách thánh, giáo dân cùng đứng, hướng về nơi ấy, ca đoàn cùng cộng đoàn hát vang phần hát Alleluia. Alleluia là tiếng Do Thái và có nghĩa là hãy chúc tụng, hãy ngợi khen Thiên Chúa qua đó thể hiện niềm hân hoan của giáo dân khi đón nhận lời chúa. Riêng mùa chay giáo hội quy định không hát Alleluia vì đây là mùa tưởng niệm những sự thương khó chúa gặp phải nên câu hát Alleluia không phù hợp cho lắm!
            Linh mục bắt đầu việc đọc sách thánh bằng nghi thức cùng cộng đoàn ghi dấu thánh giá. Ý nghĩa ban đầu của việc ghi dấu thánh giá trên sách Phúc Âm là xin Chúa trợ giúp để có thể tiếp xúc với Lời Chúa. Mặt khác việc ghi dấu thánh giá còn mang một ý nghĩa hết sức quan trọng là xin cho Lời Chúa khai mở tâm trí chúng con để biết đón nhận (vẽ thánh giá trên trán) để biết tuyên xưng (vẽ trên miệng) và biết gìn giữ trong tâm hồn (vẽ trên ngực).
            Bài phúc âm được trọng hơn tất cả các bài đọc khác, mọi giáo dân cũng như chủ tế, linh mục đồng tế đều đứng lên hướng về sách thánh với lòng tôn kính, trang nghiêm vì đó chính là bài đọc nói về chúa Giê-su và những giáo huấn do chính đức Giê-su truyền lại.
            Sau phần đọc phúc âm là linh mục chủ tế sẽ tiến hành giảng giải bài phúc âm hay còn gọi tắt là bài giảng. Việc thực hiện phần bài giảng đã được giáo hội quy định là  việc bắt buộc  phải làm trong mỗi thánh lễ: Trong QC 1970, số 42 đã viết“Phải diễn giảng và không được bỏ, trừ khi có lý do quan trọng.” Linh mục giảng giải các vấn đề trong bài giảng để giáo dân hiểu cặn kẽ hơn vấn đề, qua đó linh mục chủ tế sẽ củng cố tinh thần đức tin của tín hữu, dẫn hướng họ thực hiện đức tin Ki-tô và lối sống thánh thiện tốt đạo đẹp đời theo đúng giáo lý và giáo điều giáo hội.
            8. Phần tuyên xưng đức tin
            Trong phần này linh mục chủ tế hướng dẫn cộng đoàn đọc kinh tin kính để tuyên xưng niềm tin Ki-tô giáo của mình. Ở Việt Nam hiện nay tùy từng nơi mà giáo dân đọc một trong hai kinh tin kính là kinh Tin kính của các thánh Tông đồ (Tôi tin kính Đức Chúa Trời là Cha phép tắc vô cùng….) và kinh Tin kính của hai công đồng Ni-xê và Công-tăng-ti-nóp (Tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha toàn năng…).
            Dù là hai kinh lời có đôi chút khác nhau nhưng về đại ý cơ bản thì vẫn chung một ý nghĩa tuyên xưng: 1. Tuyên xưng về Thiên Chúa Ngôi Nhất và công trình sáng tạo kỳ diệu2. Tuyên xưng Thiên Chúa Ngôi Hai và mầu nhiệm cứu chuộc con người; 3. Tin Thiên Chúa Ngôi Ba, cội nguồn và nguyên lý thánh hóa chúng ta.
            9. Lời nguyện giáo dân
            Thông thường trong phần lời nguyện của giáo dân thường xoay quanh những vấn đề nguyện xin dưới đây: Xin cho toàn thế giới được ơn cứu độ; Xin cho các nhu cầu của Hội Thánh’Xin cho các người đang gặp các khó khăn;Xin cho cộng đoàn địa phương.
            Phần này cũng tùy theo thánh lễ hoặc hoàn cảnh mà linh mục chủ tế có thể bỏ qua hoặc thực hiện.

PHẦN III: PHỤNG VỤ THÁNH THỂ
            Phần phụng vụ thánh thể gồm có ba phần cơ bản sau:
1.      Chuẩn bị lễ vật
2.      Kinh nguyện Thánh Thể (hay kinh Tạ ơn)
3.      Nghi thức Hiệp lễ (hoặc Rước lễ)
            10. Chuẩn bị lễ vật
            Lễ vật được chuẩn bị đưa lên bàn thánh bao gồm chén thánh, bánh, rượu, nước. Do tính chất thiêng liêng tinh tuyền của nghi thức thánh thể nên giáo hội công giáo không cho phép linh mục đặt sẵn tất cả các lễ vật lên bàn dâng lễ trước khi đến phần này: “Ta không được phép để sẵn trên bàn thờ chén thánh, bánh rượu và các thứ khác.” (RM 73).
            Bánh được dùng trong thánh lễ phải là loại bánh không men theo đúng như cách chế biến của người Do-thái nhằm hiện thực hóa của lễ ngày nay sát với bánh mà chúa Giê-su đã dung trong bàn tiệc thánh năm xưa.
            Rượu thì linh mục sử dụng loại rượu nho tự nhiên và không pha trộn các loại khác.  Trước thế kỷ XIV, người ta dùng rượu nho đỏ. Nay, người ta thích rượu nho trắng vì ít để lại vết bẩn trên khăn thánh. Để cho nồng độ của rượu giảm xuống, dễ uống thì linh mục chủ tế có pha thêm nước vào chén rượu. Việc pha thêm nước còn mang một ý nghĩa biểu tượng sâu sắc qua lời nguyện đọc của chủ tế trong khi thực hiện thao tác này: “Cũng như giọt nước hòa chung với rượu, xin cho chúng con được thông phần bản tính Thiên Chúa của Đấng đã đoái thương chia sẻ thân phận làm người với chúng con.”
            Phần chuẩn bị lễ vật có thể khái quát gồm bốn công đoạn như sau:
    1. Sửa soạn bàn thờ và dâng lễ vật.
    2. Xông hương của lễ và bàn thờ.
    3. Rửa tay.
    4. Lời nguyện dâng lễ.
            Việc xông hương bàn thờ nhằm tăng thêm phần long trọng của nghi thức, mùi hương thơm lan tỏa khắp giáo đường tạo nên một không khí ấm cúng, linh thiêng, sạch sẽ, tinh tuyền hơn. Tuy nhiễn cũng tùy hoàn cảnh và thánh lễ quan trọng mà linh mục có hoặc bỏ qua nghi thức xông hương.
            Trong khi chuẩn bị lễ vật, ca đoàn cùng cộng đoàn sẽ hát những bài thánh ca chủ đề nói về lễ vật dang lên thiên chúa.
            Sau khi chuẩn bị xong tất cả các lễ vật linh mục chủ tế phải rửa tay cho sạch sẽ để cầm lễ vật tượng trưng cho Mình Thánh Chúa. Nghi thức rửa tay còn thể hiện cho ao ước được thanh tẩy sạch sẽ trong tâm hồn của người  công giáo, do đó khi rửa tay chủ tế chủ tế đọc câu: “Lạy Chúa, xin rửa con sạch hết lỗi lầm, tội con phạm, xin Ngài thanh tẩy”.
            Kết thúc phần này là chủ tế dâng lời nguyện dâng lễ để nói lên tâm tình tạ ơn và xin Chúa thương nhận bánh rượu sẽ trở nên Mình Máu Chúa. Hết phần này ca đoàn cùng cộng đoàn cũng dừng hát để bước vào cử hành nghi thức quan trọng và cao trào nhất trong thánh lễ là nghi thức thánh thể.
            11. Nghi thức thánh thể (Kinh nguyện thánh thể)
            Linh mục sẽ dẫn hướng giáo dân cùng cất cao kinh thánh thể hay còn gọi là kinh tạ ơn theo trình tự gồm 8 phần cơ bản như sau:
    1. Đối thoại và kinh Tiền tụng
    2. Kinh Thánh Thánh Thánh
    3. Kinh “Xin Chúa Thánh Thần xuống thánh hóa lễ vật”
    4. Bài tường thuật việc lập bí tích Thánh Thể
    5. Kinh Tưởng niệm (tức lời tuyên xưng mầu nhiệm Vượt Qua)
    6. Lời nguyện dâng tiến (xin Chúa đón nhận)
    7. Các lời chuyển cầu (cho kẻ sống, cho người qua đời và cho chính mỗi tín hữu)
    8. Vinh tụng ca
            + Kinh Tiền tụng
            Kinh này bắt đầu bằng đối thoại: “Chúa ở cùng anh chị em - Và ở cùng Cha / Hãy nâng tâm hồn lên – Chúng con đang hướng về Chúa…). Kinh Tiền tụng có mục đích nói lên việc tạ ơn về công trình cứu chuộc, hoặc về lý do khác (như sáng tạo, ban ơn…)
  • Phần một của kinh Tiền tụng là việc dâng lời tạ ơn Chúa Cha nhờ Đức Ki-tô vì  chính ngài là Đầu, là Trung Gian duy nhất của mỗi người với Thiên chúa: “Vì những lời ca tụng của chúng con chẳng thêm gì cho Cha, nhưng đem lại cho chúng con ơn cứu độ muôn đời, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con.”
  • Phần hai nêu lý do để tạ ơn Chúa.
  • Phần ba là câu dẫn vào kinh Thánh Thánh Thánh.
            + Kinh Thánh Thánh Thánh
            Kinh này là lời tung hô của các thiên thần (Is. 6, 3) về Thiên Chúa, đồng thời chúc tụng Chúa Giê-su: “Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa.”
            + Kinh nài xin Chúa Thánh Thần
            Chủ tế đặt tay trên bánh rượu và đọc: “Chúng con nài xin Chúa dùng ơn Thánh Thần Chúa mà thánh hóa những của lễ nầy để trở nên cho chúng con Mình và Máu Chúa Giê-su Ki-Tô.” Kinh này nài xin Chúa Thánh Thần thánh hóa của lễ vì chỉ có Ngài mới đủ quyền năng biến đổi bánh rượu thành mình máu đức Giê-su để dâng lên thiên chúa toàn năng.
            + Tường thuật việc lập bí tích Thánh Thể
            Phần tường thuật việc lập bí tích thánh thể là phần quan trọng nhất trong Thánh lễ vì Hội Thánh đang thực hiện ý muốn của Chúa Giê-su “Anh em hãy làm việc nầy mà nhớ đến Thầy” và vì phần nầy có lời Truyền phép. Linh Mục lặp lại những lời Chúa Giê-su đã đọc trên bánh và rượu trong bữa Tiệc ly: “Nầy là Mình Thầy, các con hãy cầm lấy mà ăn – Nầy là Máu Thầy, các con hãy cầm lấy mà uống.” Qua phần này “nhờ hiệu lực của lời và cử chỉ Đức Ki-tô, cũng như quyền năng của Thánh Thần, bánh rượu trở thành Mình và Máu Đức Ki-tô, lễ vật chính Ngài đã dâng trên thánh giá.” (GLHTCG 1353)
            + Kinh Tưởng niệm
            (Đây là mầu nhiệm đức tin….) Tưởng niệm, tức nhắc lại công trình cứu chuộc của Chúa Giê-su nhằm tuyên xưng về sự hiện diện đích thực của Chúa Giê-su trong bí tích Thánh Thể đồng thời công bố về mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô và niềm trông đợi Ngài lại đến trong vinh quang. : “Lạy Chúa, chúng con loan truyền Chúa chịu chết và tuyên xưng Chúa sống lại cho tới khi Chúa đến.
            + Lời nguyện dâng tiến hy lễ
            Lời nguyện dâng tiến hy lễ nhằm mục đích là để kết hiệp cộng đoàn dân chúa với Thiên chúa và với nhau hơn. Qua nghi thức này mọi người trong cộng đoàn không những chỉ dâng của lễ, nhưng còn phải dâng chính mình lên Thiên chúa: “Vì vậy lạy Chúa, khi kính nhớ Con Chúa chịu chết và sống lại, chúng con dâng lên Chúa bánh trường sinh và chén cứu độ để tạ ơn Chúa…Chúng con tha thiết nài xin Chúa cho chúng con, khi thông phần Mình và Máu Đức Ki-tô, được qui tụ nên một nhờ Chúa Thánh Thần”.
            + Lời chuyển cầu
            Trong Giáo lý hội thánh công giáo số 1354 (GLHTCG, số 1354) có giải thích về lời chuyển cầu như sau : “Các lời chuyển cầu cho thấy hy lễ tạ ơn được cử hành trong sự hiệp thông với toàn thể Hội Thánh cả thiên quốc lẫn trần gian, Hội Thánh của những kẻ sống cũng như người đã qua đời.”
            Giáo dân hiệp cùng chủ tế dâng lời cầu cho chính mình và cho mọi người (Cầu cho Hội Thánh, cho Đức Giáo Hoàng, cho hàng Giáo sĩ và giáo dân, cho dự tòng, cho tín hữu được hiệp nhất, cho người Do Thái, cho người ngoài Ki-tô giáo…). Cầu cho người đã qua đời: “Xin Cha cũng nhớ đến anh chị em chúng con đang an nghỉ chờ ngày sống lại, và những người đã qua đời, mà chỉ còn biết nhờ vào lòng thương xót của Cha. Đặc biệt, xin Cha nhớ đến các bậc tổ tiên và thân bằng quyến thuộc chúng con đã lìa cõi thế. Xin cho hết thảy được vui hưởng ánh sáng Tôn Nhan.”
            + Vinh tụng ca
             Vinh tụng ca là lời tung hô chúc tụng vinh quang Chúa, ca tụng Ba Ngôi Thiên Chúa hoặc một trong Ba Ngôi: (Chính nhờ Người, với Người và trong Người…)
            12. Nghi thức Hiệp lễ
            Nghi thức Hiệp lễ gồm:
1.      Kinh Lạy Cha
2.      Lời chúc bình an
3.      Nghi thức bẻ bánh và kinh Đây Chiên Thiên Chúa
4.      Hiệp lễ ( hay Rước lễ)
            + Kinh Lạy Cha
            Đó là kinh duy nhất chính Chúa Giê-su dạy chúng ta dùng để cầu nguyện với Thiên chúa. Kinh đã nói lên nguồn gốc của con người là ở trên trời, là con cái của Cha trên trời và sau hết loài người sẽ về trời chung hưởng hạnh phúc đời đời. Có thể tóm lược kinh Lậy cha gồm một số ý cụ thể như sau:
1.      Lạy cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện Danh Cha cả sáng: Xin Thiên chúa là cha đang ngự trên Thiên đàng cho nhiều người nhận biết Chúa.
2.      Nước Cha trị đến: Lời giáo dân khẳng định nước thiên chúa là vĩnh hằng vĩnh cửu, và sẽ đến với loài người trong ngày sau hết bởi loài người là con dân của nước chúa. Lời nguyện xin cho mọi người sẽ chọn Chúa làm Chúa của mình và chọn nước chúa làm nước của mình
3.      Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời: Ý Chúa là muốn cứu rỗi tất cả mọi người và dù trên trời hay dưới đất đều nằm trong quyền năng Thiên chúa
4.      Cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày:  Lời nguyện xin cùng chúa là của ăn phần xác trong đời sống được đầy đủ không đói thiếu đồng thời qua đó chúng ta cũng hiểu được lời kinh còn xin chúa cho Thánh Thể nuôi dưỡng phần hồn mỗi người  trong mọi ngày.
5.      Và tha nợ chúng con: Lời nguyện xin Thiên chúa hãy đoái nhìn những việc mỗi người đang cố gắng làm theo lời giáo huấn của chúa “Tha kẻ có nợ chúng con” để chúa thương đoái tha thứ lỗi lầm cho mỗi người. Lời nguyện xin còn nhắc nhở mọi người luôn sống trong sự yêu thương, tha thứ cho tha nhân  thì sẽ đẹp lòng chúa và được chúa tha thứ tội lỗi của chính mình.
6.      Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ ,nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ: Xin chúa cứu chữa, giúp đỡ loài người đủ sức chống trả trước những sự dữ, tội lỗi do ma quỷ cám dỗ
            + Lời chúc bình an
            Thông qua lời của chủ tế, giáo dân cầu bình an và hợp nhất cho Hội Thánh, cho toàn thể gia đình nhân loại trước khi thông phần cùng một bánh thánh:“Xin đoái thương ban cho Hội Thánh được bình an và hợp nhất theo thánh ý Chúa. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời – Bình an của Chúa hằng ở cùng anh chị em.”.  Lúc này mọi người cúi đầu trước chúa và cúi đầu chúc bình an cho nhau trong niềm tin yêu, tha thứ và nguyện cầu cho nhau trong tình thân ái hợp nhất.
            + Nghi thức bẻ bánh
            Bánh là tượng trưng cho mình chúa Giê-su để cho con người lấy làm của ăn không hề bị đói nữa. Việc bẻ bánh không phải là phân chia đức Giê-su mà trước hết đó là tưởng niệm lại cử chỉ Chúa Giê-su đã làm ở bàn tiệc thánh khi xưa là bẻ bánh trao cho các môn đệ. Mặt khác việc này còn mang ý nghĩa là chúa muốn cứu rỗi tất cả loài người và người muốn ban phát bánh này chính là thịt hàng sống của thiên chúa cho tất cả những ai tìm đến với người và tin tưởng nơi người.
            Trong khi chủ tế bẻ bánh thì cộng đoàn đọc hoặc hát kinh Lạy Chiên Thiên Chúa. Chủ tế bỏ một miếng bánh vào chén thánh và đọc: “Xin Mình và Máu Chúa Giê-su hòa lẫn với nhau mà chúng con sắp lãnh nhận, cho chúng con được sống muôn đời.” Việc này thể hiện niềm tin vào đức Ki-tô phục sinh với thân xác toàn vẹn nhưng đã được đổi mới trong hình hài Thiên chúa, mình và máu người đã hòa làm một như bánh với rượu này. Và chính Người đã sống lại với thân xác toàn vẹn đã được đổi mới. Đồng thời nghi thức này còn được hiểu như sự kết hợp  chúa Giê-su và cộng đoàn.
            + Nghi thức rước mình thánh chúa
            Đến nghi thức này thì ca đoàn sẽ hát những bài thánh ca ca ngời thiện chúa. Linh mục cùng các thừa tác viên được linh mục ủy quyền sẽ đem bánh thánh phát cho từng giáo dân. Theo thứ tự từng người từng người sẽ lần lượt nhận bánh thánh trong tâm tình đón nhận bánh hằng sống chính là mình thánh chúa nuôi sống tâm hồn mỗi tín hữu.
            Khi nhận bánh thì tín hữu sẽ để tay trái đặt chồng lên trên tay phải. Lòng bàn tay hướng lên trên để nhận bánh. Khi chủ tế hoặc thừa tác viên đặt Mình Thánh vào lòng bàn tay trái thì đương sự dùng tay phải để cầm lấy Mình Thánh bỏ vào miệng. Khi đăt Mình Thánh vào tay người rước lễ, chủ tế hoặc thừa tác viên đọc “Mình Thánh Chúa Ki-tô” và người rước lễ thưa “Amen.” Tiếng Amen lúc này có nghĩa là: “Con tin đây là Mình Thánh Chúa và con lãnh nhận.”
             Việc giáo dân rước lễ  trước hết là thể hiện niềm tin và sự phó thác tuyệt đối vào thiên chúa. Tin chính chúa đang ngự trị trong bánh thánh này qua đó khi nhận bánh vào mình người công giáo sẽ được kết hợp với Chúa và anh em cộng đoàn; được chúa thứ tha tội nhẹ mắc phải; được chúa ban thêm sức mạnh để tránh xấu làm tốt; được bảo đảm về phần linh hồn trong sự cứu rỗi của đức Giê-su.
            Sau khi lãnh nhận bánh thánh người tín hữu về vị trí, nghiêm trang kính cẩn đứng hoặc quỳ gối đọc kinh cám ơn chịu lễ để cảm tạ hồng ân chúa đã ban xuống qua mình thánh, suy xét nhìn nhận lại bản thân đã phạm nhiều tội lỗi đồng thời nguyện xin chúa thứ tha và nâng đỡ, thêm sức họ trên đường đời sắp tới để họ từ bỏ cái xấu, quyết sống tốt và làm tốt hơn.
           
PHẦN IV: KẾT LỄ
            Sau khi đã xong phần giáo dân rước thánh thể, Linh mục dọn dẹp bàn lễ, đặt bánh thánh vào buồng thánh thể và bắt đầu thực hiện nghi thức làm dấu thánh giá cuối lễ để chúc cho mọi giáo dân vừa hiệp thông thánh lễ sẽ được đón nhận sự sống của Chúa Ba Ngôi, đón nhận bình an, hạnh phúc.: “Xin Thiên Chúa toàn năng là Cha, và Con, và Thánh Thần ban phúc lành cho anh chị em.”
            Lời chúc cuối cùng của chủ tế cũng là lời giản tán thánh lễ cũng mang theo thông điệp hãy hành động theo tinh thần của chúa với mọi giáo dân: “Lễ xong, chúc anh chị em đi bình an.”. Và như vậy giải tán nhưng không phải là chấm dứt hoạt động, mà chính là tiếp tục củng cố niềm tin ơn bình an để mọi giáo dân sẽ trở nên những dấu chỉ của Đức Ki-tô, nhân chứng của Đức Ki-tô trong cuộc sống hàng ngày tại gia đình, xóm làng, nơi làm việc....

                                                                  Bình minh ( Bùi Văn Thạch)

Không có nhận xét nào: