MENU

Chủ Nhật, 2 tháng 12, 2012

Chuyên đề tìm hiểu về đạo công giáo Việt Nam - Phần III


CHƯƠNG III. “ HỘI LÀNG” CỦA NGƯỜI CÔNG GIÁO
                                                                                         Tác giả: Bình Mình (BVT)

            
            Nói đến hội làng thì tôi chắc rằng bất kì ai là người Việt Nam cũng hiểu được giá trị và nét đẹp của nó. Tuy nhiên khi tìm hiểu đời sống của cộng đồng người Công giáo Việt Nam thì chúng ta lại không hề thấy họ có hội làng? Đơn giản bởi theo tín ngưỡng Ki-tô giáo thì các tín hữu chỉ được thờ một thiên chúa duy nhất “hết lòng, hết sức, hết linh, hết trí khôn” ngoài ra không có một chúa nào khác. Vì lẽ đó mà chẳng có thành hoàng làng, cũng chẳng có thổ công thổ địa cũng tức là chẳng có hội làng theo nguyên nghĩa văn hóa Việt Nam cổ truyền.
            Tưởng thế mà không phải thế!
            Người công giáo cũng có những cách thức riêng để làm nên một hội làng theo đúng tinh thần Ki-tô giáo. Cũng có đầy đủ phần lễ và phần hội như nhiều hội làng khắp cả nước nhưng nó được biến đổi một cách linh hoạt cho phù hợp với hoàn cảnh, văn hóa, phong tục, lối sống và niềm tin tôn giáo. Nó tạo nên một sự linh hoạt trong văn hóa cộng đồng giáo dân công giáo Việt Nam. Ở những vùng mà giáo dân chiếm đại đa số dân cư như khu vực Bùi Chu, Phát Diệm… chúng ta sẽ thấy văn hóa hội làng theo tinh thần Ki-tô giáo được thể hiện rất rõ.
            Ngày hội làng của người công giáo thường được chọn là ngày lễ thánh quan thầy bảo trợ của giáo họ (đơn vị làng của người công giáo). Thông thường mỗi một giáo họ, giáo xứ khi thành lập sẽ tự chọn cho mình một vị thánh trong số các vị thánh đã được giáo hội tuyên phong và suy tôn để làm vị thánh (“thần”) bảo trợ cho giáo dân của giáo họ, giáo xứ đó (giống như các vị thần, thành hoàng làng vậy). Và mỗi năm khi đến ngày mà giáo hội suy tôn vị thánh đó thì những giáo dân, giáo xứ sẽ tổ chức lễ hội, rước kiệu linh đình với niềm vui khôn tả và một tinh thần rất đậm chất suy tôn. Ví dụ như giáo xứ - nhà thờ chính tòa Bùi chu hàng năm sẽ suy tôn vị thánh quan thầy là Đa-minh vào ngày 8/8 dương lịch; hay như vương cung thánh đường- đền thánh Phú Nhai (thuộc Bùi chu) sẽ tổ chức lễ kính thánh quan thầy vào ngày 8/12 – ngày giáo hội dành để tôn vinh Đức mẹ vô nhiễm nguyên tội; hay như ngày 3/12 là ngày suy tôn thánh Phanxico Xavie của giáo xứ Lạc Nam(Bùi Chu)…
            Trong những ngày chuẩn bị lễ kính đó toàn thể giáo dân, các hội đoàn được triệu tập để tập dượt lại các chuyên môn của mình như hội trống, hội kèn tây, hội bát âm, hội trắc … Giáo dân và các chức sắc tôn giáo cũng chung tay dòn dẹp sơn sửa lại kiệu thánh, khuân viên nhà thờ … sao cho thật đẹp đẽ khang trang. Nhà nhà, người người đều tập trung dòn dẹp nhà riêng đẹp hơn, sạch hơn rồi tham gia dọn dẹp thánh đường. Mọi người đi mời khách là những người thân quen ở các làng khác (giáo họ giáo xứ khác) đến tham dự thánh lễ và sau đó sẽ về nhà gia chủ cùng chung bữa cơm vui tươi dầm ấm!
            Đến ngày lễ giáo dân từ già trẻ, gái trai đến các ông các bà trung niên, các cụ cao niên ai vào hội đấy đều nghiêm trang cùng hội đoàn của mình tham gia đoàn rước kiệu kính thánh quan thầy theo đường rước quanh khu nhà thờ đã được quy định từ trước. Cuộc kiệu này nhằm suy tôn vị thánh quan thầy đã bảo trợ giáo dân, giáo họ, giáo xứ, đồng thời cũng nhằm thể hiện niềm vui và hạnh phúc của mỗi người dân trong ngày hội lớn của làng. Mặt nữa còn thể hiện niềm tin và tinh thần Ki-tô giáo phong phú và đặc sắc.
            Cũng tùy từng giáo họ to hay nhỏ, nhiều hội đoàn hay ít  mà người ta tổ chức cuộc rước dài hay ngắn. Dưới đây tác giả xin được nói về diễn trình của một cuộc rước với đầy đủ các đoàn hội tổ chức thường thấy theo một trình tự như sau:

Đọc tiếp>>>
            1. Cờ đầu
            Cờ đầu thường là cờ của giáo hội công giáo Việt Nam hoặc cờ của hội thánh công giáo toàn thế giới được Vatican sử dụng. Ngọn cờ đi đầu như biểu tượng của giáo hội công giáo dẫn dắt các giáo hữu đi theo trên con đường suy tôn thiên chúa và các vị thánh của giáo hội.
            Tuy nhiên cũng có nơi lại thay cờ đầu bằng một lễ sinh (một thiếu niên được tuyển chọn để giúp việc trong thánh lễ cho linh mục gọi là lễ sinh) cầm bình xông hương đi trước. Ý nghĩa của việc này là nhằm thể hiện tinh thần thanh tẩy con đường rước. Khói hương tỏa một mùi thơm ấm áp biểu tượng cho sự thanh tẩy không gian, cũng là biểu tượng cho sự thanh tẩy mỗi giáo dân trong đoàn rước, cũng là biểu tượng cho niềm tin của giáo dân đang bay lên cùng thiên chúa.
            Cũng có những nơi người ta cắt luôn cả bình hương và cờ đầu mà đi đầu đoàn rước là thánh giá nến cao.

            2. Thánh giá nến cao
            Đoàn rước nào cũng cần có thánh giá nến cao. Đoàn thánh giá nến cao gồm có 3 người thường là những thừa tác viên (những giáo dân có tư cách phẩm chất tốt được linh mục chọn giúp việc linh mục trong việc phụng vụ thánh thể). Một người cây trượng phía trên cùng có biểu tượng thánh giá được sơn son thiếc vàng. Hai bên là hai cây trượng cũng sơn son thiếc vàng phía trên đỉnh được gắn nến loại to.
            Thánh giá thì mang biểu tượng vô cùng thiêng liêng của người Ki-tô giáo mà trong phần lý giải thánh lễ tôi đã trình bầy cụ thể. Đó là biểu tượng của niềm tin của chân lý Ki-tô. Là biểu tượng của đức Giê-su. Là biểu tượng của cộng đồng công giáo … Và khi thánh giá đi đầu như thể hiện rõ niềm tin và sự dẫn dắt của chân lý đức chúa đang đưa giáo hội, giáo dân đi trên đường đời lữ hành trần thế để về với chúa tra trên trời vĩnh hằng.
            Đi hai bên là hai ngọn nến được thắp sáng thể  hiện niềm vui niềm hạnh phúc của mỗi trái tim người tín hữu luôn muốn bên chúa phụng sự chúa. Ánh sáng ngọn nến còn thể hiện cho ánh sáng của chân lý chúa Ki-tô sẽ soi rọi mọi nơi tối tăm nhất của thế giới này. Thể hiện ánh sáng của niềm tin vào một ngày mai chúa sẽ đến và đem ánh sáng muôn đời đến thế gian.
             Một điều mà tín hữu công giáo không phải ai cũng để ý và hiểu ấy là trong gian cung thánh nơi bàn thờ thiên chúa luôn luôn phải để một ngọn đèn, một ngọn nến hay một ngọn điện giả nến không được phép tắt, nếu tắt phải thay ngay lập tức cũng xuất phát bởi ý nghĩa ánh sáng ở trên tôi lý giải. Ánh sáng ấy là biểu tượng của chân lý vĩnh hằng như Giê-su đã nói “Thầy là ánh sáng thế gian” và  hơn nữa ánh sáng đó cũng chính là biểu tượng cho giáo dân luôn luôn thờ phượng chúa mọi lúc.
           
            3. Hội Trống
            Tiếng trống luôn là biểu tượng của một sự thông báo. Tiếng trống buồn thì biểu hiện tin buồn mà tiếng trống vui rộn rã tưng bừng thì thể hiện niềm vui. Hội trống trong đoàn rước của người công giáo luôn thể hiện được nhịp đi hung tráng với các bài bản, nhịp phách cụ thể. Thông thường hội trống gồm 1 đến 2 trống cái loại lớn và từ 10 đến 20 thậm chí 50 trống con được phối hợp đều đặn tạo ra những bản hùng ca trong suốt hành trình cuộc rước. Tiếng trông khai hội, tiếng trông giục dã lòng người, tiếng trông nâng cao lòng mỗi người hơn thêm sốt sắng hơn trong suy nghĩ trong hành động và cụ thể là ở đoàn rước và thánh lễ hôm nay.

            4. Các đoàn hội khác
            Tùy theo sự bố trí của ban tổ chức mà các đoàn hội khác sẽ được bố trí đi theo thứ tự như hội nghĩa binh thánh thể, hội giới trẻ rồi đến hội các bà mẹ, hội các ông bố, Hội trắc….. Và cũng tùy theo từng hội đoàn có hay không việc tổ chức khiêng kiệu hoa gồm chủ yếu là hoa tươi được tết rất đẹp và đặt lên kiệu để khiêng trong quá trình rước như thể hiện miền tin và sự thành kính của giáo dân. Sau đó hoa sẽ được đặt vào những vị trí trang trí ở khu bàn dâng lễ.
           
            5. Kiệu thánh quan thầy
            Phía trước kiệu thánh quan thầy thường là các hội như ca đoàn, hội kèn, hội bát âm bởi những hội này sẽ đi trước cất lên những tiếng hát lời kinh những bản nhạc vui ca ngợi thiên chúa, ca ngợi thánh quan thầy bảo trợ.
            Phía trước kiệu thánh thường là một lễ sinh cầm bình hương xông hương đi trước, sau đó có một  hoặc hai vị cầm trống cơm và kẻng để điều khiển đoàn khiêng kiệu sao cho phối hợp thật ăn ý, nhịp nhành tránh làm rung lắc kiệu hoặc đổ tượng thánh ở bên trên.
            Kiệu thánh được làm bằng loại gỗ quý, được trạm trổ rồng phượng, họa tiết hoa lá và biểu tượng thánh giá một cách tinh sảo. Lớp sơn son thiếc vàng cũng được chú trọng đến độ tinh xảo sao cho thật đẹp và thật nổi. Cũng vì kiệu được làm bằng gỗ nên có độ nặng tương đối và cần những nam thanh niên khỏe mạnh. Để khiêng kiệu gồm có 4 cặp nam thanh niên ( 8 người). Bốn góc kiệu thì mỗi góc kiệu là một đòn gồm 2 thanh niên ở hai bên đặt lên vai. Tất cả đồng phục quần đen áo trắng sơ vin, thắt cà-vạt đỏ, nghiêm trang khoanh tay đi từng bước nhẹ nhàng nghiêm trang theo nhịp. Lên hoặc xuống kiệu phải đều theo nhịp trống,  kẻng của người chỉ huy. Cũng do tính chất kiệu nặng nên đi cùng đoàn khiêng kiệu thường có thêm 4 chàng trai đi theo để có thể thay đổi người khi ai đó thấy mệt hoặc đau vai.
            Phía trên kiệu là tượng thánh quan thầy được làm sạch đẹp, được trang trí đài hoa xung quanh và có ô lọng theo kiểu truyền thống nhưng được làm vuông vức để che nắng ở phía trên của tượng thánh.
            Theo ngay sau kiệu thánh sẽ là đoàn lễ nghi gồm có lễ sinh, linh mục, các tu sĩ nam nữ (nếu có), các thừa tác viên và cộng đoàn giáo dân sẽ cùng hợp một ý vào đoàn rước theo trật tự làm cho đoàn rước thêm sốt sắng và nghiêm trang. Trong quá trình đi rước các hội đoàn, giáo dân sẽ lần tràng hạt mân côi để thêm phần sốt sắng .
           
            Hết phần rước, cộng đồng giáo dân vào nhà thờ sẽ nghiêm trang cùng linh mục hoặc đoàn linh mục dâng thánh lễ một cách sốt sắng và hiệp nhất. Thánh lễ xin quý vị đọc ở phần ý nghĩa thánh lễ mà tôi đã trình bày ở phần trước. Sau thánh lễ mọi người ai về nhà ấy, đón khách mời về nhà dự bữa cơm thân mật ấm tình đoàn kết yêu thương. Giá trị tôn giáo – văn hóa, giá trị nhân văn đọng sâu lại trong mỗi lần lễ hội như thế phải chăng có khác chi các hội làng truyền thống trên khắp Việt Nam ta?

Không có nhận xét nào: