MENU

Thứ Ba, 14 tháng 5, 2013

Khóc!


              Đá cuội (BVT): Lang thang vào trang Quechoa.vn của nhà văn Nguyễn Quang Lập bất ngờ đọc được bài viết : "Lãnh đạo cả tiếng khóc"  do tác giả Trần Trung Đạo viết. Xin phép không bàn luận đến nội dung và quan điểm của tác giả bài viết đó. Nhưng trong bài viết có một đoạn thực sự xúc động mà khi đọc đến tôi đã lạnh toát cả mình, trong lòng xốn xao một cảm giác nôn nao phát khóc. Đoạn viết về mẹ Tê-rê-xa thành Calcutta, một nữ tu trọn đời sống vì lòng nhân từ, bác ái, hy sinh. Dù bạn là người theo đạo nào đi chăng nữa thì cũng nên biết rằng trên thế giới này đã từng có những con người như thế, sống một đời sống đáng để sống như vậy. Cảm ơn mẹ Tê-rê-xa đã đến với thế giới này. Cảm ơn mẹ đã để lại cho nhân loại một tấm gương về sự yêu thương. Chính mẹ đã cho cả thế giới thấy được ẩn sâu trong tâm thức loài người thì chỉ có tình yêu thương con người mới là cái đích để sống. Cảm ơn chính phủ Ấn Độ đã thay mặt những tấm lòng đầy lương tri của thế giới để tri ân mẹ trong một buổi quốc tang trang trọng -bi ai mà chẳng phải chính phủ nào cũng "rỗi hơi" làm cái việc đó đâu! Những giọt nước mắt khóc mẹ của nhân dân Ấn Độ còn vang dài mãi mãi. Nó là những giọt nước mắt thật lòng, thật tâm chứ không hề giả dối, giả tạo như rất nhiều cuộc khóc thương trong lịch sử thế giới xưa nay! Bất chợt tôi nhớ lại một câu nói nổi tiếng của một triết gia rằng: " Khi con sinh ra thì con khóc mọi người cười. Hãy sống làm sao để khi con từ giã cõi đời này con cười còn mọi người sẽ khóc!". 
           Dưới đây là đoạn viết về mẹ Tê-rê-xa thành Calcutta như sau: 



            (... ...)
          Một triết gia đã viết, mỗi bước chân ta đi trong ngày là một bước gần hơn đến với ngôi mộ của mình.
Con người sinh ra đều trơ trụi giống nhau nhưng cuộc đời và cách chết đã làm họ khác nhau. Có những người chết đi để lại nhiều lợi lạc cho hậu thế, một cách sống đạo đức cho con cháu noi gương nhưng cũng có những kẻ chết đi, dù được che đậy dưới lớp hào quang giả tạo rực rỡ dường nào hay bức tường thành thông tin bưng bít dày đến bao nhiêu, tội ác của họ cũng có một ngày được phanh phui để lộ nguyên hình những ác nhân thời đại. Con khủng long chết 65 triệu năm trước vẫn được tìm ra, nói chi là con người. Lịch sử là lương tri và từ sơ khai đến hiện đại lịch sử luôn phán xét công bằng, cho đến nay chưa ai tránh thoát.
"Một buổi sáng tháng Chín 1997, trên đường phố Calcutta, hàng triệu dân Ấn đứng dọc hai bên đường để tiễn đưa một nữ tu đã dâng hiến gần trọn đời mình cho lớp người cùng khổ. Con đường đó, từ 1929, nữ tu gốc Albany thuộc dòng Loreto Sisters đặt chân đến lần đầu khi mới 19 tuổi. Vỉa hè Calcutta là nơi nữ tu thường đến để ngồi an ủi những người đang chết. Không có ngay cả một viên thuốc, nữ tu chỉ biết cầm lấy bàn tay đầy máu mủ của bịnh nhân và xua đuổi đi bầy kiến đang bám lên vết thương đau nhức. Nhiều bịnh nhân đã đáp lại bằng cách mỉm cười thay cho lời cám ơn trước khi hắt ra hơi thở cuối cùng. Và những khu nhà ổ chuột Calcutta này là nơi chiều chiều nữ tu một tay cầm một chiếc khăn và tay kia cầm một cục xà phòng đến tắm cho trẻ em nghèo trong xóm. Nhiều năm sau, chính đám trẻ này là những người đầu tiên gọi nữ tu là mẹ. Mẹ Teresa như nhân loại biết hôm nay.


Ngày 5 tháng 9 năm 1997, mẹ không đến nữa vì hôm đó là ngày mẹ ra đi. Quan tài  Mẹ Teresa  được phủ quốc kỳ Ấn Độ thay vì Albania, nơi mẹ chưa một lần trở lại. Ngày đi, mẹ vẫn mặc chiếc áo vải trắng viền xanh Sari trị giá 1 rupee mẹ tự sắm cho mình sau khi chính thức rời khỏi dòng tu Loreto Sisters. Đoạn đường từ quảng trường Netaji, nơi tổ chức thánh lễ, đến Căn Nhà Của Mẹ, nơi mẹ sẽ yên nghỉ, chìm trong không khí tôn nghiêm trang trọng. Những em bé Ấn Độ tay cầm những bông hoa nhỏ vẫy chào. Tất cả đều cúi đầu khi quan tài do một chiếc xe kéo súng quân đội kéo ngang qua. Chính phủ Ấn dành cho mẹ một vinh dự đặc biệt vì chính chiếc xe kéo pháo cũ kỹ này đã kéo quan tài của Thánh Mahatma Ghandi ra nghĩa trang 1948. Nhân loại tiếc thương mẹ, nhân dân Ấn Độ biết ơn mẹ và chính những người cùng khổ ở Calcutta đang sắp hàng hai bên đường cám ơn mẹ, nhưng ngoài tiếng máy xe kéo pháo nhịp đều, không có một sự ồn ào nào khác. Trên xe, những nữ tu và người lính ngồi im lặng. Không ai khóc lớn, không ai than van, không ai lăn lộn, không ai kể lể. Niềm thương tiếc chân thành thánh thiện đã cô đọng thành ngọc bích và lắng sâu xuống tận đáy lòng. Sự ra đi của Mẹ Teresa và nhiều bậc vĩ nhân khác đơn giản như họ một lần đã ghé thăm hành tinh chúng ta.
(... ...) 
         P/S (Đá cuội): Tớ là kết nhất cái đoạn tác giả luận bàn về đạo đức thật sự chứ đừng giả tạo, bởi giả tạo thì dù anh có bưng bít, giấu kín đến mấy thì cuối cùng cũng sẽ bị phanh phui sự thật thôi: "Con người sinh ra đều trơ trụi giống nhau nhưng cuộc đời và cách chết đã làm họ khác nhau. Có những người chết đi để lại nhiều lợi lạc cho hậu thế, một cách sống đạo đức cho con cháu noi gương nhưng cũng có những kẻ chết đi, dù được che đậy dưới lớp hào quang giả tạo rực rỡ dường nào hay bức tường thành thông tin bưng bít dày đến bao nhiêu, tội ác của họ cũng có một ngày được phanh phui để lộ nguyên hình những ác nhân thời đại. Con khủng long chết 65 triệu năm trước vẫn được tìm ra, nói chi là con người. Lịch sử là lương tri và từ sơ khai đến hiện đại lịch sử luôn phán xét công bằng, cho đến nay chưa ai tránh thoát.".  
          Quá đúng! Quá chuẩn! Quá chuẩn luôn!

2 nhận xét:

Lê Tiến Đức nói...

Công nhận là xúc cmn động anh ak.

Bà con Còm-mèn về bài này trên Facebook ĐC nói...


Hoa Cat, Iu Nên Hâm and 2 others like this.