MENU

Chủ Nhật, 30 tháng 12, 2012

TIỂU THUYẾT TUỔI THƠ KỲ 7 - ỐC BƯƠU



                                                TIỂU THUYẾT TUỔI THƠ KỲ 7
                                                                        Bình Minh (BVT)


                                                            ỐC BƯƠU

            Lũ trẻ ở cái xóm nghèo ven biển quê tôi sinh ra và lớn lên với đủ mọi vật lộn với thời cuộc. Thế hệ chúng tôi sinh ra vào đúng giai đoạn xã hội vận động chuyển sang đổi mới sau hàng loạt những khủng hoảng trầm trọng cả về kinh tế, chính trị, xã hội. Trong kí ức thơ bé của tôi – một đứa trẻ trong một gia đình nghèo nhất cái làng quê nghèo ngày ấy vẫn còn in đậm những bữa ăn sáng vào những ngày mùa, cái bát cơm – gọi là cơm cho đúng với hương vị của cuộc sống chứ thực ra đó là một loại cám mịn mà những người say xát gạo thường bán. Khi người ta đổ thóc vào để xát thì gạo sẽ tuôn ra một cửa còn cám sẽ ra một cửa. Những mủi cám rất mịn sẽ theo tốc độ gió bay vào một cửa mà phía ngoài người ta đã buộc sẵn một cái bao vải rất to. Cứ say xát khoảng nửa tháng thì họ mới tháo bao ra rồi lấy số bột đó bán cho những ai cần mua. Có người mua về cho lợn ăn, còn riêng nhà tôi những ngày cuối cùng trước khi có đợt cơm mới thì chẳng còn được đáng là bao nhiêu gạo, dung để nấu ăn bữa chính còn chẳng đủ nói gì đến nấu ăn bữa sáng. Mà bữa sáng chỉ có những ngày mùa màng vất vả mới được ăn chứ ngày thường thì nhịn. Nhưng ngày ấy mẹ tôi mua loại cám mịn ấy về rồi nấu lên cho cả nhà lót dạ để có sức mà làm việc. Dư vị của nó thật không thể nào tôi quên dù rằng khi đó tôi cũng chỉ lên bốn năm tuổi. Quá khứ tuổi thơ tôi đọng lại không nhiều nhưng cái mùi và cái vị của món cám ấy thì không hiểu sao chẳng thể nào phai nhạt trong tôi. Nó có mùi thơm của gạo của cám, có cả vị chát lại có chút gì đó ngọt ngọt. Mẹ tôi thường nấu từ sớm, múc ra bát cho mỗi người một bát rồi đến bữa mọi người ngồi vào ăn, lúc ăn thì số cháo loảng ấy cũng đã nở ra và đông lại như một khối bánh với lấm tấm những màu trăng trắng của bột gạo điểm thêm những hạt li ti vàng vàng của bụi cám ăn vừa mềm mềm lại có cái gì đó lạo xạo trong miệng. Có những buổi cả nhà tôi đi gặt chỉ còn mình tôi ở nhà trông nhà, trông em rồi lúi húi cuàng lấy một nắm bột cám ấy cho vào nấu để ăn cho đỡ thèm. Với cái ý nghĩ trẻ thơ là có bột có nước thì đổ nhiều nước chút để nấu lên sẽ được nhiều hơn. Cái xoong 3 bơ mà tôi đổ tới một nửa xoong là nước mà chỉ có một nắm bột. Khi nấu lên nước đã sôi mà chẳng thấy sản phẩm nào như mẹ tôi đã làm cho cả nhà mọi sáng…. Có lẽ ở cái độ tuổi năm tuôi còn quá nhỏ để nhớ được nhiều điều nên những kỉ niệm quá khứ đó trong tôi cứ chập chờn ẩn hiện không  rõ ràng chi tiết nhưng cho mãi đến khi tôi bước vào cấp ba được học đến tác phẩm của Kim Lân thời nạn đói năm bốn năm khi bà cụ Tứ nấu món cám mừng con dâu mới mà bà gọi là Chè thì những hồi ức trong tôi bỗng trào về một cách rất đầy đủ và chân thực. Một sự đồng cảm chăng? Hay đó là niềm xúc động bất chợt? Hay đó là bản sao của một góc quá khứ mà mình đã trải qua? …
Đọc tiếp>>>
            Khi lên lớp sáu tôi đã bắt đầu biết tìm cách kiếm tiền – cách kiếm tiền của những đứa trẻ thôn quê nghèo làn xơ xác. Thời gian này quê tôi đã có xe khách chạy liên tỉnh mỗi ngày một chuyến từ xã lên Hà Nội và cũng vì thế mà nhiều người đã bắt đầu móc lối với các đầu mối lớn trên thủ đô để thu mua hải sản, sản vật địa phương gửi lên Hà Nội kiếm lời. Mấy đứa trẻ trâu như chúng tôi chẳng có điều kiện nhiều để đi ra bãi biển xét rèm hay đào vạng, đào vọp. Có một thời những con vạng con vọp mà mẹ tôi, các chị tôi đi đào về chỉ để ăn trừ bữa thay cơm chứ đâu có giống thời nay những thứ đó đã trở thành đặc sản với giá rất cao. Mà bây giờ mỗi lần đứng trên triền đê nhìn ra phía xa xa ngoài bãi biển chỉ thấy những chòi canh chủa những người nuôi hải sản chứ còn đâu không gian để cho những người dân bình thường vác cào ra đó bới tìm những sản vật nữa!
            Tôi thì chỉ quanh quẩn trong làng với nửa ngày đến lớp, nửa ngày vắt vẻo lưng trâu. Những buổi trưa và buổi tối là cơ hội để chúng tôi tích cực đi kiếm tiền. Gọi là kiếm tiên cho dễ hiểu chứ thực ra chỉ là năm trăm, một nghìn đủ tiền mua kẹo, mua bánh nhưng với lũ trẻ chúng tôi đã là vui lắm rồi. Mỗi buổi trưa tôi thường lượn lờ khắp làng trên xóm dưới quanh những ao, hồ hoặc những bãi rau muốn ngập nước để mò ốc bươu. Trước khi có xe liên tỉnh lên thủ đô thì ốc bươu chỉ để ăn chứ bán chẳng ai mua. Nhưng sau khi một số người móc nối được với các đầu mối trên tỉnh thì họ bắt đầu thu mua ốc bươu. Dù rằng số tiền rất ít nhưng lũ trẻ chúng tôi cũng tranh thủ mò bắt để kiếm được đồng nào thì vui đồng ấy. Có đồng tiền trong túi một trăm, hai trăm đồng, năm trăm, một nghìn thì súng xính khoe bạn khoe bè với vẻ mặt vui sướng và tự hào. Mà đâu phải là chúng tôi đường hoàng mò đâu. Chỉ có những bờ mương bờ ngánh chẳng phải của ai thì còn được tự do xuống mò chứ các ao, hồ, ruộng rau thì phải lừa lừa cho chủ nhà ngủ trưa rồi mới dám xuống mò bởi khi chúng tôi đã mò thì những luống rau sẽ bị bới tung xuôi ngược. Vừa mò ốc lại còn phải ngoái trước nhìn sau để xem chủ nhà có biết rồi ra đuổi hay không để còn chạy. Chính vì thế chúng tôi thường tập hợp từ hai đến ba đứa một tốp đi mò, hai đứa xuống mò thì một đứa còn lại đứng trên bờ canh chừng trước sau có người là ra hiệu để chúng tôi lên bờ, cứ thế thay phiên nhau canh chừng xuống mò đến khi nào mò hết một lượt thì chuyển sang nơi khác. Riêng buổi tối thì đám trẻ làng tôi ít khi đi mò, chỉ có nhóm của tôi gồm có ba đứa tôi, thằng Tuấn, thằng Khanh là hay tranh thủ buổi tối hơn là ban trưa. Có lẽ đám trẻ làng tôi sợ mà còn ba cái thằng giặc nghịch tụi tôi thì chẳng sợ ma cũng chẳng sợ quỷ nên mới dám đi mò buổi tối mà thôi. Nhưng mò buổi đêm cũng có cái lợi là cứ lặng lẽ mà mò đừng đánh động thì sẽ không ai biết bởi trời tối đen làm gì có ai nhìn thấy chúng tôi. Hơn nữa vào ban đêm ốc bươu trong các hang hốc hay bò ra kiếm ăn hơn ban ngày.
            Thời kì đầu ốc bươu còn nhiều mà ít đứa trong làng đi mò nên nhóm chúng tôi cũng kiếm được khá khá tiền để ăn quà, thậm chí còn góp lại mua một quả bóng da để thi thoảng ra sân nhà thờ đá bóng. Lũ trẻ trong làng thấy chúng tôi có tiền thế là chúng cũng làm theo. Mà cái gì cũng vậy thôi, nhiều người cùng lao vào thì sẽ kiếm ăn được ít hơn là mình được đồng quyền. Lúc này chúng tôi bắt đầu nghĩ ra những trò con trẻ mà đến giờ mỗi khi nhớ lại tôi đều tự cười một mình.chẳng hiểu sao thời đó tôi lại nghĩ ra cái cách ngô nghê ấy. Hôm ấy thằng Tuân sang nhà tôi nó bảo:
-          Dạo này chúng nó mò nhiều quá, anh em mình mò mấy ngày mà chưa được một cân. Chán thật.
-          Ừ! Công nhận đợt này hết ốc rồi hay sao ý – Tôi nói
-          Anh xem có cách nào để tích trữ ốc bươu lại bao giờ được nhiều rồi mới đi bán. Bán nhiều mới sướng. Mỗi lần đi có vài lạng chán lắm.
-          Hay là mình đào ao nuôi ốc đi – Tôi ngẫm nghĩ hồi lâu rồi phát hiện ra sáng kiến – Mình đào một cái ao nho nhỏ bắt được ốc sẽ thả vào đó, bao giờ nhiều sẽ bán. Ốc nó đẻ trứng thì sẽ lấy trứng đem thả vào ao để cho nó nở ra ốc con. Sau mấy tháng lại có ốc to để bán.
-          Ơ! Hay – thằng Tuấn vỗ tay tán thưởng
              Tôi và thằng Tuấn hì hục mất hai buổi trưa mới đào được một cái hố nhỏ mà bọn trẻ chúng tôi gọi là cái ao. Tiêu chí của cái ao này phải ở chỗ kín đáo không để người khác biết vì nếu người khác biết họ sẽ bắt hết ốc của chúng tôi. Ao dài hai mét, rộng năm mươi phân sâu chừng sáu mươi phân vừa đủ để có nước chảy vào cho ốc sống. Chúng tôi thả vào đó bèo bồng, bèo cái làm thức ăn cho ốc rồi phủ lên một lượt lưới để ốc không bò ra khỏi ao, trên mặt lưới được ngụy trang bằng những cành lá đậy lại như một đống củi mà thôi. Mỗi lần chúng tôi thả ốc vào lại lật ra rồi đậy vào nguyên vẹn.
              Một thời gian sau đó chúng tôi gom góp ốc vào ao. Cứ khi nào nhiều thì đem đi bán. Buổi trưa hôm đó trời nắng chang chang, tôi và thằng Tuấn ngồi ở ao ốc bươu đếm ốc chợt nó nảy ra một sáng kiến thực sự thú vị, nó bảo:
-          Em nghĩ ra cách hay rồi!
-          Cách gì? – Tôi hỏi
-          Anh em mình đem ốc luộc lên lấy ruột ăn. Sau đó nhèn đất vào trong đậy lắp lại, vừa nặng hơn mà lại vừa được ăn.
-          Ha ha! Hay quá!
              Ngay lập tức tôi với nó vớt ốc bươu lên đem luộc rồi khêu ruột ăn. Ăn xong chúng tôi lấy đất dẻo dồn vào ruột ốc đậy nắp lại. Nhưng khi đã làm xong bỏ vào rọ đem đi bán thì tôi chợt thấy không ổn tôi bảo nó:
-          Không được rồi!
-          Sao không được?
-          Có hơn chục con ốc mà cân lên tới gần một cân thì ai mà tin được. Nó phát hiện ra thì chết!
-          Ừ nhỉ - thằng Tuấn vò đầu suy nghĩ – Hay là mỗi lần anh em mình bỏ vài ba con nhồi đất vào thôi còn đâu là ốc thật?
-          Thế thì được.
-          Nhưng mà anh ơi! Đất mà để lâu nó khô mất khi nó bỏ xuống nước nó sẽ bong vảy ngay. Bà mua ốc sẽ biết!
-          Hay là…..- Ngẫm nghĩ hồi lâu tôi bảo – Hay là anh em mình trộn cát với vôi rồi nhồi vào càng khô càng dính chặt
              Những người mua ốc ở quê tôi thường phân biệt ốc chết với ốc còn sống bằng cách thả ốc vào chậu nước. Con nào chết sẽ tự khắc nổi lên. Con nào còn sống sẽ chìm xuống. Nếu con nào nổi lên trên mặt thì họ sẽ kiểm tra xem còn sống hay chết rồi bỏ vào cân chính vì thế khi chúng tôi dồn vôi vữa vào thì ốc nhất định nặng sẽ chìm. Trải qua rất nhiều lần bán ốc giả trot lọt, chúng tôi cũng kiếm được kha khá tiền tiêu vặt. Nhưng thằng Tuấn lại vốn tính láu cá nó đi khoe khoang rồi chỉ cho bọn trẻ trong làng cách đào ao, cách làm ốc giả đi bán như chúng tôi. Chỉ duy một nỗi nó chỉ lại chẳng đến nơi đến chốn. Thằng Khánh thấy chúng tôi làm được cũng làm y nguyên nhưng nó lại đem tất cả số ốc nó có đi luốc lên ăn rồi nhét đầy cát xi vào trong và hí hửng đem đi bán. Mà số thằng này cũng may là đúng hôm nó đem đi bán thì bà chủ lại đang ngủ trưa chỉ có thằng con trai chủ nhà buôn đi học ở tỉnh từ bé nên không biết lũ trẻ làng bên chúng tôi là ai. Nó cầm số ốc của thằng Khánh bỏ vào chậu nước, không một con nào nổi lên. Nó an tâm đem vào cân.
  - Ôi trời! – Thằng con chủ nhà thốt lên và lắc lắc con ốc vẻ mặt đầy nghi hoặc – Có mấy con ốc mà nặng tới một cân sao?
  - Em bắt lên được là em đem bán mà – Thằng Khánh cố cãi
  - À – thằng con trai chủ nhà buôn ngắm nghía rất kĩ một con ốc sắp bong vảy rồi như phát hiện ra điều gì nó chạy vào nhà gọi mẹ nó
              Nhanh trí thằng Khánh nhìn qua con ốc mà thằng con trai chủ nhà vừa xem thì thấy rõ khối xi măng bên trong đã bị lộ. Nhanh như cắt nó vất con ốc xuống nền bê tông, con ốc vỡ tan để lộ nguyên khối xi măng cát rồi vụt chạy như bay mất tích để bà chủ nhà buôn không biết tác giả của đống sản phẩm ấy là ai. Nó chạy thằng về nhà tôi kể lại sự việc cho thằng Tuấn và tôi nghe.  Tôi nghe nó kể mà vừa thấy vui nhưng lại bất giác thấy buồn bởi như thế là cách kiếm tiền độc quyền của chúng tôi đã vô tình bị phát giác và không thể tiếp tục làm cách đó được nữa!
              Nhưng vốn thằng Tuấn là người hướng dẫn bọn trẻ trong làng đào ao thả ốc và nuôi ốc như cách tôi đã làm (mặc dù tôi chưa bao giờ tôi bán được một con ốc con nào từ việc nuôi ấy cả) nó biết rất rõ từng vị trí ao của từng đứa, có nhiều ốc hay không. Một hôm nó tìm tôi và bảo: Em biết cái ao của anh Thành nhiều ốc lắm. Tối nay an hem mình sang khoắng sạch đem bán.
-          Nhưng nhỡ nó biết thì sao?
-          Phải có cách chứ anh!
-          Cách gì?
-          Mình bắt hết rồi giả vờ giật cái lưới bên trên cho nó hở ra thế là nó nghĩ ốc bò đi hết.
-          Ờ! Được!
  Tối đó trời tối đen, lại thêm sương mù dày đặc rất khó nhận ra đường đi. Nhưng thằng Tuấn vốn thông thạo đường đi vào đấy nên chẳng mấy chốc nó và tôi đã đến được cái ao của thằng Thành và làm y nguyên như đã bàn. 
  Tiếp ao của thằng Thành là đến lượt ao của thằng Khánh rồi nhiều đứa khác lần lượt bị tôi và thằng Tuấn đến kiểm tra. Nhưng cũng chỉ là kiếm được một lần duy nhất bởi sau đó không lâu tôi bắt đầu có những sự thay đổi lớn. Sang đến năm học lớp 8, mặc cho thằng Tuấn, thằng Khanh rủ đi bắt ốc tiếp, tôi kiên quyết từ chối không đi để chuyên tâm vào việc học và lực học ngày một khá hơn. Cho đến tận hôm nay tôi cũng không thể hiểu và không thể lý giải được sự chuyển biến đến lạ lùng ấy trong tôi. Có thể đó là một sự thay đổi tâm sinh lý, hay đó là một sự thay đổi về tố chất nào đó. Tôi chỉ biết rằng cả bảy năm học từ lớp 1 đến lớp 7 tôi chỉ là một học sinh có học lực trung bình kém. Nhưng không hiểu có điều kì diệu nào đến với tôi khi cuối năm lớp bảy tôi đột nhiên nhận được giấy khen học sinh tiên tiến và sau đó tôi được chuyển lên lớp chọn của trường. Có thể nói số phận tôi đã bắt đầu dịch chuyển từ một tờ giấy mang dòng chữ: Giấy khen học sinh tiên tiến.





 
           

Không có nhận xét nào: