MENU

Chủ Nhật, 4 tháng 11, 2012

ĐÔI ĐIỀU MẠN ĐÀM VỀ “ĂN CỖ LẤY PHẦN”



ĐÔI ĐIỀU MẠN ĐÀM VỀ “ĂN CỖ LẤY PHẦN”
                                                                      Bình Minh 

           Gần đây tôi vô tình đọc được nhiều ý kiến của nhiều blogger nói về tục lệ ăn cỗ lấy phần, đồng tình có, phản đối có. Khen có mà chê cũng có. Nhưng tựu chung lại có rất nhiều ý kiến phản đối thậm chí còn tỏ rõ thái độ thóa mạ với cái tục lệ lạ đời này.
            Câu hỏi đặt ra trong tôi là liệu tục lệ này có đáng bị lên án đến như thế chăng?
            Đâu mới là giá trị thật sự của một tục lệ mang tính tuyền thống này?
                                    
Đọc tiếp

            Trước hết chúng ta cần phải hiểu rõ rằng tục lệ ăn cỗ lấy phần nó là một tục lệ mang tính truyền thống từ xưa đến nay trong tâm thức dân tộc Việt ở nhiều vùng miền trải dài khắp đồng bằng bắc bộ.  Mà đã gọi là tục lệ truyền thống tức là nó được truyền lại qua nhiều đời một cách thống nhất. Tôi đã có nhiều lần hỏi các cụ già cả cao niên trong làng quê có tục lệ ăn cỗ lấy phần rằng: “thưa cụ. Tục lệ này có từ bao giờ ạ?”. Câu trả lời tôi nhận được đều chung quy một điểm ấy là có từ khi cụ biết đến nhận thức và biết nhớ đến giờ. Thế đấy, giá trị và thời gian đã lưu giữ nó qua một quá trình dài chứ không phải ngày một ngày hai theo kiểu nổi hứng xuất hiện rồi cũng chìm luôn mất hút.
            Đó là tính thời gian của tục lệ, vậy còn tính giá trị của nó nằm ở đâu?
            Xin thưa nằm ở ngay trong lòng, trong tâm thức mỗi con người Việt chúng ta đấy. Nó phản ánh cái tính chất cộng đồng, tính chất yêu thương gắn kết của một gia đình người Việt. Chúng ta nên biết rằng người dân Việt thuở xưa có khi tháng mới có miếng thịt để ăn. Còn lại thì bữa rau bữa cháo, bữa cá mú tôm tép vân vân và vân vân. Mỗi khi trong làng có đám cưới, đám mừng tân gia, hay thậm chí là đám tang ma thì mọi người trong làng đều đến hỏi thăm, động viên gia chủ. Đi cùng với lời động viên hoặc chúc mừng ấy chẳng thể chỉ “nước bọt” mà phải có “đồng tiền- bát gạo” đi cùng. Mà có của đi sẽ có của lại- vốn dĩ dân tộc Việt mình là thế! Gia chủ cũng phải làm cỗ bàn và những món ăn mà chủ nhà làm ra cũng phải quý như “tấm lòng”  ( xét cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) khách đến chúc mừng hoặc chia buồn vậy!  Nhưng người đi ăn cỗ thì sao? Chồng con ở nhà chẳng có gì ăn mà mình ăn được sao? Thế là thành ra cái tục lệ lấy phần về. Âu cũng là cách để người phụ nữ vẹn nghĩa mà vẹn tình vậy chăng? Đi ăn cỗ các bà các cô chủ yếu ăn canh, ăn vài món xào xáo và cơm. Còn lại các đồ thì chia nhau mỗi người một gói phần mang về để chồng con cùng ăn.Thế là cả nhà vui vẻ! Vừa có sự gắn kết làng xóm, vừa gắn kết gia đình chẳng phải là tốt lắm ru?
            Tuy nhiên cái gì cũng có cái mặt trái của nó cả! Cũng chẳng phải khi nào cũng chỉ có đàn bà trẻ con đi. Chẳng may vợ con có việc những ông chồng lại phải đi thay. Tính đàn ông sĩ diện nên chẳng thể lấy phần. mà ăn cũng không dám “ăn hết nhẵn” đĩa bát được! Thế là nhiều bà cô tham lam lại tranh nhau chực chờ mâm các ông tan tầm để mà “hôi tát” được cái gì hay cái ấy! Chao ôi! Nhìn cảnh đó sao mà buồn cho cái giá trị nhân bản bị bóp méo đến vậy!
            Rồi thậm chí còn có nơi các bà các cô còn giục các cô cậu thanh niên ăn nhanh để họ “dọn” nhưng thực ra là lấy chia nhau sản phẩm còn lại thôi!
            Đó là những điều làm méo mó cái giá trị của một tục lệ nhân bản!
           
            Nhưng thực tế vẫn là thực tế! nó có cái quy luật của sự vận đọng phát triển và loại trừ để phát triển! Khi đời sống khấm khá lên. Con người ta chẳng còn quan trọng lắm chuyện miếng ăn. Thế là việc người ta chờ chực tranh nhau “hôi tát” cũng tự biến mất! Mỗi bà đi ăn cỗ chỉ lấy đúng phần mình rồi ra về vui vẻ! Cái méo mó ấy cũng tự khắc biến đi! Văn hóa là thế. Nó cũng có quy luật thải loại để phát triển theo vận động riêng mình.
            Rồi khi cuộc sống khá giả hơn nữa, các bà các cô vẫn lấy phần, nhưng trong bữa cơm họ ngồi lâu hơn, nói chuyện lâu hơn chút chút. Họ cũng ăn các món canh, món xào, món ăn mặn để ăn cơm ngon hơn! Cuối bừa chỉ còn những món khô như giò, hay đĩa thịt gà, thịt luộc là chia nhau đem về! Cái giá trị vật chất càng ngày càng giảm nhưng họ vẫn còn duy trì tục lệ lấy phần!
            Sự duy trì ấy chính là do sự ăn sâu vào tiền thức, nó thành quy luật của cả một thế hệ chứ không phải là ngày một ngày hai!
            Những con người ấy có nhiều gia đình chẳng thiết đến những phần chia kia nhưng họ vẫn lấy. Bởi nó thành thông lệ rồi! Tôi đã từng để ý có nhiều cô không lấy phần nhưng họ vẫn nhận chia phần để rồi sau đó gắp cho mỗi người trong mâm một ít gọi là quà thêm. Hoặc họ thông báo luôn em – chị không lấy phần các bác cứ chia 3 phần nhé! Thế là vui vẻ nhìn nhau cười rất tươi!
            Nói đời sống người Việt giờ khá hơn rất nhiều, họ chẳng thèm khát cơm thịt như trước đây mà vẫn duy trì lấy phần là cổ hủ là không chấp nhận được! Tôi cho rằng đó mới là những người cần phải xem lại! Vì sao ư?
            Vì nếu bạn về nông thôn, về nhiều vùng quê Việt mà xem, sống trong lòng thôn quê mới hiểu. Quê hương Việt Nam khá hơn xưa thật nhiều lần nhưng còn rất nhiều người vẫn còn thiếu thốn về miếng ăn đấy! Vẫn còn nhiều gia đình cả tuần mới có vìa bữa thịt thôi! Đó là sự thực! Và cũng vì thế mà tục lấy phần vẫn có đất để tồn tại là thế!
Tôi nói rằng nó vẫn tồn tại ngày nay không có nghĩa là nó không thể bị mất. Bởi trong quy luật vận động không ngừng của văn hóa xã hội thì sẽ có lúc nó sẽ mất. Và nó chỉ mất khi nào nó không còn phát huy những giá trị tự thân nó nữa!
            Tuy nhiên dù đứng ở góc độ nào thì chúng ta cũng nên hiểu bản chất gôc thật sự của vấn đề tục lệ ăn cỗ lấy phần! có hiểu bản chất nhân bản của nó thì chúng ta mới thấy nét đẹp của những người phụ nữ Việt Nam trong đời sống mà cụ thể là việc đi ăn cỗ. Và có hiểu bản chất chúng ta mới hiểu được thế nào là các giá trị bị bóp méo đáng loại bỏ lên án chứ không thể đánh đồng rồi la toáng lên là nó không tốt, nó tồi tệ! Và có hiểu bản chất của nó chúng ta sẽ hiểu được thực tại xã hội đang ở giai đoạn nào và cái tục lệ ấy sẽ ra sao trong thời gian tới!
            Trong góc độ và cảm quan và một bài viết ngắn gọn không nói hết được những khía cạnh sâu xa và đa chiều của một tục lệ gây nhiều tranh cãi hiện nay. Tôi chỉ mong muốn góp nhặt đôi điều mong làm sáng tỏ đôi điều nhỏ nhỏ trong bức tranh tổng thể về vấn đề nan giải này mà thôi! Xin đa tạ nếu ai đó chân thành góp ý dù phải hay trái!

                        Bình Minh – BVT, Taipei  - Chúa nhật, Ngày 04/11/2012

Không có nhận xét nào: