MENU

Chủ Nhật, 23 tháng 3, 2014

TẬP TRUYỆN TUỔI ĐỜI (BVT) – 12. VÕ SƯ

TẬP TRUYỆN TUỔI ĐỜI – BVT

12. VÕ SƯ

            Năm tôi học lớp 10 chị gái tôi đi Hà Nội làm nghề thu mua đồ phế thải, cứ mỗi lần về quê nghỉ ngơi là chị lại lọc ra những  cuốn sách, cuốn truyện còn mới đem về cho tôi dùng. Với những đứa trẻ nghèo như tôi thì đó quả là một món quà vô cùng to lớn bởi ngày thường tôi không bao giờ có tiền để mua chúng. Trong số những cuốn sách ấy có một cuốn sổ viết tay vô cùng công phu có tựa đề: Hướng dẫn học võ Vô-Vi-Nam Việt võ đạo căn bản. Khỏi cần phải nói tôi thích cuốn sách đó như thế nào. Tôi mải miết học và làm theo những gì cuốn sách hướng dẫn, nào là chạy bộ mỗi buổi sáng 15 phút sau đó thả lỏng cơ thể tập thể dục, chống đẩy 15 phút. Buổi tối thì tập bài tập thể dục và chống đẩy trong vòng 15 phút, còn lại 15 phút tập đứng tấn. Sau khoảng một tháng luyện tập thành thục thì tôi bắt đầu tự luyện những bước đầu tiên như cách thức di chuyển chân, tay, cách thức ra đòn, né đòn… Riêng phần cuối cùng của cuốn sách có hướng dẫn cách luyện tập các bước lấy đà và nhảy để biến lực chạy thành lực bay vượt qua các cao điểm. Khi học được phần này thì mới học được các thế của “đòn chân tấn công” bay cao kẹp cổ. Tôi thì gọi đó là tập khinh công cho dễ nhớ... Thực tế đây là một phần khó khăn nhất bởi muốn luyện tập được nó cần phải kiên trì, phải chọn được đúng nơi, đúng địa hình có bước đệm là các cao điểm, hoặc có 2 bức tường ở hai bên cách nhau không quá 2 mét. Phần quan trọng nhất khi luyện tập theo tác giả cuốn sách đã ghi thì thành quả đạt được có thể không được như ý. Chỉ khi có biến bị dồn đến đường cùng thì công dụng của những bài luyện tập này mới phát huy tác dụng cao nhất, có thể vượt qua những cao điểm mà ta không thể ngờ tới. Cuối cùng tác giả còn nhấn mạnh chính tác giả cũng đã từng đạt được như thế trong một lần bị  một nhóm  người truy đuổi.
   
         Một hôm khi vừa luyện tập xong đang ngồi bờ ao nghỉ ngơi hóng mát thì tôi thấy tiếng xe đạp lách cách của thằng Phú hướng vào nhà tôi. Tôi lập tức chạy vào nhà vờ nằm ngủ. Nó bước vào rất khẽ, lấy một sợi tóc định ngoáy mũi trêu tôi. Ngay lập tức tôi gạt chân sang ngang khóa chân nó lại, tay dùng lực đánh mạnh vào bả vai khiến nó ngã lăn ra đất. Khỏi phải nói lúc đó nó nể tôi đến mức nào. Sau đó nó cứ cố gặng hỏi và năm nỉ tôi dậy nó học võ. 
Thằng Phú chụp ảnh tập thể lớp 12 lớp tôi, vị trí mũi tên đỏ
   Thằng Phú có tố chất của một võ sinh nên học rất nhanh, nó đọc và làm theo cuốn sách mấy ngày mà đã học được gần hết cuốn sách. (Chả bù cho tôi học suốt mấy tháng trời vẫn chưa xong. Hu. Hu ).
            Một buổi tối nó sang nhà rồi nó bảo tôi: Bác (nó vẫn xưng hô bác – em với tôi như vậy) với em đi thử khinh công đi.
-         Thử như thế nào?
-         Thì cứ đi tìm xem nhà nào có lối thoát phù hợp để luyện tập mình giả làm ăn trộm rồi sau đó chờ chủ nhà tri hô đuổi theo thì mình bay. Hi hi
-         Nguy hiểm lắm mày ơi!
-         Sợ gì! Mình có võ, có khinh công cơ mà!
            Ngẫm nghĩ một lúc tôi với nó bắt đầu lượn quanh làng một lượt và tìm được nơi có đủ tiêu chí gồm một lối thoát bên hông nhà, phía ngoài là một bức tường trên có gắn hàng rào dây thép gai cao chừng mét sáu, mét bảy gì đó. Hai bên là hai bờ tường đủ rộng để tạo những bước nhảy hình chữ Z để làm bược đệm vượt qua hàng rào phía trước. Tôi với nó bắt đầu trèo tường vào trong sân nhà, nhân lúc chủ nhà ra ngoài đi vệ sinh tôi bảo nó đứng phía ngoài chuẩn bị lấy đà để chạy trước, tôi lẻn vào phía cửa nhà rồi bật điện đứng như một tên ăn trộm chò chủ nhà phát hiện tri hô thì chạy sau. Khoảng năm phút sau chủ nhà phát hiện bóng người và tri hô: Cướp! Cướp! Cướp! Hai thằng tôi vụt chạy và thật bất ngờ cả hai chúng tôi đã vượt qua bức tường một cách nhẹ nhàng, mau lẹ. Mãi mấy ngày sau khi tôi với nó đi qua bức tường ấy vẫn thấy chủ nhà, hàng xóm lượn quanh chỗ đó ngắm nghía với khuân mặt đầy suy ngẫm, không hiểu cái tên cướp hôm trước nó làm cách nào mà vượt qua bức tường gắn dây thép gai cao không một dấu vết tay, dấu chân in trên bờ tường. Hai thằng lại bấm nhau cười ha ha đắc chí.
            Cũng đúng thời gian đấy thì xã bên có võ sư Ngân – một võ sư Vô-Vi-Nam chuẩn hồng đai với danh xưng võ sư Chuẩn cao đẳng về quê hương mở lớp dậy Việt võ đạo. Thằng Phú rủ tôi tham gia nhưng do nhà nghèo không có tiền nên tôi từ chối. Sau đó tôi mải miết tập trung cho chương trình ôn thi học sinh giỏi cấp tỉnh nên cũng lơ là luyện tập võ thuật. Riêng thằng Phú thì càng học càng tiến bộ, nó thể hiện ưu điểm nổi trội trong khóa học. Học khoảng một năm thì nó đã học hết những bài học mà thầy Ngân dậy. Những buổi biểu diễn, đánh giải của liên đoàn Việt võ đạo liên huyện nó đều được thầy cử đi tham dự.
            Cuối năm lớp mười một, một buổi tối mẹ nó chạy hớt hải sang nhà hỏi tôi: Cháu có thấy thằng Phú nhà cô đâu không?
            - Dạ không – Tôi trả lời – Hôm nay cháu thấy nó không đến lớp nên cháu viết giấy xin phép hộ nó rồi.
            - Trưa hôm qua ăn cơm xong nó xin tiền cô năm trăm nghìn đi đóng học, nó bảo học phí, tiền quỹ, tiền xây dựng, tiền thi. Rồi sau đó thì không thấy nó về nhà. Cháu hỏi bạn bè xem nó ở đâu thì bảo nó về giúp cô nhé!
            - Vâng!
            Thế rồi một ngày, hai ngày… mãi đến ngày thứ bảy mới thấy nó quay trở về. Tôi hỏi nó: “Mày đi đâu mất tích mấy ngày thế?”. Nó cười bảo: “ Em lên Nam Định rồi lên Hà Nội tìm lớp học võ, học ở quê hết bài mới rồi, muốn tìm lớp khác”. Thì ra là thế! Theo như nó kể thì nó lên thành phố Nam Định tìm lớp Việt võ đạo nhưng không tìm thấy, nó lại tiếp tục đạp xe tìm được lên Hà Nội. Cứ thế hành trình của nó là một chiếc xe đạp, một cặp sách, một cái áo mưa không ngừng nghỉ. Nhưng vốn dĩ nó chưa lên Hà Nội bao giờ (chẳng giống tôi hè năm nào cũng lang thang theo các anh, chị đi làm bốc vác thuê kiếm tiền ở Thanh Xuân – Hà Nội) nên loay hoay đến Cầu Giẽ hỏi thăm vẫn không có lớp võ thì  nó đạp xe quay về. Về đến nhà mã nó vẫn cứ nghĩ đấy là Hà Nội. He. He.
            Sang năm lớp mười hai nó bắt đầu quen được một em gái tên Trang cùng là võ sinh ở lớp của thầy Ngân. Hai đứa nó phối hợp rất ăn ý trong các bài biểu diễn nên suốt ngày cứ quấn quýt lấy nhau xem chừng thân thiết lắm. Lực học của nó càng ngày sút tôi mới lựa lời bảo nó:
-         Mày xem tập trung học đi! Chứ thi đại học mà chỉ có môn năng khiếu không, các môn khác kém cũng không qua được đâu.
-         Hì. Hì – Nó cười cười bảo tôi – Bác cũng giống như em đấy chứ. Học lệch về các môn thi đại học mà
-         Nhưng tao học tất cả các môn Văn – Sử - Địa để thi đại học. Còn mày thì học mỗi môn võ còn hai môn kia không họcthì chỉ có trượt thôi!
-         Thì em học lấy điểm trung bình thôi! Bác không phải lo đâu. Em khắc có cách
            Thấy nó nói thế tôi cũng không nhắc nữa. Cuối năm đó nó không đỗ đại học vì hai môn phụ trợ điểm quá thấp! Nó đành ở nhà sang Hải Hậu học ôn các môn văn hóa phụ trợ.
            Một bữa tôi đang ở học ở trường thì nhận được thư của thằng Tiến gửi lên (thời đó chúng tôi chỉ liên lạc bằng thư chứ con nhà nghèo không có tiền gọi điện thoại, mãi đến cuối năm thứ ba khi nhận được học bổng về môi trường của bộ giáo dục tôi mới có tiền mua điện thoại, mua xe máy và máy tính), trong thư nó kể thằng Phú đang ở trọ nhà bà cụ Rong ở làng An Lộc cùng với nó. Nhưng thằng Phú cứ lơ là buổi sáng đi học xong, chiều nó lại đạp xe 50km về Ngô Đồng hú hí cùng với con bé Trang, tối mãi 10 giờ mới quay về. Thằng Tiến khuyên mãi không được, nó bảo tôi xem khi nào về thì qua khuyên thằng Phú cho nó chăm chỉ học tập. Tôi biên thư lại, hẹn cuối tháng có việc về quê tôi sẽ gặp thằng Phú.
            Khi về quê tôi có ghé qua nhà thằng Phú hỏi thăm thì mẹ nó  bảo: “Phú nó cứ 2 tuần về một lần lấy tiền, mỗi lần cô đưa cho nó bảy trăm”
-         Ối sao nhiều thế cô?
-         Cô có hỏi thì nó bảo nó còn phải đóng học ở lớp hoc võ nữa. Cô thì cô chả tiếc chuyện tiền nong. Nhà nghèo thì nghèo thật, nhưng lo cho con ăn học, chi tiêu chính đáng thì khó mấy cô chú cũng cố lo. Chỉ mong nó ăn học tử tế đừng chơi bời lêu lổng mà thi trượt thôi.
-         Vâng!
            Tôi để ý thấy mẹ nó vừa nói vừa hướng đôi mắt ra rất xa xăm. Trong sâu thẳm ánh mắt của người mẹ ánh lên một nỗi lo lắng rất rõ. Mà cũng phải thôi, đã là cha, là mẹ ai chẳng mong con khôn lớn thành đạt. Có thể cha mẹ chẳng dám mong con thành ông này bà nọ, chỉ cần có có chí, chuyên tâm làm hết khả năng, hết sức cho công việc đã là vui lắm rồi. Trên hai khóe mắt người mẹ ấy đã nhoen nhòe một chút lệ thoáng qua! Tôi cáo từ cô ra về rồi đi thẳng vào trung tâm huyện. Tôi qua sân tập võ thấy chưa có ai, nhìn xung quanh phía hàng liễu ven hồ đối diện thấy thấp thoáng bóng người. Lại gần thì đúng là thằng Phú với con bé Trang đang hú hí tâm sự dưới gốc cây. Thấy tôi tiến lại, con bé Trang xấu hổ vội bỏ đi, thằng Phú thì cười chừ hỏi tôi: Bác về bao giờ đấy?
-         Về cái mặt nhà mày ý! Học không học về đây làm gì?
-         Em về học võ đấy chứ. Phải học đều các môn chứ!
-         Đều cái mặt mày ý! Tao biết rồi không phải chối!
-         Hi. Hi. – Nó lại cười chừ!
            Vào quán nước mía ven đường ngồi tôi mới bảo: Tao vừa qua nhà mày đấy. Ngồi nói chuyện với mẹ mày nhiều lắm. Mẹ mày lo lắng cho mày lắm đấy.
-         Ừ - Nó trầm ngâm
-         Tao nghĩ mày nên thương ông bà cụ. Một tháng cho mày một triệu tư, trong khi tao học ở Hà Nội một tháng chỉ có bốn trăm, mẹ mày bảo không tiếc gì cho mày chỉ mong mày quyết tâm học đừng ăn chơi, lơ là thôi. Nhắc đến mày bà cụ đã khóc đấy!
-         Ừ - Nó cúi đầu trầm ngâm không nói, ánh mắt nó phản chiếu lên cốc nước mía mùa xanh lơ, pha chút đá trắng tinh sóng sánh như những con sóng nhấp nhô giữa mặt hồ bao la.
            Tôi không nói, nó cũng trầm ngâm không nói, những cơn gió nhẹ cứ khẽ lung lay những cành liễu bên hồ như cánh tay kéo dài của mẹ của cha vẫn ngày ngày đưa đẩy những giấc mơ của những đứa con đến với thành công và hạnh phúc.
            Sau bữa đấy tôi nhận được tin từ thằng Tiến thông báo là thằng Phú quyết định lên Nam Định học ôn. Thằng tiến không hiểu, bố mẹ nó không hiểu nhưng tôi thì hiểu. Nó đã cố gắng tạo ra khoảng cách xa hơn với con bé Trang để có lí do tập trung ôn luyện.Cuối năm ấy nó đã đỗ vào khoa võ thuật đại học Hồng Bàng thành phố Hồ Chí Minh. Nó nhập học được hai năm mới về thăm nhà. Nó đem đủ thứ huy chương vàng bạc, bằng khen về treo ở tường nhà. Nhìn những tấp bằng khen, những chiếc huy chương đủ màu sác đen trắng vàng cũng vui vui mắt! Hi. Hi. Vui nhất có lẽ là mẹ nó, bà cười nhiều hơn khi thấy tôi vào.
            Tôi hỏi nó thế em Trang thế nào rồi? thì nó cười cười bảo: Em ấy đi lấy chồng lâu rồi. Chuyện tình yêu lãng xẹt thời trẻ con bồng bột ý mà. Xa mặt cách lòng là khác ngay! Ha. Ha.
            Học xong nó lại ở lại Thành phố Hồ Chí Minh làm việc. Một bữa tôi vào công tác Sài Gòn, có ghé qua thăm nó. Nó loay hoay lục trong góc tủ lấy ra một cái tủi vải, mở túi vảo ra là một bầu rượu Bầu Đá chính hiệu Bình Định. Nó dơ lên rồi cười ha ha và bảo: Khách quý vào phải tiếp loại này mới xứng! Chai rượu này học sinh của em tặng ngày hai mươi tháng mười một năm trước đấy. Rượu bố mẹ học sinh đã để được 5 năm rồi. Rượu xong nó rủ tôi qua thăm lớp dậy võ ở Đại học Bình Dương với nó. Sau màn chào thì nó giới thiệu trịnh trọng trước lớp về tôi: Đây là thầy Thạch – là người thầy đầu tiên đã đưa thầy đến với Vô – Vi – Nam. (Nghe mà tự hào đến thế chứ lị he he!). Sau đó nó chuẩn bị một cây gậy đưa cho tôi và bảo: Bác biểu diễn một bài gậy theo yêu cầu của các em võ sinh, cho chúng xem chút!
-         Gậy gộc gì! – Tôi trả lời – Tao quên tiệt rồi. Lâu lắm rồi có võ vẽ gì đâu!
-         Bác cứ múa tràn đi. Nhớ đâu múa đấy! Không lo đâu!
            Tôi vẫn còn nhớ được một số đường cơ bản nên cũng múa máy quay cuồng ra phết! He. He. Đám học sinh thì cứ trố mắt nên nhìn ngưỡng mộ. Cuối bài tôi lấy đà nhảy cao, rồi dùng hết lực đập cây gậy xuống đất. Cạch! – Cây gậy gẫy làm đôi, một nửa trên tay tôi, còn một nửa bật tung lên trời rồi rơi xuống đất trước những tràng pháo tay của đám võ sinh! Òa! – Mình phục mình quá đi! He. He! Lúc ra về nó mới thì thầm bảo tôi em biết bác kiểu gì cuối bài cũng đập gậy nên em đã làm chiếc gậy nứt đôi sẵn rồi, chỉ cần đập mãnh là sẽ gẫy! Ôi trời! hai thằng cười ha hả trên đường vun vút xe ngược xuôi!
            Qua tìm hiểu thấy hành trình một ngày của nó từ Gò Vấp, qua quận hai, vòng qua Thủ Đức, rồi lại Sóng Thần, sang Thủ Dầu Một, rồi lại quay về Quận  một. Cứ đi đi lại lại trên những cung đường đầy khó bụi mịt mùng hàng trăm km như thế tôi mới bảo: Mày xem xét lại đi, chứ đi lại như thế này chả biết tiền có bao nhiêu nhưng có khi chết vì ung thư phổi đấy!
-         Ha ha – Nó cười khoái chí bảo – Bài học đầu tiên trong cuốn sách mà ngày xưa bác dậy em có câu: Lười vận động là kẻ thù số một của võ sinh.
-         Nhưng vận động cũng phải trong điều kiện trong lành. Chứ ở đây đường thì bụi bặm, mà di chuyển trên xe như thế chẳng bệnh tật thì cũng tai nạn như chơi!
-         Ha. Ha – Nó lại cười rồi giơ cánh tay lên gân nổi rõ cơ bắp rồi bảo – Con nhà võ là vô địch, sẽ đánh bật mọi cuộn cảm mà bác!
-         Mày cứ cẩn thận đấy! Võ vẽ khỏe gì thì cũng phải chú ý sức khỏe chứ không là tèo ngay! Cuộc đời này vô lượng lắm, không biết đâu mà lần đâu!
            Năm sau nó về Nam Định xin việc, hết cửa này cửa kia giới thiệu cuối cùng chả chỗ nào nhận. Tôi đưa nó đi xin giấy giới thiệu của sở Văn hóa thể thao và du lịch, rồi qua bên sở giáo dục xin giấy giới thiệu về các trường mở lớp dậy võ ngoại khóa. Cứ tưởng có cái dấu đỏ liên sở từ trên xuống thì đi đâu cũng được chào đón, nhưng nó đã nhầm. Đến trường nào cũng nhận được một câu quen thuộc: xin thầy cứ về đi chờ nhà trường xem xét đã rồi sẽ báo lại. Cuối cùng cũng chẳng thấy hồi âm, nó ngán ngẩm bào tôi: Giáo dục với chả giáo diếc, võ thuật với chả võ vẽ tất cả chỉ là vô nghĩa nếu thiếu võ bì! 
-         Võ bì là võ gì? Tôi hỏi
-         Là Phong bì chứ gì nữa. Bác suốt ngày đi dự án phong bì phong biếc đủ cả lại còn hỏi em!
-         Ha. Ha – Tôi cười khoái chí!
            Theo nó kể thì nhiều trường im lặng, lại có vài trường nói thẳng toẹt luôn là muốn mở lớp ngoại khóa thì phải có tiền bôi trơn trước, sau đó học phí sẽ chia ba: một phần cho nhà trướng, phần cho lãnh đạo, phần còn lại mới cho võ sư! Chao ôi! Cãi Võ bì sao mà lợi hại quá!  Hu hu
            Nó lại lang thang qua các phòng văn hóa thể thao các huyện để liên hệ thuê sân tập mở lớp dậy võ. Một ngày nó lại lượn khắp cung đường quốc lộ 21 từ Ý Yên, đến Vụ Bản, rồi vòng qua Trực Ninh, Hải Hậu về Giao Thủy. Lại những chuỗi ngày mịt mù khói bụi giống như thời ở Sài Gòn. Tôi nhắc nhở thì nó trầm tư bảo:
-         Đói thì đầu gối phai bò mà bác.
-         Ừ! Nhưng…
-         Bác yên tâm đi. Con nhà võ là vô địch, sẽ đánh bật mọi cuộn cảm mà bác! – Nó lại giơ cánh tay lên gồng cho cơ bắp nổi rõ và cười.
            Tôi im lặng không nói. Thế rồi cuối năm nó cưới vợ. Năm đó nó đã đạt trình độ Võ Sư Cao đẳng thắt đai đỏ hai viền vàng một cấp.
            Ngày tôi đang học Hoa ngữ quốc tế ở  xứ Hoa thì nghe tin nó bị bệnh nằm viện tại Hà Nội. Không có điều kiện về nên tôi chỉ điện thoại hỏi thăm, nó cười cười cảm ơn tôi rồi bảo bệnh vớ vẩn mà, không sao đâu. Sau đó tôi kí hợp đồng làm việc với công ty SYM thế là tôi lại ra đảo Đài Loan để làm việc ở công xưởng của tổng công ty mà chưa kịp về thăm nó. Khi vừa đến nơi nhận việc thì người nhà tôi báo tin sang: Thằng Phú đã mất vì ung thư phổi!
            Ngày nó mất cũng là ngày vợ nó hạ sinh đứa con gái đầu lòng.
            Chao ơi! Phú ơi là Phú! Tuổi đời vô lượng lắm Phú ơi!

Không có nhận xét nào: