MENU

Thứ Hai, 31 tháng 12, 2012

TIỂU THUYẾT TUỔI THƠ – KỲ 9



                           TIỂU THUYẾT TUỔI THƠ – KỲ 9
                                                                                  Bình Minh (BVT)

                                                            SỐ ĐỎ

            Tôi biết và tôi hiểu những hy sinh và cố gắng vô cùng của bố mẹ tôi để có thể cho tôi đi học tiếp. Cũng chính vì thế mà tôi có thêm động lực và quyết tâm học hành thật tốt, thật tốt để không phụ lòng mong mỏi công sức mà họ đã dành cho tôi. Tôi thi đỗ cấp ba trung học phổ thông với số điểm khá cao tiếp tục được xếp vào lớp chọn của trường.
            Lên cấp ba tôi phải học ngày hai buổi mặt khác em gái tôi cũng lớn hơn có thể chăn trâu được nên tôi ít khi dắt trâu ra đồng mà đượ ưu tiên cho việc học nhiều hơn. Thấm thoát cũng đã hết nửa đầu học kì một của năm lớp mười, trường mới, bạn mới cũng đã quen thân hơn. Nhà trường bắt đầu thi tuyển chọn học ra những sinh giỏi cho các bộ môn để tập trng ôn thi cấp tỉnh. Vốn có khả năng trội hơn về các môn xã hội nên tôi đã được vài ba thầy cô giáo các môn xã hội gọi mời. Nhưng tiêu chuẩn nhà trường là một học sinh chỉ được phép chọn một môn học để ôn. Tôi đã quyết định chọn thamgia đội tuyển ôn tập môn lịch sử.        
Đọc tiếp>>>
           Cũng trong khoảng thời gian này thì chị gái thứ tư của tôi xây dựng gia đình. Từ lễ ăn hỏi, xem mặt, học kinh, lễ cưới tới hôn lễ rồi còn phải có chút ít gọi là của hồi môn cho con trong ngày vu quy…là một quá trình dài và bố mẹ tôi cũng phải chạy ngược chạy xuôi để có đủ tiền lo xong xuôi mọi việc. Kinh tế khánh kiệt lại cộng với tôi, em gái tôi đi học hàng tháng vẫn phải đóng tiền đều đều. Bố mẹ thì cũng yếu đi hay ốm vặt hơn làm gia đình tôi đã nghèo càng nghèo hơn. Biết được điều đó và hiểu được điều đó tôi luôn cố gắng học tập, có thời gian là giúp đỡ bố tôi đi cầy bừa trong những ngày mùa.
            Bữa đó đang ăn cơm thì ông nói với mẹ và anh em:
-          Bố thấy ông Phiến có cái tivi đen trắng vẫn còn tốt lắm. Ông ấy mới mua cái tivi mầu nên bảo bán cái tivi ấy đi. Ông bán có hai trăm nghìn. Muốn mua về có cái để xem mà đang tính.
-          Gớm! Ông xem nhà làm gì có tiền mà mua tivi – Mẹ tôi góp lời –  Mua về lại còn tiền điện nữa chứ có phải để không đâu.
-          Thì tôi bảo là muốn mua thôi. Tại ông ấy bảo bán rẻ lại, khi nào có tiền thì trả cho ông ấy cũng được. Làng mình bây giờ gần như cả làng nhà nào cũng mua tivi cả rồi nhà mình không có cái màu như nhà họ thì có cái đen trắng về cho con cái xem tạm đỡ phải đi xem nhờ.
-          Biết là thế nhưng lấy đâu ra tiền. Tuần sau lại đóng tiền học cho hai đứa rồi đấy. Tổng cộng một trăm nghìn đấy có ít đâu ông.
-          Ừ! – Bố tôi chỉ ừ một tiếng rồi trằm ngâm nâng cố rượu trắng lên nhấp một ngụm. Ánh mắt ông nhìn ra xa xôi phía ngoài xa nơi cánh đồng gió lộng.
            Bố tôi vốn có thói quen uống rượu vào bữa trưa và bữa tối. Mỗi bữa ông uống không nhiều chỉ khoàng hai hoặc ba chén nhỏ loại chén uống trà bình thường. Món nhậu của ông cũng chẳng phải là thịt thà gì mà chỉ là mấy viên lạc rang không hơn không kém. Lúc này nhìn vẻ mặt và ánh mắt của ông mà tôi thấy cảm xúc xáo trộn.
            Khi nhà tôi đang ăn cơm thì một chú cùng làng tôi vào chơi. Ông ngồi xuống uống rượu lạc cùng bố tôi rồi bảo:
-          Em đang định rủ mấy người thành lập tổ đi đào vàng trong Khâm Đức (Đà Nẵng). Em thấy mấy tổ ở làng mình cũng kiếm ăn được anh ạ.
-          Thế chú đã tính phải mua những máy gì và bao nhiêu tiền chưa?
-          Em tính sơ sơ nếu mình đi mười người thì mỗi người tầm năm triệu là đủ tiền mua máy móc và đồ ăn trong khoảng một tháng đầu rồi. Sau đó làm ra thì anh em mình sẽ có tiền để mua đồ ăn và làm việc tiếp.
-          Vậy chú rủ được mấy an hem rồi?
-          Em cũng rủ được gần đủ rồi. Thấy anh chị cũng khó khăn nên em rủ anh đi cùng. Biết đâu số mình đỏ thì đổi đời anh à. Em dự định nếu đủ người thì khoảng tuần sau là sẽ đi.
-          Để tôi tính xem thế nào chú à.
-          Còn tính gì nữa bác. Quyết đi đi. Cứ quần quật mãi mà có thoát ra khỏi cái nghèo đâu anh. Nhà anh lại hai đứa đi học vất lắm. Mình phải đầu tư đi mới mong khá hơn được anh à.
-          Ừ! …
            Bố tôi lại ừ và lại cầm chén rượu lên nhấp một ngụm. Tôi để ý kỹ khuân mặt ông xạm đen, nhăn nheo vì sương gió và dòng đời. Có lần bố tôi kể từ khi bố tôi mới năm bẩy tuổi thì ông tôi đã mất. Bà nội tôi không có tiền nuôi con cũng phải dứt lòng cho đi một đứa con thứ hai mà chỉ để lại bố tôi và một đứa con thơ bé thứ ba mà thôi. Sau này khi người con thứ ba của bà được năm tuổi vì quá đói và cũng vì vô tình làm vỡ một cái nổi đất của mẹ mà bỏ đi biệt tăm không quay về nữa. Bố tôi lớn lên đã phải làm việc quần quật từ nhỏ, làm thuê làm mướn, vác đất, cấy cày tất cả để kiếm đủ cái ăn sống qua ngày đoạn tháng. Sức lực con người thì có hạn mà thời gian thì vô hạn. Con người vẫn phải sống thuận theo thời gian theo quy luật của cái ăn cái mặc. Có ăn thì mới tồn tại được. Năm bố tôi lấy mẹ tôi cũng là năm bà nội tôi mất vì căn bệnh ung thư dạ dầy. Cứ như thế dòng thời gian đẩy đưa. Ông chẳng có một lúc nào được nghỉ ngơi, đầu óc lúc nào cũng phải đuổi bám theo cái ăn cái mặc. Gia đình, vợ con, công việc làng nước… tất cả đều phải thu xếp sao cho ổn. Có nghèo nhưng vẫn phải nghèo cho đáng với cái tâm. Nghèo nhưng không thể để người ta khinh bỉ. Bố tôi vẫn thường hay nói với chúng tôi: Đói cho sạch, rách cho thơm. Và quả đúng như thế. Cả đời ông đã sống như thế. Ông đã nói là sẽ làm. Ông vay mượn ngược xuôi hẹn ngày một trả là đúng ngày ông sẽ trả. Không bớt một xu cả gốc lẫn lãi. Ông cũng có những tháng ngày xuôi ngược khắp mọi miền, làm đủ nghề miễn sao kiếm được tiền cho gia đình sinh sống. Nhưng số đời vẫn là vậy. Cái nghèo nó vẫn đeo bám theo ông như chẳng bao giờ dứt. Cũng đã mấy lần ông đi đào vàng mong cho cuộc đời có sự “may”, mong gặp được cái “số đỏ” mà cũng chẳng thể khá hơn. Vẫn lòng vòng quanh quẩn với cái nghèo năm tháng.
            Bố tôi quyết định đi vay mượn làng xóm để có đủ tiền góp vốn cho tổ. Ngày ông đi tôi nhìn theo bước chân ông với cái túi vải trên vai, cái bao tải nhét mấy bộ quần áo cũ. Nhà chẳng có tiền để mua quần áo mới. Mẹ tôi chỉ kịp thức thâu đem nhặt nhạnh cắt chỗ này vá chỗ kia cho chồng những chiếc áo vá sao cho gọn gàng không rách thủng tả tơi.
           Năm giờ sáng ông đút vội gói cơm nếp lạc mẹ tôi chuẩn bị sẵn vào túi rồi vội vã ra đi. Trời vẫn còn nhá nhem. Mấy người trong làng có người đưa ra bến xe bằng xe máy. Bố tôi chỉ lủi thủi bước đi rồi đi nhờ xe cùng với mấy người trong tổ. Trước khi bước ra khỏi cửa ông bảo: Mẹ con ở nhà nhớ ăn uống đầy đủ. Đừng quá kham khổ quá. Đâu rồi sẽ có đó. Mẹ con nhớ chăm con trâu cho khỏe. Thằng Bình nếu có thời gian thì ngày mùa đưa trâu đi cầy bừa kiếm ít thóc. Kiếm được tí nào hay tí đấy. Bố đi đây!
            Chỉ có thế. Rồi ông đi thằng. Cái khoảng sân trước nhà bỗng chợt vắng tanh. Mẹ tôi vẫn ngồi đứng ở ngoài hiên không nói nhìn ra. Thẫn thờ một hồi lâu bà lại đi xuống bếp ngồi nấu cám lợn. Tôi buồn mênh mang. Một nỗi buồn trống vắng và bồng bềnh. Ngoài sân trời cũng dần sáng hơn. Những ngọn gió vẫn xào xạc thổi bay những chiếc lá khô rơi rơi xoay tròn trên mặt đất.
            Bố tôi đã đi. Cả tuần sau đó tôi vẫn cảm thấy căn nhà sao trống trải đến vậy. Ngày ngày ông ở nhà, có nhiều lúc ông cáu gắt, ông khó tính làm cả nhà cũng thấy bức bối khó chịu. Nhưng khi ông đi rồi thì lại thấy sao trống trải đến lạ kỳ. Cái cảm giác thiếu đi một cái gì đó rất gần gũi mà tôi chẳng thể nào định hình cho nổi. Nó cứ bồng bềnh như một đám bèo bồng giữa mặt biển mênh mang. Nhỏ bé lắm. Xa vời lắm. Đám bèo ấy cứ nhô lên dập xuống theo từng cơn sóng vỗ mãi ngàn năm chẳng dừng.
            Tôi đi học và cũng tranh thủ về nhà là giúp đỡ mẹ. Những công việc nặng, phải leo trèo tôi đều tranh thủ những buổi chiều không học và những ngày chủ nhật nghỉ tôi làm hết. Phun thuốc diệt sâu cho lúa, cầy bừa ruộng, xới vườn trồng cây… tất tật những việc đó bố tôi ở nhà hay làm thì bây giờ tôi cũng cố gắng tranh thủ để làm giúp đỡ mẹ.
Thấm thoát cũng đã đến kì thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Tôi vẫn đi ôn tập đầy đủ, buổi đi học, buổi đi ôn, tối chăm chỉ học bài, làm bài. Còn buổi nào thì đưa trâu ra đồng cầy thuê, bừa thuê kiếm thêm chút thóc cuối vụ. Do cũng chẳng có nhiều thơi gian nên tôi cũng chỉ tranh thủ nhận làm được một số ruộng của một số người trong làng. Còn đâu tôi từ chối và bảo họ đi tìm người khác làm cho. Tôi thường chọn những ruộng của những người già, những bà góa, những gia đình nghèo. Có lẽ đó là sự đồng cảm hay đó là một góc của lương tri nhắc tôi phải giúp họ. Tôi chỉ biết rằng đó là những con người đang cần tôi nhận cầy bừa cho họ.  Bởi sức khỏe của họ, bởi hoàn cảnh và cũng bởi một điều gì đó mà trong tôi muốn giúp họ để họ khỏi chạy xuôi ngược nhờ người khác. Cho đến mùa thu công cầy bừa tôi cũng bảo mẹ tôi lấy rẻ hơn chút. Lương tri và tình yêu con người cần được thức tỉnh rõ ràng từ ngay khi chính mỗi chúng ta đã đang và sẽ làm những việc cho người khác. Chúng ta không có nhiều thời gian để giúp mọi người, tôi cũng vậy nhưng nếu có thì hãy biết chọn giúp cho ai và giúp như thế nào để có thể chia bớt một chút những lo toan mệt nhọc cho họ. Chỉ cần thế thôi là trái tim con người đã thấy vui rồi. Có những hôm trời mưa tầm tã, gió rít liên hồi, những cơn mưa rào xối xả như những viên sỏi cứ ném thẳng vào mặt tôi. Tôi vẫn lầm lũi, và cả cánh đồng mênh mông mọi người cũng đều chạy về nhà trú mưa hết chỉ còn lại một con vật trung thành và một con người nhỏ bé chưa đến tuổi thành niên vẫn lùi lũi làm việc. Tôi không làm thì cũng không có thời gian khác để làm. Tôi phải làm xong để còn có thời gian đi học, thời gian học bài. Tôi phải làm bởi đơn giản tôi đã nhận và hứa với chủ ruộng sẽ làm xong ruộng đúng ngày hẹn cho họ cấy. Cuộc sống có muôn vàn con người, cũng có ngần ấy cách nghĩ. Mỗi người một cách làm khác nhau nhưng theo tôi tựu chung lại nằm ở chỗ phải kiếm cái ăn cái mặc cho riêng mình, cho gia đình mình. Làm để khẳng định khả năng, để chứng tỏ về danh dự, nhân phẩm trong những lời nói, lời hứa đã phát ra.
            Năm tháng dài đằng đẵng, cũng là năm tháng bố tôi quần quật nơi phương trời núi rừng khốc nhiệt. Nguồn tin tức ở quê mà những người ở quê biết về học cũng không nhiều. Chỉ qua những người ở tổ khác trong làng từ miến núi ấy trở về thăm quê. Cũng là năm tháng tôi cố gắng làm trọn những công việc mà bố tôi hay làm dù rằng có nhiều việc làm chẳng được đến nơi mà nhiều khi mẹ tôi lại phải sửa lại cho đúng để giúp đỡ mẹ. Cũng là năm tháng học hành với đầy những cung bậc khác nhau những lo toan hy vọng và những kiến thức dồn dập nhập vào khối óc bé nhỏ của tôi.
            Một chiều tôi đi học về. Vừa đạp xe về đến nhà chưa kịp cất cặp sách thì từ phía ngoài cổng có tiếng xe máy rồi tiếng  một người nào đó rất quen thuộc dặn dò ai đó:
-          Về tắm rửa, lát nữa tập trung ở nhà anh để họp chú nhé!
-          Vâng!
            Tôi ngoái nhìn ra và thốt lên: A! Bố!
-          Bố! bố về mẹ ơi! – Em gái tôi tíu tít chạy ra đón bố
            Khuân mặt vẫn sạm đen, những nếp nhăn nheo vẫn còn đó và có vẻ nhiều hơn. Duy chỉ có nụ cười của ông thì rạng rỡ hơn hẳn. Nó trái ngược hẳn với lúc ông ra đi đầy trầm ngâm và lo lắng. Mọi người trong làng thấy bố tôi về thì cũng chạy sang hỏi thăm. Cuộc nói chuyện và cho biết thông tin hết tổ này đến tổ kia để những gia đình có người đang đào vàng ở gần chỗ bố tôi biết và yên tâm. Vài chiếc kẹo cùng với những thông tin, thông điệp gửi tới thay lời của những người nơi hang hầm sơn cước gửi về miền quê được hiển rõ trên từng khuân mặt. Có kẻ vui, có người buồn, thậm chí những bà vợ khi nghe kể về chồng thì rơm rớm nước mắt. Những cung bậc đủ vị đều được tôi lặng im theo dõi trong cuộc chuyện liên hồi không dứt của bố tôi. Tiếng cười nói rôm rả cả gian nhà bé nhỏ.
            Thế la tổ đào vàng của bố tôi cũng kiếm được một đủ vốn và còn dư ra được kha khá để đem về đủ để trả hết nợ nần và một còn chút ít có thể mua đồ đạc. Bố tôi thông báo tin vui và mọi người cũng mừng cho gia đình tôi. Nghe vậy tôi vui lắm. Niềm vui xốn xang đến từng tế bào. Thế là từ nay nhà tôi sẽ hết nợ nần. Bố mẹ tôi từ nay chỉ cần làm để đủ ăn và cho anh em tôi đi học. Bất chợt mắt tôi ươn ướt nhưng ngần ấy nước chưa đủ chảy ra ngoài khỏi đôi mắt để gọi đúng tên là nước mắt được. Nó chỉ đủ làm cho thế giới trước mặt tôi trở nên nhòe đi và dịu dịu mát rượi.
            Tôi chạy lại bảo bố tôi:
            -     Con đang học môn toán cần cái máy tính Casio fx500 bố cho con tiền nhé
-          Bao nhiêu?
-          Một trăm mười nghìn ạ.
            Bố tôi lấy ra một trăm mười nghìn rồi ông đưa thêm một tờ mười nghìn nữa và bảo: Con đem đi tiền đi mà mua. Cầm lấy mười nghìn mua cốc nước mía mà uống cho mát.
            Tôi cầm tiền, dắt xe đạp phóng vút đi thẳng hưởng trung tâm huyện, quãng đường bảy ki-lô-mét vào trung tâm huyện khá xa nhưng hôm nay tôi cảm giác nó nhanh và gần đến vậy. Tôi tràn ngập trong niềm vui khôn tả.

Không có nhận xét nào: