MENU

Chủ Nhật, 9 tháng 12, 2012

CHUYÊN ĐỀ TÌM HIỂU MỘT SỐ ĐIỀU VỀ ĐẠO CÔNG GIÁO Ở VIỆT NAM - PHẦN IV

CHUYÊN ĐỀ TÌM HIỂU MỘT SỐ ĐIỀU
VỀ ĐẠO CÔNG GIÁO Ở VIỆT NAM
                                        Tác giả: BÌNH MINH (Bùi Văn Thạch)
CHƯƠNGIV
Những giá trị văn hóa đẹp trong cuộc sống của người Công giáo Việt Nam
            Tôi viết tiêu đề như thế không phải là phủ nhận những giá trị văn hóa truyền thống rất đẹp của mọi người dân Việt Nam kể cả lương dân lẫn giáo dân mà nhằm một mục đích suy niệm, tìm tòi ra những nét đẹp riêng mang BẢN SẮC KI-TÔ mà người công giáo Việt Nam đã tiếp nhận và hòa hợp nên một trong họ. Sự hòa hợp của cái bản sắc dân tộc và bản sắc Ki-tô giáo đã làm cho người Công giáo Việt Nam nên đẹp hơn ở nhiều khía cạnh đúng như giáo huấn của Vatican gửi cộng đồng giáo dân thế giới rằng: Sống đức tin trong lòng dân tộc!
            Là một bộ phận cấu thành cộng đồng dân tộc Việt Nam yêu dấu, người công giáo cũng mang trong mình những giá trị văn hóa truyền thống đã ăn sâu vào máu, vào trái tim vào nhiệt huyết, nó thấm đậm đến từng huyết mạch và hơi thở của họ như bao người dân Việt vậy. Dù bắc hay nam, đông hay tây, miền núi hay đồng bằng ven biển tất cả những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần của họ đều mang một bản sắc rất chung Việt Nam nhưng cũng mang những giá trị riêng của từng vùng miền mà văn hóa học gọi là “Văn hóa Vùng”.

Đọc tiếp>>>

            1. Người công giáo Việt Nam trọng tình đoàn kết, đề cao tính cộng đồng.
            Trong kinh thánh Tân ước chính Giêsu đã nói cùng các môn đệ rằng: “19.Thầy còn bảo thật anh em: nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho.20 Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ." ( Nguyên văn tiếng Anh: 19 I say to you, if two of you agree on earth about anything for which they are to pray, it shall be granted to them by my heavenly Father.20 For where two or three are gathered together in my name, there am I in the midst of them.") (Mt 18, 19-20). Chính từ lời truyền đó mà người công giáo rất trọng việc cầu nguyện và hợp nhất cộng đồng để cùng cầu nguyện.
            Việc tập hợp cộng đoàn lại nơi giáo đường rồi cùng cầu nguyện là một việc làm thường xuyên đã được giáo hội mời gọi. Và khi họ cùng nhau hiệp thông trong một niềm tin thì tinh thần đoàn kết, tính cộng đồng được gắn kết và dâng cao hơn bao giờ hết.
            Người Việt, dân Việt mình vốn dĩ đã có truyền thống đoàn kết, cộng đồng nhưng với người công giáo thì tính cộng đồng và sự đoàn kết đã vượt lên trên hết bởi ngoài tính truyền thống thì còn là tín ngưỡng, sứ mệnh của giáo dân.
            Một việc “buộc” của người  công giáo là phải đến giáo đường dự thánh lễ ngày chúa nhật hàng tuần. Việc này đã gây nên rất nhiều tranh cãi trong và ngoài giáo hội và đây cũng là một trong rất nhiều lí do khiến cho giáo hội bị phân tách ra mảng tin lành vì thủ tục rườm rà, tốn nhiều thời gian cho việc cầu nguyện. Nhưng nếu như ai đó bình tâm và khách quan mà nhìn bỏ qua những vấn đề về thời gian thì họ sẽ thấy nổi bật trên hết của vấn đề này chính là sự củng cố niềm tin và tăng tình đoàn kết, tăng tính cộng đồng trong một giáo họ, giáo xứ. Mọi người cùng nhau đến nhà thờ một giờ, cùng hiệp thông cầu nguyện, cùng dâng một thánh lễ được chủ sự bởi linh mục hoặc giám mục. Qua việc mục vụ họ được khuyên răn để trở nên gần nhau hơn và cảm thông với nhau hơn. Tình đoàn kết trong cộng đồng từ đó cũng gắn bó mật thiết.
            Và nếu bạn đã từng đến với một quốc gia nào đó Nga, Pháp, Mỹ,…. bạn sẽ thấy những người Công giáo Việt hải ngoại thể hiện tính cộng đồng và đoàn kết cao như thế nào so với những cộng đồng người Việt đơn thuần không mang tín ngưỡng (Nói như vậy không có nghĩa là tác gia kỳ thị, chê bai hay phê phán người không theo công giáo không đoàn kết).
            2. Giữa những người Công giáo dễ dàng bỏ qua và giải quyết những bất đồng một cách êm đẹp bằng cộng đồng giáo dân và giáo hội.
            Kinh thánh theo Mát-thêu đoạn 18 câu 15 đến18 chép rằng: "14 Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. 15 Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em.16 Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân.17 Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh. 18 Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế.”
            Như vậy bên cạnh việc xử lý tranh chấp vấn đề bằng tình làng nghĩa xóm, qua các hội đoàn, thậm chí đến cơ quan chính quyền địa phương thì người Công giáo còn được mời gọi và khuyến khích trực tiếp trao đổi những bất đồng hoặc góp ý những lỗi sai của người khác cho họ sửa đổi. Nếu góp ý vẫn chưa được thì còn có cộng đồng giáo dân mà đứng đầu là Linh mục góp ý, giúp đỡ họ sửa chữa, hoặc hàn gắn hai người đã rạn nứt lại với nhau. Thêm một cơ hội để góp ý để hàn gắn những bất đồng giữa các cá nhân với cá nhân chẳng phải là thêm một lần có cơ hội làm tốt đó sao. Mà nhất là những bất đồng trong hôn nhân gia đình thì việc góp ý và hàn gắn của cộng đồng giáo hội là vô cùng hữu ích cho chính mỗi tín hữu công giáo.
            Và điều này đã góp phần làm nên bản chất gia đình và cộng đồng bền vững hơn trong giáo hội công giáo Việt Nam.
            3. Trong hôn nhân thì người Công giáo trọng việc tìm hiểu kỹ trước hôn nhân và trọng sự chung thủy khi đã quyết định đến với nhau.
            Sứ mệnh của giáo dân theo kinh thánh Ki-Tô giáo là: “ Việc gì thiên chúa kết hợp thì loài người không được phân ly”.  Trước khi tiến tới hôn nhân ngoài thủ tục đăng kí kết hôn với chính quyền, nếu là người công giáo thì anh (hoặc chị) phải trải qua một thời gian học tập để hiểu về nghĩa vụ làm vợ, làm chống, về những khó khăn trong đời sống gia đình … gọi là học Giáo lý hôn nhân. Khóa học này thực sự như một sự khai mở cũng như sự giáo huấn dậy bảo mà giáo hội đánh thức, thức tỉnh những giáo dân của mình nên suy nghĩ thật chín chắn và nên hiểu được thế nào là gia đình và những khó khăn có thể gặp, từ đó mà có quyết định cho chín chắn. Khi đã xong khóa học thì cặp hôn nhân được Linh mục cử hành một thánh lễ gọi là thánh lễ hôn phối. Linh mục trước khi kết hợp cặp nam nữ nên vợ chồng thì để cho họ hứa và tuyên nguyện trước cộng động cũng như trước chúa lời hứa chung thủy sẽ trọn đời bên nhau dù giàu sang thuận lợi hay lúc khó khăn, gian nan.
            Những việc làm này không bao giờ là thừa hay chỉ là thủ tục mà nó mang ý nghĩa giáo dục nhắc nhở và đề cao hơn những quyết định của cặp vợ chống qua đó mà họ có tinh thần hơn trong đức tin công giáo và có trách nhiệm hơn trong đời sống hôn nhân gia đình.
            Nếu như ngoài xã hội hợp đến chán đi thì với người công giáo một khi đã quyết định đến với nhau thì phải suy nghĩ thật kĩ càng và đã tiến đến hôn nhân thì không được phép phân ly. Và nếu họ không thể hòa hợp thì họ sẽ được cộng đoàn, giáo hội tìm cách khuyên nhủ phải trái, hàn gắn vết thương gia đình. Nếu họ vẫn nhất quyết chia ly thì họ có thể kết hôn với người khác bởi điều đó được pháp luật công nhânh nhưng sẽ không bao giờ được giáo hội làm lễ hôn phối lần 2 để chứng nhận. Cũng vì thế mà mỗi người công giáo trước khi được phép làm lễ hôn phối thì phải được thông báo trước toàn cộng đồng giáo dân nhằm thông báo cho mọi người được biết và nếu người đó đã từng kết hôn sẽ bị cộng đoàn trình báo và linh mục bác bỏ không làm lễ hứng hôn nữa!
            Xét trên thực tế thống kê xã hội cho thấy tỉ lệ những người công giáo ra tòa li dị hoặc ngoại tình chiếm một tỉ lệ vô cùng nhỏ. Điều đó tạo nên sự bền vững trong nền tảng gia đình của người công giáo giữa thời đại xã hội ngày càng “mở” đến mức tối đa. Mà khi gia đình sinh chuyện, cha mẹ chia ly thì những đứa con – thế hệ tương lai sẽ là người bị ảnh hưởng và chịu hậu quả vô cùng lớn.
            4. Trong cùng một mặt bằng tri thức cộng đồng thì người Công giáo là lực đi đầu trong tiếp xúc truyền tải và phát triển tri thức.
            Tôi xin nhấn mạnh là là Trong cùng một mặt bằng tri thức cộng đồng tức là cùng một vùng miền với những điều kiện cơ bản về xã hội và kinh tế, tri thức không cách xa nhau thì người công giáo sẽ có điều kiện tốt hơn bởi họ không chỉ được hưởng tất cả những gì mà cộng đồng xã hội hưởng như giáo dục, văn hóa …. Mà họ còn được dẫn dắt bởi một hệ thống các Linh mục quản xứ, Linh mục quản hạt (Vùng), Giám mục … Mà đấy là những người có trình độ cao về văn hóa, khoa học, kĩ thuật. Đó cũng là những người sẽ đi tiên phong trong việc củng cố, ủng hộ các phong trào học tập của con em công giáo địa phương.
            Tôi đã tiếp xúc với nhiều vị học giả uyên thâm và uyên bác, khi nhắc tới các Linh mục, giám mục công giáo họ đều phải công nhận rằng để đào tạo được một Linh mục thì trình độ của họ sẽ tương đương một vị Tiến sĩ hoặc chí ít cũng là tương đương một thạc sĩ (tiến/thạc sĩ theo đúng nghĩa chứ không phải các ông tiến sĩ giấy, thạc sĩ giởm!).
            Về khía cạnh đó rõ ràng người công giáo đã thường xuyên được tiếp xúc qua các thánh lễ, qua các công việc công đoàn, qua cả những việc cần khuyên giải, chỉ dẫn … với những linh mục, giám mục và đương nhiên những gì mà họ tiếp nhận sẽ nhiều hơn về mặt nhận thức văn hóa.
            Và khi thời đại công nghệ phát triển bùng nổ mạnh mẽ, các bạn không khó để kiểm chứng được sự mạnh mẽ của tri thức đã đến với thế hệ trẻ công giáo như thế nào qua các hội sinh viên công giáo người Việt khắp đất nước Việt Nam. Đó là minh chứng hung hồn cho luận điểm này.
           
       
            5. Người công giáo cùng đồng hành với giáo hội công giáo Việt Nam trong nghĩa cử của bác ái, yêu thương, nhân đạo
            Chúa Giê-su đã truyền dậy cho giáo dân của mình rằng: “hãy yêu thương tha nhân như chính mình” đó là một hành động, một nghĩa cử đẹp ở cuộc đời này mà bất kể ai cũng muốn hướng tới. Với chức năng một cộng đồng giáo hội thực thi lời đức chúa phán truyền, Giáo hội công giáo Việt Nam luôn mạnh mẽ đi đầu trong các việc bác ái, yêu thương và cổ vũ động viên giáo dân cùng chung tay gánh vác công việc với giáo hội.
            Trên khắp dải đất Việt Nam chúng ta không khó gì có thể tìm ra những ngôi nhà nhân đạo được thành lập bởi các giáo xứ, giáo phận. Những nơi đó là nơi nuôi dưỡng các em trẻ mồ côi, tàn tật không nơi nương tựa. Có những em cha mẹ đẻ ra không nuôi mà đem đến bỏ trước nhà thờ để rồi giáo hội lại lãnh nhận trách nhiệm nuôi dưỡng.
            Có những cơn bão, thiên tai bât thường gây thiệt hại nặng nề về người và của cả nước cùng chung tay góp sức ủng hộ thì giáo hội công giáo cũng không ngoại lệ. Linh mục, ban hành giáo các giáo xứ, giáo họ động viên cổ vũ giáo dân cùng chung sức chung lòng, bớt một miếng ăn chia sẻ với đồng loại, và như vậy rõ ràng người công giáo bên cạnh việc đóng góp cho xã hội còn đóng góp cùng với giáo hội trong nhiều việc ủng hộ chung.
            Một trong những nghĩa cử mang đầy tính nhân văn của giáo hội và giáo dân chính là việc giáo hội luôn luôn phản đối và nói không với việc ủng hộ phá thai dưới bất kể hình thức nào. Trong nhiều tông huấn, giáo huấn của mình giáo hội công giáo Việt Nam đã đặc biệt chú trọng đến việc nâng cao nhận thức, giáo dục cho giáo hữu công giáo sống yêu thương lành mạnh không được phép phá thai, bỏ thai. Nếu ai vi phạm đó là trọng tội!    
       Chính những quy định này hết sức ngặt này cũng góp phần làm cho các giáo dân hiểu hơn, sống tốt hơn và hạn chế đến mức thấp nhất những ca phá thai có thể. Đồng thời cũng góp một tiếng nói trong việc bảo vệ giá trị nhân bản trong xã hội ngày một “thoáng” hơn và “băng hoại” (phá thai) nhiều hơn.
           
            6. Người công giáo thờ cúng tổ tiên theo tinh thần ki-tô giáo
            Là người Việt Nam thì ai ai cũng trọng việc thờ cúng tổ tiên. Việc thờ cúng tổ tiên là một việc hệ trọng, nó thể hiện nề nếp, văn hóa của mỗi con người, mỗi gia đình và xã hội. Người công giáo cũng rất coi trọng việc ơn nghĩa với tổ tiên nhưng họ có cách riêng của họ.
            Với người công giáo thì không có định nghĩa đầu thai nhập thế lần hai. Đời này, kiếp này họ phải sống sao cho tốt để có thể làm căn cứ cho họ được bước vào thế giới vĩnh hằng nơi thiên đàng hay hỏa ngục sau khi qua đời.
            Khi một người công giáo qua đời họ được cộng đoàn đến đọc kinh cầu nguyện, được Linh mục làm lễ an táng. Tất cả chỉ bằng tấm lòng, sự thành kính và lời cầu nguyện cho người đã mất được ơn tha thứ và được vào thiên đàng hưởng hạnh phúc đời đời.
            Tuy nhiên với một người bệnh nặng, trước khi chết họ được Linh mục giải tội làm phép xức dầu thánh. Đó là một nghi thức công giáo mà tôi thấy thực sự có giá trị nhân bản bởi nó giúp cho những con người giai đoạn cuối đời được giã bầy mọi thứ với Linh Mục, có hoặc không thể nói ra thì họ vẫn được tâm sự qua phép giải tội bởi Linh mục khi giải tội thì người nói Linh mục nghe và không bao giờ được phép kể hay ghi chép lại. Còn nếu người sắp chết họ muốn kể ra thì sẽ tiếp tục kể lại cho con cháu, người thân nghe sau đó. Tôi cũng đã từng chứng kiến nhiều người ốm về thể xác nhưng trở nên nặng hơn vì họ mang tâm bệnh. Khi được Linh mục giải tội và sức dầu thánh tha thứ mọi lỗi lầm họ đã thanh thản cõi lòng và sự kì diệu đã đến họ đã dần dần bình phục bởi tâm bệnh tiêu tan. Cũng có những người thì thanh thản ra đi trong nụ cười sau khi đã được sức dầu. Đó là giá trị rất nhân văn mà đạo công giáo đã làm cho giáo dân của mình!
            Giáo dân cũng được phép thờ di ảnh tổ tiên, lập bàn thờ người quá cố như mọi người Việt. Tuy nhiên những nghi thức thờ cúng thì chỉ cần một nén hương và những lời cầu nguyện là đủ. Không cần phải mua ngũ quả, vàng mã và hơn thế nữa giáo dân có thể đứng ở bất cứ đâu làm dấu đọc 3 kinh (lậy cha, kính mừng, sáng danh) và 1 kinh cầu trong vòng 1 phút là có thể cầu cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ mình rồi!
            Trong việc ghi nhớ tổ tiên người công giáo cũng tổ chức lễ giỗ vào ngày mất của người chết hàng năm. Bên cạnh những ngày người Việt sửa sang, thăm mồ mả ông bả như tết nguyên đán, thanh minh, giỗ thì người công giáo còn dành riêng một ngày gọi là Lễ cầu hồn tức là lễ cầu cho các linh hồn. Trong ngày đó mọi người, mọi nhà đều ra nghĩa trang sửa sang mồ mả ông bà tổ tiên sao cho sạch đẹp, thắp hương cầu nguyện cho ông bà. Linh mục quản xứ cũng ra tận nghĩa trang cùng cộng đoàn dâng thánh lễ, nhắc nhở mọi người luôn ghi nhớ công ơn tổ tiên và phải luôn sửa sang mồ mả - nơi an nghỉ tổ tiên sạch đẹp, ấm cúng. Việc làm đó chẳng thật đẹp lắm sao!

Không có nhận xét nào: