MENU

Chủ Nhật, 30 tháng 12, 2012

TIỂU THUYẾT TUỔI THƠ KỲ 8 – SỐ PHẬN



                                                TIỂU THUYẾT TUỔI THƠ KỲ 8 – SỐ PHẬN
                                                                        Bình Minh (BVT)

                                                            SỐ PHẬN

           
            Từ khi kiên quyết từ bỏ cái thời kì kiếm tiền sơ khai thuở trẻ thơ đầy vui buồn xuôi nghịch tôi bắt đầu chuyên tâm vào đèn sách. Có lẽ cái giấy khen tiên tiến cũng như việc tôi vào được lớp chọn mà động lực học của tôi cao hơn hẳn. Cả năm lớp 8 tôi tiến bộ rõ rệt, rồi sang lớp 9 thì có quá nhiều sự đổi thay. Lần đầu tiên tôi được chọn tham gia đội tuyển học sinh giỏi của trường để thi cấp huyện. Sự đổi thay ấy là động lực và cũng còn có thêm cả phần may mắn đến với tôi bởi đội tuyển tôi tham gia có ưu thế hơn hẳn các đội tuyển khác về giáo viên hướng dẫn. Sự ưu thế nằm ở chỗ giáo viên hướng dẫn chúng tôi ôn tập là người có trình độ chuyên môn và có kinh nghiệm nhất trong toàn huyện. Cũng chính cô là người có được đề cương ôn tập ngắn nhất và trọng tâm nhất để tập trung cho chúng tôi ôn luyện chuyên sâu tránh lan man dài dòng. Kết quả sau kì thi đó môn địa lý mà tôi thi gồm có 3 học sinh đạt giải nhất toàn huyện. Chúng tôi được trung tâm giáo dục thường xuyên huyện gửi giấy báo mời vào trường năng khiếu của huyện để nhập học và ôn thi cấp tỉnh. Sau khi chuyển vào trường mới học được ba buổi thì tôi quyết định không thể tập trung vào một môn học duy nhất mà phải quay về trường cũ học tập nhằm mục đích học đều các môn để đạt kết quả cao và chuẩn bị cho kì thi cấp ba sắp tới.
Đọc tiếp>>>
 Tôi phải gọi đó là một sự may mắn hay chính xác hơn là số phận đã an bài một cách đầy ưu ái cho bản thân tôi. Bởi cũng chính những sự tiến bộ nhanh chóng ấy tôi đã có được một nguồn động lực vô cùng lớn lao để tiếp tục theo đuổi con đường học lấy cái chữ, tiến bước vào đời. Cũng phải nói rằng cho đến tận ngày nay tôi vẫn luôn luôn cảm thấy quyết định từ bỏ trường huyện để về tập trung cho việc học của tôi là hoàn toàn đúng đắn. Cùng với quyết định không lang thang tối ngày mò cua bắt ốc để dành thời gian cho việc học và quyết định lần này có thể coi là một trong hai quyết định thay đổi toàn bộ hướng đi của chính mình. Sự thay đổi đó đã thực sự có kết quả tức thì khi học kì một rồi học kì hai của năm lớp chín tôi liên tiếp đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện. Một kỳ tích mà trải qua tám năm học tôi chưa bao giờ dám mơ, tám năm ấy tôi chỉ mơ có được danh hiệu học sinh tiên tiến (mà cũng phải đến tận cuối năm lớp 7 tôi mới có được điều đó) là đã vui lắm rồi.
            Nói về hoàn cảnh gia đình tôi càng lúc càng nghèo, các chị gái cứ lần lượt đến tuổi lấy chồng mà ở quê tôi cũng như bao vùng nông thôn khác khắp dải đất Việt Nam thời đó thì mỗi lần gả con gái về nhà chồng là lại tiêu tốn biết bao tiền bạc từ khi bắt đầu công cuộc tìm hiểu cho đến khi tổ chức hôn lễ. Tính đến năm tôi bước vào lớp 9 bố mẹ tôi đã lo cho ba chị gái về nhà chồng. Nhà vốn nghèo, thu nhập quanh năm trông toàn bộ vào hai vụ lúa mà lao động chính chỉ có mình bố tôi, mọi thứ chi tiêu dồn dập càng dần càng thêm nợ nần. Trong làng tôi thời đó việc học cũng chưa được chú trọng cho lắm. Thanh niên trong làng chủ yếu học hết cấp hai rồi nghỉ học và đi làm kiếm tiền giúp đỡ gia đình. Từ gia đình khá giả cho đến nghèo nàn đều chung suy nghĩ như thế cả. Cả làng tôi cả trăm thanh niên nhưng số người đi học cấp ba chỉ đếm trên đầu ngón tay. Còn đi học đại học thì chỉ có một người duy nhất vốn dĩ là mục đích đi học đại học để đủ điều kiện thi vào đại chủng viện của đạo công giáo làm Linh mục. Cùng lứa tuổi với tôi trong làng cũng có khoảng ba bốn chục đứa đến khi thi xong cuối năm lớp chín thì chúng đồng loạt nghỉ học đi theo các anh chị tản mát khắp nơi bắt đầu lao vào xã hội kiếm tiền. Chỉ có khoảng mấy đứa quanh quanh nhà tôi là tiếp tục đi theo con đường học tập. Khắc hẳn với mấy thằng bạn gần nhà được bố mẹ động viên theo học, cố gắng ôn tập để thi đỗ cấp ba trung học phổ thông. Khi thi tốt nghiệp xong lớp 9, tôi đăng kí đi học bồi dưỡng thêm tại trường để dự thi tuyển vào cấp ba thì bố tôi kiên quyết bắt tôi phải nghỉ học.
            Thú thực ngay từ lúc bố tôi bắt tôi nghỉ học để đi làm giúp đỡ bố mẹ cho đến tận bây giờ chưa bao giờ tôi thấy trách cứ ông một lần. Tôi hiểu và tôi rất hiểu vì sao ông kiên quyết bắt tôi phải dừng học. Hoàn cảnh kinh tế gia đình quá thiếu thốn có đi học cũng lấy đâu ra tiền mà học tiếp. Càng học lên cao sẽ càng tốn tiền trong khi đó tôi còn em gái cũng theo học, bố mẹ tôi còn phải lo cho chị gái thứ 4 chuẩn bị xây dựng gia đình. Cả làng tôi gần như thanh niên nghỉ học đi làm hết chỉ có dăm bẩy đứa quanh nhà tôi là đi ôn. Gia đình chúng nó có điều kiện hơn, khá giả hơn thì đi học  tiếp cũng ít phải lo lắng. Còn nhà tôi lấy đâu ra tiền. Tôi nghĩ, tôi thấy và tôi hiểu. Bữa cơm đầu tiên sau khi tôi đăng kí lớp học ôn thi vào cấp ba tôi xin tiền mẹ tôi để đóng học:
            - Con đăng kí học ôn và làm hồ sơ thì vào trường cấp ba. Sang tuần sau con đi học phải đóng tất cả bốn mươi nghìn. Sang tuần mẹ cho con nhé.
            - Mày quyết định học tiếp à? – Mẹ tôi hỏi tôi nhưng mắt đang nhìn bố tôi như dò hỏi.       
            - Nhà mình khó khăn quá không đủ tiền để đóng học tiếp được nữa đâu. Mày xem cả làng này có ai đi học đâu. Chúng nó nghỉ hết đi làm đấy chứ! Có đứa vừa làm được 1 tuần đã có tiền gửi về cho bố mẹ rồi đấy! Nên mày cũng nghỉ đi con à!
           Tôi im lặng không nói gì. Cặm cụi chan nước canh rau muốn và bát cơm độn khoai để ăn cho nhanh xong bữa. Tôi cố gắng ăn nhanh vừa để tránh mặt bố tôi vừa là để tránh cho cả nhà tôi thấy những giọt nước mặt chực lăn xuống trên hai khóe mắt. Sau khi ăn xong bát cơm tôi đứng vội dậy đi ra ngoài. Bố tôi quay sang phía mẹ tôi và bảo một câu chắc chắn như khẳng định:
            -  Bà không được cho nó tiền đóng học thì nó lấy tiền đâu mà đi ôn với làm hồ sơ. Chẳng ai nhận hồ sơ với dậy không công cho nó cả đâu.
            Tôi cúi mặt lủi thủi ra phía trái nhà ngồi. Tôi ngồi bất định dưới gốc cây đu đủ. Ánh nắng vàng vọt của buổi trưa mênh mang thêm chút gió may thổi nhẹ làm tôi cảm thấy nao nao bâng khuâng một nỗi niềm vô định. Tôi phải làm sao đây? Ra xin cô giáo cho mình học nhờ. Ừ! Đúng rồi tôi sẽ ra xin cô giáo rằng em quyết tâm học nhưng bố mẹ em nghèo quá không có tiền cho em đóng học, cô cho em học ôn cùng với các bạn mà không phải đóng tiền nhé cô. Tôi tin rằng cô sẽ đồng ý.
            Nhưng cô đồng ý thì sao? Hồ sơ thi tuyển tiền đâu mà đóng. Lại còn nếu đỗ thì lấy đâu ra tiền mà theo học. Bố mẹ tôi đã có dấu hiệu sức khỏe dần yếu đi, hay ốm vặt rồi. Trong lòng tôi lúc đó như một biển lửa với những con song cứ thế dồn dập vỗ vào bờ với cái nóng quay quắt, lúc lại êm êm lan tỏa khắp cơ thể một cơn dư chấn nhẹ nhàng. Đầu óc tôi quay cuồng theo những tiếng thở dài ngao ngán. Tôi đi đi lại lại quanh nhà như để cho những đợt sóng lòng tuôn chảy theo đôi chân thấm hết vào đất nhưng càng đi dường như những đợt sóng càng mạnh. Tôi nhìn qua cửa sổ thấy bố tôi đã lên giường nằm nghỉ trưa. Tay ông vắt lên trán, mắt nhằm nghiền nhưng chưa phải là ngủ bởi tay vẫn còn cử động. Lát lát ông lại quay sang bên trái rồi lại lật sang bên phải. Tôi biết tôi hiểu bố tôi cũng day dứt lắm. Cực chẳng đã ông mới phải kiên quyết bắt con mình làm cái việc mà nó không mong gì. Bất chợt tôi nấc nên nghẹn ngào rồi nước mắt cứ thế tuôn ra. Tôi lủi vào hẳn phía sau vườn ngồi thu mình lại để tránh không cho bất kể một ai nhìn thấy tôi. Nước mắt chảy dài trên gò má rồi chảy xuống thấm vào miệng mặn chát. Cái vị mặn của cuộc sống chăng? Hay đó là cái vị mặn của cuộc đời? Những giọt nước từ trong cơ thể trào ra nơi ánh mắt để rồi lại phát ra một vị mặn đặc trưng không mùi như chính dòng đời xuôi ngược quanh ta với vô vàn cung bậc.
            Những ngày sau đó tâm tư trong tôi đầy xáo trộn nhưng không vì thế mà tôi bỏ bê mà trái lại tất cả các buổi tối tôi vẫn lấy sách ra học, làm bài và giải đề như thường. Bố tôi biết nhưng ông không nói gì và tôi cũng không hỏi thêm điều gì cả. Tôi vẫn lầm lũi ngày ngày dắt trâu ra đồng, tối về lại tranh thủ học bài và nuôi hy vọng bố tôi sẽ đồng ý để tôi đi học. Một niềm hy vọng dù mong manh và chỉ như đốm lửa tàn trước gió bởi xưa nay bố tôi đã quyết điều gì và nhất là đã nói ra là sẽ làm mà không ai thay đổi được. Thấm thoát đã là chủ nhật rồi, mai là ngày bắt đầu đi học, đóng tiền, làm hồ sơ. Tôi phải làm sao đây? Tôi bắt đầu hoang mang nhưng vẫn cố chờ đợi trong hy vọng dù vô cùng nhỏ nhoi.
            Bữa cơm chiều chủ nhật vẫn như mấy ngày trước, tôi lủi thủi im lặng ăn cơm, ăn xong tôi đứng lên thay quần áo để ra nhà thờ cầu nguyện. Bố mẹ tôi, chị và em tôi cũng im lặng chẳng ai muốn nói gì. Tất cả lầm lũi ăn. Mâm cơm vẫn chỉ là một đĩa rau bắp cải luộc, hai bát nước luộc rau thay canh, vài con tép khô xào mặn chát để ăn được vài ba ngày. Ngồi trước giáo đường nhìn lên tượng đức chúa chịu nạn lòng tôi buồn rười rượi. Tôi nhìn chằm chằm vào hình ảnh chúa chịu đóng đinh trên thập giá. Một sự khổ đau vì nhân loại, sự đau đớn đến tận cùng của chúa! Trái tim người nơi cạnh sườn tuôn ra những dòng máu đầy tâm huyết. Người chẳng muốn thế mà cuối cùng vẫn cam chịu theo thánh ý chúa cha đến hơi thở cuối cùng. Tôi nhìn lên tượng thánh Phan-xi-cô Xa-vi-e quan thầy bảo trợ tôi, cha thánh Vinh-sơn-tê đáng mà mẹ tôi và bà ngoại đã hiến dâng cho người coi sóc từ khi tôi mới mấy tháng tuổi. Tôi chẳng biết xin gì và nói gì chỉ biết ngồi im và thầm lặng ngắm nhìn. Ánh mắt chúa thì nhắm nghiền trong sự hy sinh, ánh mắt các vị thánh bảo trợ tôi thì lại nhìn tôi với đầy uy lực của một vị thần linh đang dẫn đường cho nhân thế.
            Kết thúc giờ cầu nguyện tôi làm dấu cúi đầu ra về. Về đến đầu ngõ tôi thấy trong nhà điện sáng. Phía ngoài sân có vai ba chiếc xe đạp của khách. Vào đến nhà tôi thấy bố tôi đang nói chuyện với cậu Chường - em trai mẹ tôi, bác Hào - anh trai ruột của mẹ. Mẹ tôi ngồi im lặng ở giường bên để nghe câu chuyện. Thấy đông khách tôi không vào nhà mà ngồi ngoài cầu ao giữa đêm trăng thanh tịnh. Khoảng cách giữa nhà và bờ ao không quá xa để tôi đủ nghe được những gì mà mọi người trong nhà đang nói tới.
-          Thôi chú à! Giả sử nó học hành chẳng ra gì thì bắt nó nghỉ được. Đàng này nó học tốt, học giỏi thì phải cố cho nó học – Bác Hào anh trai mẹ tôi đang khuyên giải bố tôi – Thằng Hiền nhà tôi mà ham học, học tốt thì tôi cho nó đi học ngay. Dù khó đến mấy cũng cho nó đi. Nhưng nó học kém quá với lại nó không thích học nữa nó thích đi làm nên tôi để nó nghỉ đấy chú à.
            Bố tôi im lặng không nói. Cậu Chường nói thêm:
-          Anh xem thằng Hiên con ông Hoàng học tốt đấy nhưng nó không thích học thì ông ấy cho nghỉ. Đàng này thằng Bình nó cũng muốn học, nó còn thiết tha muốn học bắt nó nghĩ cũng tội.
-          Biết rằng cô chú bây giờ khó khăn, khó khăn vô cùng nhưng cô chú cố gắng hơn một chút. Cố cho con đến hơi thở cuối cùng đến khi không cố được nữa thì bảo nó nghỉ lúc đó sẽ không ân hận chú à – Bác Hào tiếp thêm.
-         
            Nghe cuộc nói chuyện của bố tôi với bác, câu tôi lòng tôi chợt nghẹn ngào một nỗi lòng quặn thắt. Tim tôi nhói đau, một cơn đau nhói thoáng qua trong giây lát nhưng đủ làm tê liệt không chỉ trái tim mà còn cả khối óc. Thì ra mẹ tôi đã đem chuyện này kể với bà ngoại, bác và cậu tôi và mọi người đẽ đến để động viên bố tôi cho tôi đi học. Khi mọi người đã về. Tôi vào nhà nằm ngủ, từ bé cho đến lớn tôi đều nằm cùng giường với bố tôi. Tôi nằm mãi, thao thức đầu óc oanh quanh luổn quẩn. Xung quanh tôi bắt đầu dày đặc những bong bóng, các vì sao bất chợt lấp lánh ẩn hiện. Tôi như cảm giác đang bồng bềnh trên không trung. Ở nơi đó tôi đang được bay lên. Tôi cưỡi trên lưng một con trăn không lồ, con trăn hiền hòa và thân thiện với đôi cánh mọc ở giữa thân hình nó như đôi cánh đại bàng, nó bò đi rất nhanh, nhìn tôi âu yếm rồi bất chợt vụt bay lên, nó đưa tôi đi hết nơi này đến nơi khác. Tôi thấy phía dưới tôi là ngôi trường cấp hai nơi bạn bè tôi đang vui đùa ngoài sân dưới gốc cây bàng. Tôi lại thấyy đâu đó bóng dáng ngôi trường cấp ba ẩn hiện. Ngôi trường mập mờ trong sương sớm như cảnh một ngôi chùa Thiếu Lâm tự cổ kính trên triền núi mà tôi vẫn hay xem trên truyền hình. Bỗng bất chợt con trăn dùng đuôi nó quấn tôi chặt tôi lại, nó đảo lộn trên không, tôi quay cuồng trong vòng xoáy của nó càng lúc càng nhanh. Bất chợt nó dừng khựng lại,thả dài người trở lại như cũ, đôi cánh trên lưng của nó sau quá trình quay cuống giữa trời đất bỗng nhiên gẫy vụn. Cả nó và tôi rơi bịch xuống đất… Tay và chân tôi chợt co rúm lại theo phản xạ và tôi tỉnh giấc. Lúc này đã quá nửa đêm gần sáng mà bố tôi vẫn còn thức, ông vẫn còn thở dài liên tục trong màn đêm dày đặc xung quanh. Tôi cố gắng im lặng nhắm mắt ngủ tiếp để tránh làm ảnh hưởng đến ông. Nhưng thú thực đến lúc đó tôi cũng chẳng thể nào ngủ được nữa. Thi thoảng bố tôi lại ngồi dậy đi ra ngoài vệ sinh rồi lại hút một điếu thuốc lào, rồi lại lên giường nằm. Cứ thế vòng quanh cho đến khoảng bốn giờ sáng khi có tiếng gà gáy sáng, rồi tiếng chuông lễ sớm của nhà thờ vang lên thì tôi mới nghe được tiếng thở đều đặn của ông, dấu hiệu để tôi biết rằng ông đã chìm vào giấc ngủ. Tôi nằm một lúc rồi cũng thiếp đi. Khi tôi tỉnh dậy thì bố tôi đã dậy từ lúc nào. Mẹ tôi lại đập vào người tôi bảo dậy ăn cơm còn đi học chứ. Đôi mắt tôi cay xè vì một đêm gần như không ngủ. Nhưng khi nghe mẹ tôi bảo dậy đi học tôi chợt tỉnh giấc. Tôi ngồi bật dậy nhìn quanh quẩn hỏi mẹ tôi:
-          Thế bố đi đâu rồi?
-          Bố mày dậy cái là vác móng đi đào ngánh (mương) từ sáu giờ cơ. Lát ông nghỉ giải lao mới về ăn – Mẹ tôi vừa nói vừa chỉ vào bốn tờ mười nghìn đỏ chói trên bàn – Bố mày để tiền lại bảo cho mày đi đóng học đấy. Ăn cơm nhanh rồi đi học con à.
            Một ngày đào, dọn lại bờ mương để khơi thông thủy lợi nội đồng những người đi làm như bố tôi được ban thủy lợi xã trả công hai cân thóc nhưng cũng phải đợi đến cuối năm thì mới được quyết toán. Với số tiền mà đang cầm đi đóng học hôm nay, bố tôi phải mất cả tuần lễ làm lụng từ sáng sớm đến chiều tối mới đủ.  Khi nhìn những tờ tiền để trên bàn bỏ vào cặp sách để chuẩn bị đi học lòng tôi chợt dâng lên một cảm giác nặng trĩu. Sức nặng của nó lan tỏa vào từng thớ thịt, từng mạch máu trên khắp cơ thể tôi. Tim tôi đột nhiên đập mạnh.

Không có nhận xét nào: